Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Đà Nẵng

.

ĐNO - Thành phố ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước như lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch - bất động sản giá trị cao, tài chính, giáo dục, thể dục - thể thao…

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam (Hàn Quốc) thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH LÂN -VĂN HOÀNG
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam (Hàn Quốc) thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH LÂN -VĂN HOÀNG

Đó là phát biểu của Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương tại Hội thảo "Đầu tư vào Đà Nẵng" vào sáng 18-3. Hội thảo nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của thành phố; tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam và doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng; phát triển quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư.

Bà Huỳnh Liên Phương nhấn mạnh, Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, được xác định là trung tâm cấp quốc gia, đầu tàu, động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Theo đó, thành phố tập trung phát triển 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Phó Giám đốc Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), tại Hàn Quốc,Shyn Kyeonglyun, phát biểu tại hội tháo. Ảnh: THÀNH LÂN -VĂN HOÀNG
Phó Giám đốc Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN -VĂN HOÀNG

Thành phố ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước như lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch - bất động sản giá trị cao, tài chính, giáo dục, thể dục - thể thao…

Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch. Năm 2022, Đà Nẵng đã đón hơn 385.000 lượt du khách Hàn Quốc, chiếm hơn 45% tổng số lượt du khách quốc tế đến thành phố và 50% tổng lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam.

Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn của Đà Nẵng tại khu vực châu Á. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 50 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc là một trong 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào thành phố. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 256 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 358 triệu USD, chiếm 8,9% và xếp thứ 5 xét về tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn thành phố.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đếndự buổi hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN - VĂN HOÀNG
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đến dự buổi hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN - VĂN HOÀNG

"Chúng tôi kỳ vọng các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam sẽ hiểu rõ hơn về những tiềm năng, lợi thế phát triển của Đà Nẵng, từ đó nghiên cứu, xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại thành phố. Lãnh đạo thành phố cam kết nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư, thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng", bà Huỳnh Liên Phương khẳng định.

Tại hội thảo, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh và các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của thành phố Đà Nẵng. Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng trình bày về dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1) và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đã trao đổi, được giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục, quy trình đầu tư, nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn tài sản, môi trường sinh sống và làm việc cho các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố…

Phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm điều kiện kinh tế - xã hội

Theo bà Shyn Kyeonglyun, Phó Giám đốc Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), tại Hàn Quốc, thành phố Đà Nẵng được giới thiệu là điểm đến du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, đây cũng là địa điểm đầu tư có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế.

Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh với nhiều dự án đầu tư và các chính sách ưu đãi hấp dẫn, hỗ trợ của thành phố. Đây là một trong những điểm mạnh mà các doanh nghiệp Hàn Quốc cần quan tâm khi quyết định đầu tư ngoài khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

"Chúng tôi luôn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong vấn đề kết nối, đầu tư và xuất khẩu tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng", bà Shyn Kyeonglyun nói.

Bà Jung Seon Jung, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Daeseong Paldomat Kimchi mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất kim chi tại các khu công nghiệp Đà Nẵng. Đây là thực phẩm nổi tiếng, phù hợp với thị trường tiềm năng tại Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp giải đáp, thành phố hiện có 6 khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và Khu Công nghệ cao. Trong đó, Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang và Khu công nghiệp Hòa Khánh là 2 khu công nghiệp tiếp nhận các nhà đầu tư sản xuất ngành hàng thực phẩm. Đối với nhà máy sản xuất kim chi, ban quản lý rất hoan nghênh khi doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng.

Đối với mối quan tâm về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Hàn Quốc, bà Huỳnh Liên Phương cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 20 trường đại học, cao đẳng đào tạo đa dạng ngành nghề, lĩnh vực. Thành phố thường xuyên tổ chức các hội thảo kết nối giữa các trường với các doanh nghiệp; từ đó, tạo cơ hội để các trường có hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng mực tiêu nhân sự của doanh nghiệp.

"Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trên địa bàn thành phố đã ký kết với các cơ sở đào tạo để bảo đảm nguồn nhân lực khi đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các trường. Đồng thời Đà Nẵng là địa phương thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương. Nếu môi trường làm việc, chế độ lương của các doanh nghiệp phù hợp thì vấn đề thu hút nguồn nhân lực rất thuận lợi", bà Huỳnh Liên Phương chia sẻ.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu thông tin, quy định, đối tác địa phương để thiết lập các kế hoạch kinh doanh; kết nối với các sở, ban, ngành của thành phố để kịp thời cung cấp, giải đáp cho doanh nghiệp thông tin cần thiết; hỗ trợ trong các vấn đề kinh doanh, đầu tư, kết nối các trường đại học để "đặt hàng" nguồn nhân lực, tuyển dụng nguồn lao động.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng là 1 địa điểm đầu tư truyền thống của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Lĩnh vực truyền thống của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Đà Nẵng chủ yếu về thương mại, du lịch… Trong tương lai, hy vọng phát triển thêm các thị trường khác như: công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, logistics, sức khỏe y tế…

Đối với các doanh nghiệp Đà Nẵng và thành viên trong hiệp hội có nhiều lợi thế về các vấn đề như: nguồn nhân lực chịu khó, chăm chỉ; mặt bằng, nhà xưởng...

Cùng với đó, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tạo điều kiện để liên kết, phát triển. Các doanh nghiệp Đà Nẵng mong muốn hợp tác cùng doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc chuyển giao công nghệ, mua bán máy móc để sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, phù hợp nhằm cung cấp cho các nhà máy lớn tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam.

Tại hội thảo, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam (Hàn Quốc) thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác về các vấn đề cung cấp thông tin, xúc tiến các dự án và tổ chức các sự kiện chung, hỗ trợ cho doanh nghiệp thành viên của 2 hiệp hội tiến vào thị trường của nhau…

THÀNH LÂN - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.