Quốc tế

Không chỉ nước Anh gặp khủng hoảng y tế

08:32, 22/12/2023 (GMT+7)

Kể từ khi Covid-19 xảy ra, nước Anh rơi vào cuộc khủng hoảng nhân viên y tế liên tục và có những giai đoạn rất nghiêm trọng, tác động hàng triệu người bệnh.

Mới đây, Hiệp hội Y khoa Anh (BMA), đại diện cho khoảng 50.000 bác sĩ trẻ cho biết, các thành viên của hiệp hội này sẽ tiến hành 2 đợt đình công, trong đó đợt 1 kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 20-12 và đợt 2 diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 3-1-2024. Nguyên nhân là do các bác sĩ trẻ từ chối đàm phán với chính phủ sau khi được đề nghị mức lương tăng từ 8-10%, thấp hơn so với mức 35% mà họ yêu cầu và cho là cần thiết để có thể trang trải chi phí. Theo BMA đại diện cho các bác sĩ tư vấn cho biết, lương thực tế của họ đã giảm tới 35% kể từ năm 2008. Theo lãnh đạo các bệnh viện, cuộc đình công kéo dài trong 6 ngày sắp tới sẽ là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử của Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) của Anh và việc hai cuộc đình công trên diễn ra vào thời điểm kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới có thể khiến dịch vụ y tế gặp nhiều khó khăn.

Làn sóng đình công của các bác sĩ tại NHS kể từ đầu năm 2023 cũng khiến các bệnh viện ở Anh phải hủy tới 1,2 triệu ca mổ và lịch hẹn khám của bệnh nhân. Điển hình là cuộc đình công kéo dài nhất trong lịch sử suốt 5 ngày liền của hàng chục nghìn bác sĩ vào ngày 13-7, ảnh hưởng đến hàng nghìn bệnh nhân và cản trở nỗ lực giảm danh sách bệnh nhân chờ điều trị của hệ thống y tế quốc gia. Thực trạng này gây áp lực đối với nỗ lực của Thủ tướng Rishi Sunak trong việc cắt giảm thời gian chờ khám. Ông Sunak buộc phải xác định việc giảm danh sách bệnh nhân của NHS chờ khám chữa bệnh là một trong 5 ưu tiên hàng đầu của ông trước thềm cuộc bầu cử vào năm sau. Hiện, hơn 7,6 triệu người ở Anh đang nằm trong danh sách chờ điều trị tại bệnh viện.

Tình hình tồi tệ đó không chỉ diễn ra ở Anh, cuối tháng 9-2023, Hiệp hội Bác sĩ Đa khoa Đức cảnh báo, nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng, dẫn đến nguy cơ không thể lấp đầy khoảng trống về chăm sóc sức khỏe tương lai. Họ kêu gọi Chính phủ Đức tăng cường hỗ trợ trong bối cảnh lạm phát cao cũng như cấp tài chính công bằng để giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế mà các bệnh viện đang đối mặt. Hơn 50 cơ sở y tế của nước Đức đã nộp đơn xin phá sản trong nửa đầu năm nay và gần 5.000 vị trí bác sĩ đang bị bỏ trống, trong khi tỷ lệ bác sĩ đa khoa trên 60 tuổi chiếm hơn 35% và con số này đang tiếp tục tăng lên.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Hiệp hội, Giáo sư-bác sĩ Nicola Buhlinger-Goepfarth cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhân sự trong ngành y đã lên tới đỉnh điểm và chỉ được bù đắp bằng việc lực lượng y bác sĩ phải liên tục tăng ca. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế không còn khả năng bù đắp cho sự thiếu hụt này khi các nhân viên y tế bị kiệt sức do làm việc dài ngày, nghỉ hưu ở tuổi 70 và có ít thời gian tiếp xúc với bệnh nhân vốn ngày càng nhiều. Điều này đã gây áp lực quá tải lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, cách đây hơn một tháng, cuộc đình công của hơn 75.000 nhân viên y tế tại Kaiser Permanente, tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận lớn nhất nước Mỹ, diễn ra cũng với lý do họ bị trả lương thấp và phải làm việc quá sức. Sự việc đã tác động mạnh tới người bệnh và có phản ứng dây chuyền trên khắp nước này.

Những năm gần đây, do tác động của dịch bệnh, tình trạng quá tải người bệnh trong các cơ sở điều trị và đời sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn đã khiến đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng không chỉ ở Anh, Đức, Pháp, Mỹ mà nhiều nước khác đã phải bỏ việc, hoặc tham gia đình công trên quy mô lớn để gây áp lực với các chính phủ nhằm tăng lương, cải thiện việc làm… Đây là bài toán vô cùng khó và phức tạp cho chính phủ nhiều nước, đặc biệt ở Anh, đang phải hứng chịu hàng loạt các cuộc đình công trên quy mô lớn trong hai năm qua, thậm chí lớn nhất trong lịch sử của ngành y tế ảnh hưởng nghiêm trọng việc chăm sóc người bệnh và toàn bộ hệ thống an sinh quốc gia.

TUYẾT MINH

 

 

.