Quốc tế

Ukraine, Israel khó tiếp cận viện trợ từ Mỹ

09:41, 08/12/2023 (GMT+7)

Thượng viện Mỹ đã bác bỏ dự luật viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel với lý do cần ưu tiên thêm ngân sách cho an ninh biên giới, một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong chính trường Mỹ.

Ngày 6-12, Thượng viện Mỹ bác dự luật trị giá 110,5 tỷ USD cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel. Ảnh: CBS News
Ngày 6-12, Thượng viện Mỹ bác dự luật trị giá 110,5 tỷ USD cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel. Ảnh: CBS News

Dự luật do Nhà Trắng đề xuất, gồm 61,4 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, 14,3 tỷ USD cho Israel, cùng với các khoản hỗ trợ dành cho các điểm nóng khác trên thế giới. Việc dự luật bị chặn đe dọa nỗ lực của Tổng thống Joe Biden về cung cấp viện trợ khẩn cấp cho hai nước đồng minh vào cuối năm 2023 như kỳ vọng.

Rào cản khó vượt qua

Theo Reuters, ngày 6-12, thượng viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật ngân sách 110,5 tỷ USD cho an ninh quốc gia, với 51 phiếu chống và 49 phiếu ủng hộ. Kết quả này khiến dự luật không hội đủ số phiếu ủng hộ tối thiểu là 60 để được thông qua tại Thượng viện và sau đó chuyển đến Hạ viện, bất chấp Tổng thống Biden trước đó phát tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ đáng kể về vấn đề an ninh biên giới để đổi lấy việc đảng Cộng hòa thông qua dự luật.

Bên cạnh tất cả 49 nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện bỏ phiếu chống, một số thành viên ủng hộ đảng Dân chủ cũng có động thái tương tự. Ông Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ độc lập thường đứng về đảng Dân chủ, chung quan điểm với đảng Cộng hòa phản đối dự luật khi bày tỏ quan ngại về hỗ trợ chiến lược quân sự của Israel. Tương tự, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, thành viên đảng Dân chủ, cũng bất ngờ chuyển lá phiếu từ ủng hộ sang phản đối vào thời điểm quan trọng mà ông cho rằng có thể dẫn đến “những hệ quả lâu dài trong thế kỷ 21”.

Bày tỏ thất vọng với kết quả trên, đảng Dân chủ cảnh báo, việc chặn dự luật sẽ phát thông điệp rõ ràng rằng cường quốc này không sẵn sàng đồng hành cùng những đối tác quốc tế với tư cách là đồng minh đáng tin cậy như từng cam kết. Tổng thống Biden chỉ trích đảng Cộng hòa đang “bắt nguồn tài trợ Ukraine làm con tin” cho các chính sách biên giới đảng phái cực đoan. Ông cảnh báo, động thái của đảng Cộng hòa chẳng khác nào sẵn sàng trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin “món quà lớn nhất”. “Bất kỳ sự gián đoạn nào trong khả năng cung cấp cho Ukraine rõ ràng sẽ củng cố vị thế của ông Putin”, ông Biden nói. 

Bế tắc sẽ còn kéo dài

Thực tế, ngay cả khi vượt “ải” Thượng viện, dự luật vẫn cần được phê chuẩn tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, nơi hàng chục đảng viên Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại viện trợ cho Ukraine, trong đó có Chủ tịch Mike Johnson.

Theo Reuters, các đảng viên hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh luận gay gắt trong nhiều tháng về cách giải quyết yêu cầu của ông Biden về tài trợ cho Ukraine và Israel nhằm củng cố lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như tiếp tục sứ mệnh cứu trợ nhân đạo quốc tế. Nhiều khả năng, sự bất đồng giữa hai đảng về vấn đề này ngày càng căng thẳng tại Quốc hội khi tình trạng bế tắc có nguy cơ kéo dài qua năm 2024.

Các thành viên Đảng Dân chủ một mực cho rằng, viện trợ cho các đồng minh là điều cần thiết để hỗ trợ nền dân chủ toàn cầu. Ở chiều ngược lại, đảng Cộng hòa lập luận, tình trạng nhập cư bất hợp pháp quá mức qua biên giới với Mexico chính là mối lo ngại an ninh cực kỳ quan trọng và cần gấp rút giải quyết rốt ráo tình trạng này, thay vì “rót” tiền vào Ukraine và Israel, đặc biệt trong bối cảnh vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong hai năm qua.

Theo AP, đảng Cộng hòa đang thúc đẩy nhiều thay đổi đáng kể trong chính sách về di cư ở biên giới, gồm cải cách hệ thống tị nạn và các quy định giam giữ dài hạn đối với nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Dân chủ lo ngại, các đề xuất bổ sung này vô hình trung sẽ mở rộng đáng kể quyền lực của nhánh hành pháp vốn có thể được chính quyền trong tương lai sử dụng để thực hiện kiểm soát di cư hà khắc dọc biên giới.

Rõ ràng, việc gói hỗ trợ hào phóng bị chặn tại “ải” Thượng viện Mỹ sẽ dội gáo nước lạnh đối với Ukraine vào thời điểm nước này có thể thâm hụt ngân sách lên 43 tỷ USD vào năm tới. Reuters dẫn lời Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak lo ngại, việc trì hoãn viện trợ của Mỹ lần này sẽ tạo bất lợi rất lớn đối với nước Đông Âu trong xung đột với Nga.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kích hoạt điều khoản họp khẩn về Gaza
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ họp khẩn vào ngày 8-12 sau khi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lần đầu kích hoạt điều 99 Hiến chương LHQ từ khi được bổ nhiệm vào năm 2017 nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza vào ngày 6-12. Điều khoản này cho phép Tổng Thư ký LHQ đưa bất kỳ vấn đề “đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế” lên HĐBA. Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết, điều 99 đã không được kích hoạt trong nhiều thập niên qua. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã trình dự thảo nghị quyết lên HĐBA, đề nghị hành động dựa theo yêu cầu của ông Guterres là “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” ở Gaza. Để được thông qua, dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh tại phiên họp tới.

THƯ LÊ

.