Người Vũ Hán đã sống thế nào dưới lệnh phong tỏa vì Covid-19?

.

“Có người đã hỏi tôi sẽ làm gì đầu tiên sau khi lệnh cách ly chấm dứt, tôi trả lời rằng "Tôi sẽ đi dọc bờ sông và hét lên".

Một người phụ nữ đi bộ dưới cầu bên sông Dương Tử ở Vũ Hán. (Nguồn: Reuters)
Một người phụ nữ đi bộ dưới cầu bên sông Dương Tử ở Vũ Hán. (Nguồn: Reuters)

Ngày 8-4 tới, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) sẽ chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa lần đầu tiên kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 tại đây hồi tháng 1-2020.

Giao thông liên tỉnh sẽ hoạt động trở lại nhưng chỉ những người dân có điều kiện sức khỏe đảm bảo, được cấp “mã sức khỏe” xanh mới được đi khỏi nơi cách ly.

Mã sức khỏe là tính năng trên ứng dụng điện thoại Alipay và Wechat, được chính quyền Trung Quốc triển khai để kiểm soát dịch tễ và đánh giá sức khỏe của người dân.

Chia sẻ với tờ Guardian, Guo Jing - một người tiên phong trong phong trào nữ quyền ở Vũ Hán, cho rằng trên thực tế, người dân Vũ Hán vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội đề phòng dịch Covid-19 có thể quay lại.

“Chúng ta sẽ tưởng nhớ người đã mất như thế nào? Giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng ra sao? Làm thế nào để chúng tôi tránh tình trạng người Hồ Bắc bị kì thị vì từng là tâm dịch? Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, và mọi người mất việc - làm thế nào để đảm bảo sinh kế của họ?” - cô Guo tỏ ra tâm tư.

Guo kể, tối 30-3, sau khi biết tin người có mã sức khỏe xanh được quyền ra ngoài mua nhu yếu phẩm, cô mừng tới nỗi bật khóc. “Tôi nhanh chóng đăng ký mã sức khỏe trên Alipay và sẵn sàng ra ngoài vào ngày hôm sau. Lần gần nhất tôi rời khỏi nhà là ngày 26-2, tính đến giờ là 43 ngày rồi.”

“Ngày 31-3 lúc 11 giờ 35 sáng, tôi bước ra khỏi khu nhà của mình (Mỗi hộ gia đình chỉ cho phép một người ra ngoài một lúc, tối đa hai giờ). Tôi đi ra ngoài nhưng không có dự định cụ thể nào, chỉ muốn tận mắt nhìn thành phố của mình.”

Guo cho biết khi đó, một số cửa hàng đã hoạt động trở lại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mì nhỏ, cửa hàng điện tử, trung tâm mua sắm…

Bị giới hạn thời gian trong 2 giờ, Guo hơi bối rối và vội vàng chụp ảnh thành phố, nhiều bức còn bị nhòe.

Dưới lệnh phong tỏa, nhiều nơi bị rào lại, bao gồm các cửa hàng hai bên đường và lối vào ngõ, cổng vào bờ sông. Nhiều người chủ sống ngay trong cửa tiệm của mình thay vì ở nhà riêng, như vậy nghĩa là nhiều người đã chịu cách ly hơn 60 ngày.

“Có người đã hỏi tôi sẽ làm gì đầu tiên sau khi lệnh cách ly chấm dứt, tôi trả lời rằng "Tôi sẽ đi dọc bờ sông và hét lên". Vậy nên tôi tiến thẳng tới bờ sông đó”.

“Tôi đạp xe tới cửa sông, rồi đi bộ dọc bên bờ. Có những gia đình đi dạo mang theo con nhỏ, có các cặp đôi và có người đi câu cá. Tôi tìm một chỗ để ngồi, tháo khẩu trang ra, hít một hơi dài và ăn năm viên thịt mới mua. Chúng ngon ngọt nhưng không béo ngậy. Hương vị vừa phải”.

“Ăn xong, tôi lại đi dọc bờ sông. Tôi ngập ngừng một chút rồi quay mặt ra sông và hét lên. Hai người khác góp giọng với tôi. Một người thậm chí đã hét tới ba lần. Tất cả chúng ta đã bị mắc kẹt quá lâu, cảm giác như bị nghẹt thở. Tôi hét thêm vài lần nữa. Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng”.

“Hai tiếng trôi qua nhanh chóng. Lúc 1 giờ chiều, tôi bắt đầu về. Tôi đã mua một thùng sữa chua từ một siêu thị nhỏ bên cạnh khu mình sống. Lúc 1 giờ 32 chiều, tôi về tới nhà”.

Theo Guo, gỡ bỏ lệnh phong tỏa mới chỉ là bước tiến nhỏ. Đưa thành phố trở lại với nhịp sống ban đầu mới là chặng đường dài. Toàn cầu hóa đã rút ngắn khoảng cách giữa mọi người và kết nối họ - nhưng nó cũng dẫn đến sự bùng nổ của dịch bệnh này trên toàn thế giới.

Nhiều ca mắc mới ở Trung Quốc hiện nay là những người trở về từ nước ngoài, điều này có thể dẫn đến đợt bùng phát thứ hai. Người dân phải có biện pháp bảo vệ mình, đồng lòng với chính quyền để dịch bệnh không quay trở lại.

Theo Vietnamplus.vn

;
;
.
.
.
.
.