Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Covid-19 là thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt và kêu gọi các nước thành viên thể hiện sự đoàn kết để khối này có thể vượt qua khủng hoảng.
Các nhà chức trách tiến hành khử trùng bên ngoài Bệnh viện Burgos ở phía bắc Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/Getty Images |
Theo hãng tin Bloomberg, trong lần họp thượng đỉnh gần đây nhất (ngày 21-2), các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU không nhắc gì đến Covid-19. Lúc đó, Ý ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 nhưng các nhà lãnh đạo EU chỉ chăm chăm vào chuyện ngân sách của khối. Qua 28 giờ đàm phán, họ đã “mặc cả” không thành công về mức đóng góp cho ngân sách sau khi Anh rời EU.
Khủng hoảng chưa từng có
Chỉ vài tuần sau đó, mọi việc đều thay đổi. Đại dịch phá vỡ khái niệm “đoàn kết”, thậm chí đe dọa sự tồn tại của khối và khiến EU bước vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đầu tháng 4, hai cựu Ngoại trưởng Đức là Joschka Fischer và Sigmar Gabriel cảnh báo rằng, Covid-19 có khả năng đẩy nhanh hai tiến trình đối nghịch nhau: có thể làm sâu sắc thêm các rạn nứt tồn tại ở châu Âu và dẫn tới sự sụp đổ của liên minh; hoặc EU và các quốc gia thành viên đoàn kết để cùng chống dịch cũng như khắc phục hậu quả của dịch bệnh.
Các nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao của EU giờ đây không phải gặp gỡ mặt đối mặt, mà chỉ làm việc trực tuyến. Họ đổ lỗi cho nhau về phản ứng chậm và không sẵn sàng hỗ trợ khi Covid-19 đang lan khắp “lục địa già”.
Ngày 6-4, phát biểu với báo giới tại Berlin trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm thảo luận kế hoạch cứu trợ kinh tế cho khu vực, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, EU đang đứng trước thách thức lớn nhất kể từ khi khối này ra đời. “Chúng ta gặp một thách thức lớn về y tế ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia thành viên dù theo những cách khác nhau”, bà Merkel nói. Nữ Thủ tướng Đức cũng vừa trở lại công việc sau 12 ngày tự cách ly ở nhà vì đã tiếp xúc với một bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2.
Nhiều quốc gia châu Âu lúng túng khi tìm phản ứng phù hợp, nhất là việc áp đặt giới nghiêm hay phong tỏa ở các nước vốn có nền dân chủ lâu đời. Tâm dịch của thế giới nhanh chóng dịch chuyển từ Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc sang châu Âu.
Bất đồng giữa Bắc Âu và Nam Âu
Hãng Bloomberg cho biết, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ngày 21-2, các nhà lãnh đạo EU đã có 3 lần họp trực tuyến. Trong đó, cuộc họp trực tuyến mới đây nhất (ngày 26-3) đã thất bại sau khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sánchez đề nghị xem xét “trái phiếu Corona”, tức một công cụ tài chính thông qua khoản vay chung của tất cả 19 quốc gia thuộc Eurozone. Các nước giàu như Đức và Hà Lan có thể thực hiện các gói chi tiêu lớn cho riêng nước mình và không muốn thành lập quỹ vay mượn chung. Những nước Bắc Âu này lo ngại việc chia sẻ các khoản nợ công và người nộp thuế ở nước họ sẽ phải chi trả cho sự hoang phí của các nước Nam Âu.
Trong khi đó, những nước Nam Âu có gánh nợ lớn như Ý và Tây Ban Nha, đang bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thì không có đủ nguồn lực tài chính. Ý và Tây Ban Nha khẳng định, việc cứu các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất cũng chính là cứu EU. Nhưng một số nhà lãnh đạo thuộc EU còn muốn liên minh này điều tra xem vì sao các nước không có đủ tiền để ứng phó với những tác động về kinh tế.
Hãng Bloomberg dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, 72% số người dân cho rằng EU không làm gì để giúp các nước ứng phó với dịch bệnh. Lãnh đạo đảng Liên đoàn chống nhập cư Ý, ông Matteo Salvini nói rằng, khi khủng hoảng kết thúc, người Ý nên xem xét tư cách thành viên EU của quốc gia này.
Ở Hungary, Quốc hội cuối tuần qua đã thông qua luật cho phép Thủ tướng Viktor Orban có toàn quyền sử dụng các sắc lệnh để đối phó với đại dịch cho đến khi chính phủ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Luật mới này làm dấy lên lo ngại ông Orban sẽ sở hữu quyền lực không giới hạn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng lên tiếng rằng, các biện pháp khẩn cấp không nên gây tổn hại đến giá trị và nguyên tắc dân chủ vốn là nền tảng của EU. Sự việc này cũng cho thấy sự rạn nứt trong EU.
Chưa rõ việc sử dụng quỹ cứu trợ trị giá 410 tỷ euro (443 tỷ USD) để giải cứu các nước thành viên bị ảnh hưởng dịch bệnh có được EU thông qua hay không. Bà Merkel dù kêu gọi các nước đoàn kết nhưng có lẽ câu trả lời chắc chắn sẽ không giống nhau và đó cũng là một thử thách lớn của EU trong lúc này.
PHÚC NGUYÊN