Quốc tế
Vì sao vị thế của phương Tây ở châu Phi tiếp tục suy giảm?
Trong thời gian dài, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây duy trì tầm ảnh hưởng lớn và gần như tuyệt đối tại châu Phi, nhưng tình thế đang thay đổi rất nhanh khi cuộc cạnh tranh của các nước lớn ở châu lục này lộ diện kể từ năm 2020 đến nay.
Sau những thất bại liên tiếp trong việc ngăn chặn sự lan rộng của các cuộc đảo chính quân sự trên khắp vành đai trải dài từ Guinea ở phía tây đến Sudan ở phía đông châu Phi, càng làm lung lay chỗ đứng của Mỹ tại khu vực. Các nhà quan sát cho rằng, quyền lực đang suy giảm của Mỹ và các đồng minh ở khu vực châu Phi bắt nguồn từ 3 yếu tố chính. Đó là sự cạnh tranh gia tăng, gồm Nga, Trung Quốc và cả các cường quốc tầm trung vốn là đồng minh của Mỹ; xung đột lợi ích giữa mục tiêu của Mỹ với các quốc gia khu vực cũng như “tiêu chuẩn kép” của Washington; sự xao lãng của chính nước Mỹ bởi tác động từ các cuộc khủng hoảng ở các châu lục khác.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi vào năm 2022, Tổng thống Joe Biden gây chú ý với lời hứa rót 55 tỷ USD vào châu Phi trong 3 năm và sẽ đến thăm lục địa này cuối năm 2023. Bất chấp những phát biểu hùng hồn như bảo đảm rằng ông “không giống như người tiền nhiệm”, hay “tất cả vì châu Phi”, thì cho đến nay những lời hứa đó vẫn chưa thực hiện. Vì thế, ngay sau cuộc đảo chính ở Niger vào tháng 7-2023, phái đoàn Mỹ do bà Molly Phee, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về khu vực châu Phi tới nước này để tìm kiếm thỏa thuận nhưng không may, tất cả những gì nhà ngoại giao Mỹ nhận được là những lời chỉ trích của các tướng lĩnh. Niger gạt Mỹ sang một bên, yêu cầu Washington rút gần 1.100 binh sĩ khỏi nước này và giao lại căn cứ cho Nga tiếp quản.
Còn Pháp, cường quốc thuộc địa trước đây trong khu vực châu Phi, có sự hiện diện quân sự lớn hơn nhiều ở một số nước khác cũng phải chấp nhận “rút lui một cách có trật tự”. Tháng 1-2023, chính quyền Burkina Faso yêu cầu Paris trong vòng một tháng phải rút hết toàn bộ binh sĩ đóng quân trên lãnh thổ nước này. Đây là nước châu Phi thứ ba, sau Mali và Cộng hòa Trung Phi, trong chưa đầy một năm đã buộc Pháp phải đưa quân về nước.
Điều cay đắng đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây là các quốc gia ở châu Phi, bao gồm Chad, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Libya, Niger... lại công khai hoan nghênh Nga hiện diện tại khu vực. Quân đội Nga cũng đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi, Niger. Nam Sudan, nơi Mỹ đứng ra làm trung gian cho nền độc lập từ năm 2011 cũng đã quay sang Nga để được hỗ trợ an ninh. Rõ ràng, chính sách hướng về châu Phi của Nga trong những năm qua đã phát huy tác dụng, trong đó Nga nắm bắt cơ hội để giúp bảo đảm an ninh cho các nước châu Phi.
Cho đến nay, các nước châu Phi cũng chưa quên thái độ phân biệt đối xử và bỏ bê của phương Tây trong Covid-19, nhất là chậm cung cấp nguồn vắc-xin phòng bệnh. Trước những diễn biến mang tính cảnh báo đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực để “xoay trục” về lại châu Phi nhằm củng cố vai trò của Washington tại châu lục giàu tài nguyên và có vị thế ngày càng quan trọng này, đặc biệt là trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc tại đây. Nhưng xem ra sự “xoay trục” của Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không dễ dàng khi Nga, Trung Quốc hay các cường quốc tầm trung vốn là đồng minh của Mỹ đang cắm rễ ngày càng sâu. Bởi một phần nguyên nhân có thể giải thích vì những đòi hỏi nghiêm ngặt về chính trị, cũng như sự do dự ngày càng lớn của phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, vốn dĩ là một nhu cầu thiết yếu cho nhiều nước châu Phi để chặn đứng sự trỗi dậy của các lực lượng khủng bố.
Mặt khác, một cuộc thăm dò năm ngoái của hãng tư vấn Gallup cho thấy sự ủng hộ của người dân châu Phi đối với sự lãnh đạo của Mỹ thậm chí đã thấp hơn Trung Quốc. Khi sự cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng, khả năng thể hiện ảnh hưởng của các nước này ở các khu vực như châu Phi đang trở nên hiệu quả hơn. Trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với tình thế rất khó khăn khi đang phải chuyển hướng các nguồn lực của mình tới điểm nóng của các đồng minh ở Đông Âu.
LÊ MINH HÙNG