Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng

.

14 ngày liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 ở mức 3 chữ số, ngày 27-8 lên tới gần 450 ca. Giới chức y tế nước này gọi đây là cuộc khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng nhất trước nay.

Một nhân viên y tế đang đo thân nhiệt của chính anh trong khi làm xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 26-8. Ảnh: AP
Một nhân viên y tế đang đo thân nhiệt của chính anh trong khi làm xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 26-8. Ảnh: AP

Hãng Yonhap cho biết, ngày 27-8, toàn bộ 3 tòa nhà chính Quốc hội Hàn Quốc phải tạm đóng cửa để khử trùng, một nhóm nghị sĩ tự cách ly ở nhà sau khi một phóng viên ảnh tác nghiệp tại nghị trường được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. 

Người phóng viên nam đã tiếp xúc gần với khoảng 50 người tại nghị viện vào ngày 26-8, trong đó 32 người là nghị sĩ và quan chức. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc phải đóng cửa Quốc hội vì lo ngại dịch bệnh. Lần đầu là vào tháng 2 năm nay, khi một thành viên Quốc hội tham dự một sự kiện và sau sau đó được xác định mắc Covid-19.

Cùng với đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận 441 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 27-8. “Kỷ lục” trước đó về số ca mới là hôm 7-3 với 483 ca. Con số 441 ca mới (chủ yếu là số ca bệnh được ghi nhận ở vùng thủ đô Seoul mở rộng) đánh dấu 14 ngày liên tiếp số ca nhiễm tăng mức 3 chữ số. Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 19.000 ca nhiễm.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), số ca nhiễm mới được ghi nhận tại nhiều thành phố và thị trấn trên cả nước, trong đó có Gwangju, Busan, Daejeon và Daegu. Thành phố Daegu từng là tâm dịch trong giai đoạn bùng phát Covid-19 đợt đầu tiên tại Hàn Quốc vào cuối tháng 2 và tháng 3. Giới chức y tế Hàn Quốc mô tả diễn biến Covid-19 ở Hàn Quốc trong 2 tuần qua là cuộc khủng hoảng lớn nhất của nước này kể từ khi xảy ra đại dịch, tức còn nghiêm trọng hơn ở “làn sóng nhứ nhất”.
Những ngày qua, Hàn Quốc phải tăng cường triển khai các quy định giãn cách xã hội trên cả nước.

Chính quyền cấm tụ tập đông người, đóng cửa các nhà thờ và hộp đêm, yêu cầu người hâm mộ rời khỏi các nơi tổ chức sự kiện thể thao chuyên nghiệp, thay đổi chương trình học tại hầu hết các trường sang hình thức dạy và học trực tuyến. Ngày 27-8, chính quyền Seoul kêu gọi các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa để phòng lây lan dịch. Mặc dù số ca nhiễm mới gần đây chủ yếu liên quan các ổ dịch đã ghi nhận tại một nhà thờ và một cuộc tuần hành phản đối chính phủ hồi đầu tháng 8, nhưng nhà chức trách tiếp tục cảnh báo những nguy cơ có thể bùng phát thành ổ dịch mới tại các tổng đài điện thoại và trung tâm kho vận, những môi trường làm việc thường tập hợp rất đông người.

Giới chức y tế Hàn Quốc cũng dự đoán về khả năng chính quyền áp đặt những biện pháp hạn chế cao nhất về giãn cách xã hội (có thể là hình thức phong tỏa) như đóng cửa trường học, doanh nghiệp nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến nóng trong những ngày tới. 

Nhật Bản quyết tâm sốc lại du lịch

Hãng Reuters cho biết, tuy không căng thẳng như Hàn Quốc, nhưng ngày 26-8, Nhật Bản ghi nhận 236 ca nhiễm mới, đều tại thủ đô Tokyo. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 23-8, Nhật Bản có hơn 200 mắc Covid-19 trong một ngày.

Tính đến nay, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng gần 65.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 1.230 người tử vong. Các địa phương có nhiều người mắc bệnh nhất lần lượt là Tokyo, Osaka, Kanagawa, Fukuoka, Saitama, Hyogo…, theo thống kê của báo Asahi.

Tình trạng dịch bệnh vẫn quá nóng tại thủ đô Tokyo cũng đang là vấn đề lấn cấn đối với chính phủ Nhật Bản khi lên kế hoạch xốc lại ngành công nghiệp không khói sau dịch. Theo báo Asahi, đến tháng 9, chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo sẽ phải quyết định việc có bổ sung Tokyo vào chiến dịch khuyến mãi kích cầu du lịch mang tên “Go to travel” hay không.

Giới chức Nhật không khỏi quan ngại nếu Covid-19 ở thủ đô chưa được kiểm soát, việc đưa Tokyo vào chương trình kích cầu du lịch rất có thể gây phản tác dụng, thậm chí thất bại vì nhiều du khách sẽ ngần ngại. Các nhà chức trách xứ sở hoa anh đào cũng bắt đầu có những điều chỉnh chính sách để tháng 9 sẽ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm nhập cảnh trở lại với các cư dân người nước ngoài sau 5 tháng áp dụng lệnh này để phòng, chống dịch.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.