Quốc tế

Mỹ-Pháp hướng đến quan hệ chặt chẽ hơn

07:38, 10/06/2024 (GMT+7)

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể được ví như một mũi tên trúng hai đích: vừa khẳng định tăng cường mối quan hệ đồng minh kéo dài hàng thập niên với Pháp vừa củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, qua đó hóa giải bất đồng, phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề song phương và toàn cầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Paris ngày 8-6. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Paris ngày 8-6. Ảnh: AP

Củng cố quan hệ đồng minh lâu đời

Theo CNN, Tổng thống Biden xem đây là “chuyến đi đáng chú ý nhất” tới Pháp mà ông đã thực hiện. Trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Élysée ngày 8-6, ông Biden khẳng định, Pháp là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong hơn hai thế kỷ, bất chấp một số khác biệt cũng như mâu thuẫn thương mại trong quá khứ. “Mối quan hệ Mỹ - Pháp là minh chứng điển hình của sức mạnh đồng minh lâu đời trên thế giới. Pháp là người bạn đầu tiên và vẫn là một trong những người bạn tốt nhất của chúng tôi”, ông Biden nhấn mạnh. Người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi hai nước tiếp tục sát cánh trong lúc đang đứng ở “điểm uốn trong lịch sử” và những quyết định mà họ đưa ra bây giờ sẽ quyết định hướng đi tương lai trong nhiều thập niên tới.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết, sau chuyến thăm này, hai bên sẽ cùng phối hợp trong các vấn đề an ninh toàn cầu và giải quyết những mâu thuẫn thương mại trước đây. Theo Reuters, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua củng cố năng lực thực thi pháp luật và tăng cường hợp tác kỹ thuật về an ninh cảng, cùng với nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến bảo đảm chuỗi cung ứng. CNN dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby cho biết: “Hai ông Biden và Macron có mối quan hệ nồng ấm và gần gũi. Một trong những điều mà Tổng thống Biden tôn trọng và ngưỡng mộ ở người đồng cấp Macron là ông ấy cũng trung thực và thẳng thắn như chính tính cách của ông Biden. Đó là những gì anh ấy muốn thấy ở một người bạn, một đồng minh”.

Lập trường đối với Ukraine

Theo Reuters, trong tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra ngày 8-6, hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ cho biết, họ nhất trí rằng an ninh rộng hơn trên Đại Tây Dương đang bị đe dọa trong bối cảnh xảy ra xung đột ở Ukraine. Tuyên bố cho biết: “Pháp và Mỹ đồng chủ trì liên minh pháo binh tại Nhóm Liên lạc phòng thủ Ukraine (UDCG) và dự định thực hiện các bước đi mới để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine trong giai đoạn hiện tại và về lâu dài”. UDCG là liên minh gồm khoảng 50 quốc gia thường xuyên tiếp xúc để thảo luận về nhu cầu an ninh của Ukraine. Tuyên bố nêu rõ Mỹ và Pháp cũng tái khẳng định cam kết của hai nước này về việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine.

Đáng chú ý, ông Biden ví sự ủng hộ của cả hai nước dành cho Ukraine như minh chứng về mối quan hệ thân thiết Mỹ-Pháp. Thực tế, ông Macron là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt trong phản ứng của châu Âu trước tình hình xung đột ở Ukraine. Pháp đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, tuyên bố sẽ vượt tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng 2% của NATO và tái khởi động hoạt động sản xuất quân sự quan trọng trong nước.

Dẫu “đồng thanh tương ứng” về ủng hộ Ukraine lâu dài mà gần nhất là nhất trí cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga, song Mỹ và Pháp lại có sự khác biệt đôi chút trong quan điểm về vấn đề này. Rõ ràng, ông Macron đã có những ý tưởng táo bạo liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, đơn cử như việc điều giảng viên quân sự đến các trung tâm ở Ukraine trong khi Mỹ tỏ thái độ rất thận trọng do lo ngại “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc xung đột vốn vẫn chưa tìm được lối ra. Đến nay, Mỹ kiên quyết phản đối triển khai binh sĩ đến Ukraine.

Theo CNN, về xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza, ông Macron tán thành đề xuất ngừng bắn do ông Biden đưa ra; đồng thời cho biết Pháp và Mỹ sẽ làm việc chăm chỉ hơn để ngăn xung đột lan rộng rộng ra toàn Trung Đông với ưu tiên chính là làm dịu tình hình giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.  Trong khi đó, ông Biden khẳng định, Mỹ và đồng minh sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi tất cả các con tin về nhà và đạt được lệnh ngừng bắn. Hiện, Mỹ vẫn đang chờ phản hồi chính thức của Hamas về thỏa thuận tiềm năng này.

Theo AP, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận việc từ bỏ kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ Ukraine 108 tỷ USD trong 5 năm sau khi đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này. Thay vì thành lập quỹ, ông Stoltenberg sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên duy trì đóng góp hiện nay cho Ukraine. Theo đề xuất mới, các nước đồng minh trong NATO sẽ cần chi ít nhất 43,2 tỷ USD mỗi năm cho viện trợ quân sự Ukraine. NATO sẽ xác định số tiền đóng góp của mỗi quốc gia thành viên dựa trên tỷ lệ phần trăm GDP nhằm bảo đảm sự minh bạch về những gì các đồng minh cấp cho Ukraine. Mỹ sẽ đóng góp khoảng một nửa tổng số viện trợ trên, trong khi một nửa là của 31 quốc gia thành viên còn lại.

THƯ LÊ

.