Quốc tế

Thời tiết và những kỷ lục đáng sợ

07:43, 08/06/2024 (GMT+7)

Thế giới vừa trải qua 12 tháng liên tiếp lập các kỷ lục mới về mức nhiệt cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn diễn biến khó lường, trái đất đang ấm lên, giới chuyên gia thậm chí còn cảnh báo những tháng nắng nóng cao điểm vừa qua vẫn “sẽ còn được nhớ lại như là thời kỳ tương đối lạnh”.

Ấn Độ vừa trải qua mức nhiệt lên tới 500C và đã có gần 100 người chết chỉ trong vài ngày ở một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt nắng nóng này. Ảnh: Bloomberg
Ấn Độ vừa trải qua mức nhiệt lên tới 50oC và đã có gần 100 người chết chỉ trong vài ngày ở một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt nắng nóng này. Ảnh: Bloomberg

Tuần này, Cơ quan chuyên trách các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu thông báo, thế giới vừa ghi nhận cột mốc đáng lo khi có một năm mà các kỷ lục nhiệt độ cao liên tục được xác lập tháng nọ nối tiếp tháng kia. Tháng 5-2024 cũng là tháng 5 nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 12 liên tiếp kỷ lục nhiệt độ cao theo tháng bị phá vỡ.

Xu hướng vẫn chỉ đang tăng

Đáng chú hơn khi tháng 5-2024 cũng là tháng thứ 11 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn ít nhất 1,5oC so với mức nhiệt trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 6-2023 đến tháng 5-2024 cao hơn 1,63oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu xu hướng này tiếp tục, thế giới sẽ trải qua dấu mốc lớn về biến đổi khí hậu.

Theo mức nhiệt trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp ở đây là nói tới mức nhiệt trong giai đoạn trước khi có sự tăng mạnh của lượng phát thải khí nhà kính, những loại khí sẽ giữ lại nhiệt tỏa ra từ mặt trời ở bên trong bầu khí quyển và làm trái đất ấm lên. Giới chuyên gia từ lâu cảnh báo việc duy trì mức nhiệt trung bình toàn cầu không tăng thêm hơn 1,5oC là điều kiện thiết yếu để giảm nguy cơ tổn thất không thể kiểm soát do nhiệt độ tăng cao toàn cầu gây ra. Khi trái đất ấm lên, nền nhiệt này sẽ gây ra nhiều mưa và làm tan băng trên các đại dương, thúc đẩy thêm điều kiện thời tiết cực đoan, gây thay đổi hình dạng các bờ biển, làm phát sinh vấn đề nông nghiệp, di dân hàng loạt và hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

CBS dẫn lời ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan chuyên trách các vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu, cho rằng, chuỗi 12 tháng liên tiếp nói trên gây sốc nhưng không có gì ngạc nhiên, và dù chuỗi này có thể có sự gián đoạn lúc nào đó, nhưng đặc trưng tổng thể của biến đổi khí hậu thì vẫn còn đó. Theo các nhà khoa học, dù việc vượt qua mức ấm hơn 1,50C mỗi tháng trong gần một năm cho thấy xu hướng đáng lo ngại, nhưng cũng sẽ phải mất nhiều năm liên tục duy trì ở nhiệt độ cao thì thế giới mới chính thức vượt qua tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, những đợt nắng nóng chết người, lũ lụt, mưa bão và những điều kiện thời tiết cực đoan khác cũng ngày càng tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu. “Hàng triệu người trên thế giới phải hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu”, trang web climate.gov của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) nêu. Tiêu chuẩn khí hậu 1,50C đó không phải là cái công tắc sẽ “bật” lên mọi thảm họa thời tiết. Với mỗi một chút ấm lên của nhiệt độ trái đất, nguy cơ tác động tiêu cực sẽ tồi tệ hơn.

Chưa lắng nghe thiên nhiên?

Giải pháp chính yếu để giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu là giảm tối đa lượng khí nhà kính thải ra. Để làm vậy, cần giảm tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch  chúng là nguồn phát thải lớn các loại khí đó. Giới chuyên gia khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, carbon dioxide là loại chiếm số lượng lớn nhất trong các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tuy nhiên methane mới là khí gây hại nhiều nhất vì chiếm tới hơn 1/4 trong tổng số các nguyên nhân khiến trái đất ấm lên.

Ông Buontempo cho rằng, nếu thế giới hành động nhanh chóng để giảm bớt mật độ của các loại khí này, chúng ta có thể trở lại với các mức nhiệt độ “lạnh” đó vào cuối thế kỷ này. Dù hiện tượng El Nino đang giảm dần nhưng Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vẫn cho rằng, loài người đối mặt với 80% nguy cơ nhiệt độ quả đất sẽ tăng và ít nhất sẽ tạm vượt qua mức tăng 1,50C trong 5 năm tới.

Ngay lúc này, nhiệt độ được cho là sẽ chỉ có xu hướng tăng. Đơn cử tại Mỹ, các chuyên gia dự báo mùa hè với mức nhiệt cao có thể gây chết người sẽ tiếp tục hoành hành trong năm nay trên hầu hết lãnh thổ Mỹ. Tuần qua, hàng chục người tại Ấn Độ thiệt mạng vì nắng nóng thiêu đốt và cũng trong tháng qua các trận lũ lụt kinh hoàng gây tổn thất nặng nề về người và của cũng đã tấn công Afghanistan và Brazil. “Đây là thời điểm khắc nghiệt của khí hậu. Hành tinh của chúng ta đang cố gắng nói với chúng ta điều gì đó nhưng chúng ta dường như không lắng nghe. Chúng ta đang phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ toàn cầu và nhận về giông bão”, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nói.

Đề xuất cấm quảng cáo về nhiên liệu hóa thạch
Ngày 5-6, ngày Môi trường thế giới, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, con người đang gây nguy hiểm cho trái đất cũng giống như các thiên thạch từng làm tuyệt chủng loài khủng long khi xưa. Ông Guterres kêu gọi cấm các quảng cáo về nhiên liệu quá thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá. “Trong trường hợp của khí hậu, chúng ta không phải là những con khủng long. Chúng ta là thiên thạch. Chúng ta không chỉ đang gặp nguy hiểm. Chúng ta chính là mối nguy hiểm”, AFP dẫn lời ông Guterres. Từ đó ông kêu gọi mọi quốc gia cấm hoạt động quảng cáo của các công ty nhiên liệu hóa thạch, so sánh việc đó cũng như cấm các sản phẩm khác có hại với sức khỏe con người như thuốc lá.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.