Quốc tế

Đường sắt tăng tốc ở Đông Nam Á

08:47, 30/12/2022 (GMT+7)

Việc xây dựng các tuyến đường sắt kết nối liên vùng, liên khu vực đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ khẩn trương tại nhiều nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại và dịch vụ logistics trên toàn ASEAN.

Đông Nam Á tăng cường phát triển mạng lưới đường sắt kết nối nội địa và khu vực. TRONG ẢNH: Nhà ga xe lửa Vientiane tại thủ đô Vientiane (Lào).Ảnh: Xinhua
Đông Nam Á tăng cường phát triển mạng lưới đường sắt kết nối nội địa và khu vực. TRONG ẢNH: Nhà ga xe lửa Vientiane tại thủ đô Vientiane (Lào). Ảnh: Xinhua

Trong thập niên qua, kinh tế Đông Nam Á đã tăng trưởng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Việc phát triển các tuyến đường sắt cao tốc khắp khu vực là một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Một trong những động lực thúc đẩy các dự án đường sắt cao tốc mới ở khu vực này chính là các đầu tư nước ngoài từ cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Nối lại, tiếp tục và khởi động

Theo Channel News Asia, tại cuộc họp báo hôm 21-12, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai dự án Đường sắt kết nối bờ biển phía đông (ECRL) nhưng với mức dự trù kinh phí thấp hơn so với ước tính ban đầu khoảng 11,01 tỷ RM (2,48 tỷ USD). Siêu dự án ECRL sẽ chạy qua 4 bang là Kelantan, Terengganu, Pahang và Selangor.

Chính phủ Campuchia thời gian qua cũng có động thái bày tỏ quyết tâm xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc kết nối Phnom Penh với Sihanoukville và các nước láng giềng. Ngày 22-12, Thủ tướng Hun Sen thông báo Chính phủ đang xem xét các nghiên cứu đánh giá về các tuyến đường sắt cao tốc kết nối Phnom Penh với tỉnh Preah Sihanouk và với biên giới giáp Thái Lan.

Báo Khmertimeskh dẫn lời ông Hun Sen cho biết, các tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng và cải tạo từ các tuyến đường sắt “truyền thống” hiện có với tuổi đời cả thập niên. Campuchia hiện có 2 tuyến đường sắt, tuyến phía nam kết nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Sihanoukville và tuyến phía bắc kết nối thủ đô với thành phố cửa khẩu Poipet (tỉnh Banteay Meanchey) ở biên giới Campuchia - Thái Lan.

Trong diễn biến khác, theo Bangkok Post, Cơ quan đường sắt quốc gia Thái Lan (State Railway of Thailand - SRT) thông báo sẽ đầu tư thêm 300 tỷ baht (8,6 triệu USD) cho giai đoạn 2 của dự án Đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc. Cùng với đó, tờ Diplomat cho biết, Indonesia dự kiến đưa vào hoạt động dịch vụ đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á vào tháng 6-2023 với tốc độ tối đa 350km/h, giúp giảm thời gian đi lại giữa Jakarta và Bandung từ 3 giờ hiện nay xuống còn khoảng 40 phút. Dự án này là một phần của tuyến đường sắt dự kiến dài khoảng 750 km kết nối 4 tỉnh trên đảo chính Java (Indonesia).

Sự thay đổi lớn ở Lào

Ngày 3-12-2021, tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc khánh khành sau 6 năm xây dựng, kết nối giữa thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam với thủ đô Vientiane. Việc đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động đã giúp nâng cao đáng kể vị thế chiến lược quốc tế của Lào, theo đó đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm giao thông vận tải quan trọng trong khu vực như phát biểu của Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone mà Tân Hoa xã đã dẫn lại.

Là quốc gia nội lục duy nhất trong ASEAN với đồi núi và cao nguyên chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ, tuyến đường sắt mới đã hiện thực hóa giấc mơ của Lào trở thành trung tâm kết nối trên bộ trong khu vực, đồng thời mang đến bước đột phá vô cùng cần thiết cho nền kinh tế Lào trong bối cảnh hiện nay. Tính đến đầu tháng 12-2022, tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đã vận chuyển tộng cộng 2 triệu tấn hàng hóa, trong đó có khoảng 1,6 triệu tấn xuyên biên giới.

Đường sắt Trung Quốc - Lào cũng giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân giữa các thành phố. Theo Tân Hoa xã, kể từ lúc khánh thành, tuyến đường sắt này đã phục vụ khoảng 1,3 triệu khách, tạo ra hơn 110.000 việc làm và mở ra thêm cơ hội nghề nghiệp chuyên môn trong lĩnh vực này cho các lao động trẻ trong nước.

Tăng cường khai thác vận tải đường sắt Việt Nam - Trung Quốc

Ngày 23-12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức hội thảo quốc tế về tăng cường khai thác tuyến vận tải đường sắt Việt Nam - Trung Quốc. Theo thông tin trên trang web của VNR, hội thảo tập trung thảo luận các nội dung: giải pháp thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc; tăng cường hợp tác trong vận tải bằng đường sắt sang nước thứ 3; đưa ra các phương án hợp tác xúc tiến giữa các công ty vận tải của hai nước...

Ngoài ra, các công ty vận tải cũng có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công thương và VNR có những chỉ đạo trong điều hành GTVT đường sắt hợp lý; xây dựng chính sách, xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn, nhằm thúc đẩy năng lực vận tải liên vận quốc tế, kết nối vận tải đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.