Quan sát & Bình luận
Địa Trung Hải: 'Vùng biển chết chóc'
Địa Trung Hải vốn được xem là vùng biển đẹp nổi tiếng, nơi thu hút khách nghỉ dưỡng trên thế giới nhưng giờ đây được ví với tên gọi đầy ám ảnh: “Vùng biển chết chóc”, nơi chứng kiến hàng vạn người di cư bất hợp pháp nhọc nhằn tìm lối vào “vùng đất hứa” châu Âu.
Các cuộc xung đột về tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh biên giới, cùng tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo đã làm cho số người di cư trên quy mô toàn cầu tiếp tục gia tăng một cách đáng lo ngại. Ngày 14-6, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố báo cáo cho thấy, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn tăng lên mức kỷ lục 110 triệu người, trong đó xung đột ở Ukraine và Sudan... khiến hàng triệu người phải sơ tán.
Đáng chú ý, người ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi (MENA) tiếp tục di cư vào châu Âu qua vùng biển Địa Trung Hải với số lượng rất lớn. Theo báo cáo Dự án người di cư mất tích (MMP) của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), 3.789 người di cư thiệt mạng trên các tuyến đường biển và đường bộ ở khu vực MENA năm 2022, trong đó có các điểm giao cắt giữa sa mạc Sahara và Địa Trung Hải, tăng 11% so với năm 2021 và cao nhất kể từ năm 2017. Khu vực MENA chiếm hơn 50% trong tổng số 6.877 người di cư thiệt mạng trên toàn thế giới.
Trên các tuyến đường biển từ khu vực MENA đến châu Âu, IOM ghi nhận sự gia tăng các vụ tai nạn tàu, thuyền gây chết người từ Liban đến Hy Lạp và Ý. Chỉ riêng quý 1-2023, ít nhất 175 người di cư chết hoặc mất tích trên chuyến hải trình vượt biển Địa Trung Hải. Để thực hiện chuyến vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu, mỗi người phải trả 2.000 USD cho nhóm buôn người trong hành trình nếu thuận lợi chỉ mất khoảng 10 giờ để đến bãi biển bất kỳ của Ý. Vì những món lợi nhuận khổng lồ, bất chấp hiểm nguy, các tổ chức buôn người đã nhồi nhét hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trên những chiếc tàu, thuyền không đủ điều kiện an toàn để vượt biển Địa Trung Hải. Nếu gặp sóng gió bất thường hay tàu bị chết máy, số phận của những người di cư bị đe dọa nghiêm trọng.
Giám đốc IOM Antonio Vitorino nhận định, cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn trong thời gian dài ở vùng biển Địa Trung Hải là điều không thể chấp nhận. Giám đốc IOM khu vực MENA Othman Belbeisi cho rằng, số người thiệt mạng đáng báo động trên các tuyến đường mà người di cư từ khu vực MENA vượt qua trên hành trình đến châu Âu đòi hỏi phải có sự quan tâm ngay lập tức và nỗ lực phối hợp để bảo đảm an toàn, tăng hợp tác quốc tế và khu vực, cũng như các nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và ngăn chặn thêm thiệt hại về người. Kể từ đầu năm 2023, cảnh sát biển của các quốc gia châu Âu ven Địa Trung Hải tiến hành tuần tra, cứu giúp, kể cả trục xuất người vượt biển gặp nạn.
Đại diện Cảnh sát biển Ý cho biết, Tunisia trở thành cửa ngõ được nhiều người di cư lựa chọn để tìm cách vào châu Âu. Tuy nhiên, không ít người phải trả giá bằng mạng sống. Đặc biệt, ngày 14-6, vụ lật và chìm tàu chở hàng trăm người di cư xảy ra trên vùng biển Địa Trung Hải. Theo AP, tính đến chiều 16-6, lực lượng cứu hộ cứu được 104 người, xác nhận 79 người thiệt mạng, và nhiều khả năng còn khoảng 600 người vẫn mất tích.
Theo Reuters, số nạn nhân chính xác có thể không bao giờ được biết vì nơi chiếc tàu bị chìm là một trong những vùng nước sâu nhất ở Địa Trung Hải với độ sâu có thể vượt quá 5km. Ngày 15-6, cơ quan chức năng bắt giữ 9 người sống sót vì nghi ngờ thuộc đường dây buôn người tổ chức chuyến đi. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres rất đau buồn và nhận định đây là một trong những thảm họa hàng hải nguy hiểm nhất ở châu Âu. Qua sự việc này, ông Guterres kêu gọi lãnh đạo các bên liên quan, gồm các quốc gia xuất xứ, quá cảnh và điểm đến, cùng thảo luận phương án tối ưu để bảo đảm di cư an toàn.
TUYẾT MINH