Quốc tế
Nhân loại trước thách thức an ninh nguồn nước
Đi cùng với cuộc chiến chống sự biến đổi khí hậu phức tạp thì việc bảo đảm an ninh nguồn nước cho sự sống của con người nói riêng, trái đất nói chung, ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) khẳng định, tài nguyên nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Trung bình một ngày, mỗi người cần uống từ 2-4 lít nước; và để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày phải mất từ 2.000-5.000 lít. Trong khi đó, nước ngọt đang bị hoang phí trên phạm vi toàn cầu dưới nhiều góc độ khác nhau.
Hiện, cả khối lượng và chất lượng nước cũng đều suy giảm nhanh chóng do quản lý kém, khai thác nước ngầm quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu trong nhiều thập niên, cùng với đà tăng dân số toàn cầu. Sự cạnh tranh để giành quyền sử dụng nguồn tài nguyên vô giá này ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực. Cùng với đó, giao dịch buôn bán nước sạch lại đang trở thành ngành kinh doanh đầy triển vọng.
Bloomberg dẫn trong báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy rõ nguy cơ thiếu nước đang hiện hữu. Từ nay đến năm 2050, hơn 50% dân số toàn cầu có thể đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước, do nhu cầu vượt nguồn tài nguyên nước sẵn có. Hơn 2 tỷ người đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nguồn nước, và ước tính 4 tỷ người đang sống ở những nơi khan hiếm nước trầm trọng trong ít nhất là một tháng mỗi năm. 1 trong 5 trẻ em không có đủ nước để giải quyết nhu cầu hằng ngày, và trẻ em ở hơn 80 quốc gia đang sống ở những nơi có nguy cơ cao về nước, có nghĩa là phụ thuộc vào nước bề mặt mà các nguồn nước chưa được xử lý hay phải mất hơn 30 phút mới tiếp cận được nguồn nước. Đông và nam châu Phi có tỷ lệ trẻ em sống ở những nơi như vậy cao nhất, trong đó 58% gặp khó khăn trong việc tiếp cận đủ nước mỗi ngày. Lượng nước sạch được sử dụng toàn cầu tăng gấp sáu lần trong 100 năm qua và đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1%/năm kể từ thập niên 1980.
Tình trạng biến đổi khí hậu làm thay đổi các hình thái mưa, giảm lượng nước sẵn có và làm trầm trọng hơn thiệt hại mà lũ lụt và hạn hán gây ra. Ngoài ra, sự tan băng đang gây ra nhiều hậu quả hơn, như lũ quét, nước biển dâng, đồng thời có nguy cơ làm giảm nguồn nước cho hàng trăm triệu người trong tương lai.
Do vậy, việc bảo vệ an ninh nguồn nước hay nói ngắn gọn là “gìn giữ tài nguyên nước” chính là vấn đề trọng tâm để các quốc gia phấn đấu đạt những mục tiêu trong chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tại các hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP) và các diễn đàn Nước thế giới (WWF) trong nhiều năm qua luôn coi đảo đảm an ninh nguồn nước là “mệnh lệnh của sự tồn vong, đối với loài người”.
Đáng chú ý, ngay tại diễn đàn WWF lần thứ 10 tại Indonesia từ ngày 18 đến 25-5 với chủ đề “Nước vì sự thịnh vượng chung” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Sự kiện quy tụ khoảng 30.000 người tham dự đến từ 172 quốc gia và vùng lãnh thổ là các bên liên quan tài nguyên nước. Diễn đàn tập trung thảo luận 4 vấn đề “nóng” hiện nay gồm: bảo tồn nguồn nước, nước sạch và vệ sinh; an ninh lương thực; năng lượng và giảm nhẹ thiên tai. Diễn đàn dự kiến đưa ra các sáng kiến, giải pháp và cam kết mới để đạt mục tiêu quản lý nước bền vững và công bằng.
Có thể nói, mục tiêu căn bản cuối cùng của các hội nghị thượng đỉnh COP hay diễn đàn WWF…khi đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp, sáng kiến cuối cùng là làm cộng đồng thế giới phải có sự nhận thức đúng đắn, từ cá nhân đến định chế quản trị vĩ mô mới có thể thay đổi thực trạng về bảo vệ an ninh nguồn nước. AP dẫn lời Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc từng nhấn mạnh: Tất cả chúng ta phải ngừng coi nước là tài nguyên vô hạn, và kế hoạch phối hợp cấp quốc gia và khu vực một cách đồng bộ để giải quyết những thách thức chồng chéo trước mắt. Có như vậy, nước-nguồn tài nguyên vô giá cho sự sống của trái đất và con người mới được bảo vệ ở mức độ cao nhất có thể.
LÊ MINH HÙNG