Quốc tế

Nhân tố cốt lõi cho hòa bình Trung Đông

08:11, 23/02/2024 (GMT+7)

Một trong những nhân tố được xem là cốt lõi mà cả cộng đồng quốc tế nỗ lực trong nhiều thập niên qua để kiến tạo nền hòa bình bền vững ở Trung Đông là giải pháp hai nhà nước Palestine và Do Thái độc lập cùng tồn tại. Tuy nhiên, kể từ khi tiến trình này được nêu ra luôn đối mặt với nhiều vật cản khác nhau. Trong đó nổi lên một số yếu tố chính yếu. 

Trước hết, đó là chính sách chiếm đóng của nhà nước Israel. Trong cuộc chiến 1967, Israel chiếm các vùng đất dành cho người Palestine để thành lập nhà nước Palestine độc lập như Bờ Tây, Gaza, Đông Jerusalem. Sau đó, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Israel tiến hành xây dựng hàng loạt khu định cư Do Thái, động thái khiến người Palestine phẫn nộ và châm ngòi xung đột vũ trang trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, Chính phủ Israel do các thành phần cực hữu nắm quyền lãnh đạo chủ trương bác bỏ giải pháp hai nhà nước. Đặc biệt mới đây, ngày 21-2, Quốc hội Israel thông qua quyết định trước đó của chính phủ, trong đó phản đối nỗ lực của cộng đồng quốc tế về công nhận sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập.

Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ các nước Arab cũng không có sự thống nhất về tiến trình công nhận giải pháp hai nhà nước. Tại hội nghị thượng đỉnh Arab năm 2002, sáng kiến hòa bình Arab quan trọng được thống nhất đưa ra, với nội dung chính nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ của các nước Arab với Israel chỉ đạt được khi thành lập Nhà nước Palestine độc lập.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều nước Arab như Bahrain, Morocco, Sudan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đơn phương ký thỏa thuận hòa bình với Israel, bỏ qua thỏa thuận cam kết hồi 2002. Bước đi này làm cho Israel càng có cớ để loại trừ việc công nhận Nhà nước Palestine độc lập.

Cùng với các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Mỹ vừa là "đồng minh số một của Israel", vừa là nước chủ chốt đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Israel -Palestine. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã không thực hiện đúng vai trò của mình, thậm chí là toan tính "xóa bỏ Nhà nước Palestine" khi làm trung gian cho các thỏa thuận quan hệ song phương giữa Israel với một số nước Arab. Hơn thế nữa, ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có nhiều mâu thuẫn khác nhau do liên quan đến việc ủng hộ lợi ích của Israel.

Tuy nhiên, gần đây, trước tình thế gia tăng xung đột Israel-Hamas có nguy cơ lan rộng, Mỹ đã đánh giá lại tình hình khi nêu bật tính cấp bách phải xúc tiến thành lập một Nhà nước Palestine để bảo đảm an ninh cho Israel và đây là "cơ hội đặc biệt" để Israel hội nhập với các nước Arab ở Trung Đông. Washington Post đã công bố kế hoạch mà chính quyền Mỹ và các nước Arab đang xây dựng, gồm cả việc hoàn tất kế hoạch chi tiết và toàn diện cho hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine, trong đó có thời gian biểu chắc chắn cho việc thành lập Nhà nước Palestine. Theo kế hoạch này, việc thành lập Nhà nước Palestine dự kiến được công bố trong những tuần tới.

Trong khi đó, vai trò của LHQ còn rất mờ nhạt trong vấn đề Israel và Palestine khi vẫn không có giải pháp cụ thể nào, hoặc không thể yêu cầu Israel thực hiện các nghị quyết đã được thông qua. Thậm chí trong tình hình hiện tại, khi cuộc xung Israel-Hamas gia tăng ở mức báo động, gây thương vong lớn đối với thường dân Palestine, nhưng LHQ vẫn không có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.

Đúng như trong tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Palestine khẳng định, việc Palestine có tư cách thành viên đầy đủ của LHQ là con đường đúng đắn để đạt được giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel. Mọi sáng kiến chính trị giải quyết xung đột sẽ thất bại nếu không dựa trên tư cách thành viên đầy đủ của Nhà nước Palestine tại LHQ và sự công nhận của các nước phương Tây, trong đó có Mỹ.

LÊ MINH HÙNG

.