Quốc tế

Ấn Độ dùng mưa nhân tạo chống ô nhiễm

08:26, 25/11/2023 (GMT+7)

Các nhà khoa học Ấn Độ đang thực hiện sáng kiến đột phá nhằm tạo mưa nhân tạo để chống tình trạng ô nhiễm không khí vốn chưa thuyên giảm tại New Dehli, thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Trước đây, Ấn Độ đã khám phá công nghệ này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tiến xa hơn khi họ chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Về nguyên lý, một số hóa chất khác nhau sẽ được đưa vào không khí để tạo mưa cuốn theo cả những hạt bụi ô nhiễm trong không khí xuống đất theo.

“Gieo hạt trên đám mây”

Theo NDTV, dự án nói trên được triển khai trong bối cảnh chất lượng không khí ở New Dehli ở mức đáng báo động khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt 500 đầu tháng 11-2023, mức có thể làm giảm tuổi thọ đối với những cư dân sống trong hơn một thập niên tới. Thực tế, chính quyền thủ đô Ấn Độ phải vật lộn vào mỗi mùa đông để cải thiện chất lượng không khí cho 35 triệu cư dân.

Các chuyên gia cho rằng tình thế tiến thoái lưỡng nan hằng năm này của Delhi nên được coi như “thảm họa”. Không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm từ những nguồn như xe cộ, công nghiệp, bụi xây dựng và đốt rác thải nông nghiệp. Khói từ việc đốt cây trồng ở các bang Punjab và Haryana lan sang New Delhi khiến mức độ ô nhiễm thêm trầm trọng. Tình hình buộc chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa tất cả trường học, ngừng hoạt động xây dựng và áp đặt hạn chế đối với phương tiện giao thông.

Với sự chấp thuận của Tổng cục Hàng không dân dụng, Cơ quan giám sát hàng không, Viện Công nghệ Ấn Độ ở trung tâm thành phố Kanpur (IIT Kanpur) đang triển khai dự án tạo mưa nhân tạo trong tháng 11-2023. Theo ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan môi trường New Delhi, mưa nhân tạo xuất hiện thông qua kỹ thuật “gieo hạt trên đám mây”.

Kế hoạch này bao gồm việc phun các phân tử muối như bạc iodide hoặc chloride vào các đám mây trên diện tích 100km2 từ máy bay Cessna 6 chỗ ngồi. Các tinh thể muối này giúp tạo các tinh thể băng trong mây. Độ ẩm trong các đám mây sau đó bám vào tinh thể băng này và ngưng tụ thành mưa nhân tạo. Phương pháp này thường chỉ tốn khoảng nửa giờ để tạo mưa rửa trôi các chất ô nhiễm độc hại trong không khí. Theo NDTV, một số quốc gia được cho là bắt đầu nghiên cứu việc gieo hạt trên đám mây từ đầu thập niên 1940.

Những thách thức và cân nhắc

Trong khi hiệu quả của biện pháp gây mưa nhân tạo vẫn đang gây tranh cãi, nhiều quốc gia “nối gót” nhau theo đuổi kỹ thuật “gieo hạt trên đám mây” để tạo mưa nhằm phục vụ các mục đích khác nhau, gồm giảm tác động của hạn hán đối với hoạt động nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung cấp nước uống, chống cháy rừng, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái. Không chỉ riêng Ấn Độ, một số quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Indonesia và Malaysia cũng hối hả thực hiện biện pháp can thiệp vào thiên nhiên này. Đáng chú ý, Trung Quốc làm mưa nhân tạo “giải khát” cho sông Dương Tử. Thực tế này khiến “cuộc chiến trên những đám mây” ngày càng “nóng” lên. 

Theo giới chuyên gia, mưa nhân tạo chỉ có tác dụng tạm thời chứ hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài, bền vững. Tờ Economic Times dẫn lời ông Manindra Agrawal, Giáo sư IIT Kanpur dẫn đầu dự án, cho biết, mưa nhân tạo có thể giúp người dân ở Vùng thủ đô quốc gia (NCR) thoát khỏi chất lượng không khí tồi tệ chỉ trong khoảng một tuần. Việc “gieo hạt trên đám mây” cũng cần có sự cho phép của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ và Nhóm bảo vệ đặc biệt của Ấn Độ. Hơn nữa, sự thành công của kế hoạch tạo mưa còn phụ thuộc vào các điều kiện khí tượng cụ thể, chẳng hạn như sự hiện diện của các đám mây chứa hơi ẩm và kiểu gió phù hợp.

Điều đáng chú ý là việc làm mưa nhân tạo đang khiến giới khoa học thực sự lo ngại vì họ cho rằng điều này có thể gây ra những ảnh hưởng khó lường đến môi trường, chẳng hạn như axit hóa đại dương, suy giảm tầng ozone và tác hại tiềm tàng từ iodua bạc độc hại được thả vào mây. Mặt khác, các hóa chất được sử dụng trong quá trình này sẽ rơi xuống bề mặt và hòa tan trong lượng mưa mà nó tạo ra, có khả năng làm thay đổi đa dạng sinh học của khu vực. Trên thế giới, hiện chưa có quy định nào đối với việc sử dụng hóa chất cho quá trình làm mưa nhân tạo.

THƯ LÊ

.