Giáo dục
Tóm lược kiến thức thi tốt nghiệp
11:08, 13/04/2008 (GMT+7)
Khoảng 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Tại thời điểm này, không ít học sinh lớp 12 dường như tạm ngưng việc tập trung vào các môn thi đại học, để học “bù” cho những môn mà lâu nay các em hay lơ là, xem nhẹ, vì môn đó “không thuộc khối thi”, “không thuộc sở trường”… Bởi dù muốn, dù không, học sinh phải tốt nghiệp THPT mới có thể bước tiếp những chặng khác. Sau đây là ý kiến tư vấn cách thâu tóm kiến thức tổng quát, nhằm ứng phó với căn bệnh “học lệch” của một số giáo viên giỏi và học sinh xuất sắc khối 12.
Thạc sĩ LÊ ĐÌNH LỸ, Giáo viên trung học cao cấp Trường THPT Thái Phiên, Thanh tra kiêm nhiệm Sở Giáo dục-Đào tạo:
“Hãy tóm lược toàn bài trong mảnh giấy nhỏ”
Nhiều năm nay, khi dạy học sinh, tôi đều áp dụng cách trên. Lên trả bài, em nào không làm như vậy thì phải chịu điểm 1, cứ thế, học sinh quen dần rồi vững kiến thức, bất kể học sinh chuyên tự nhiên hay chuyên xã hội. Quan điểm của tôi là học sinh không cần học thuộc bài, chỉ cần nắm ý chính để triển khai và viết đúng, còn viết hay hay không, còn tùy thuộc vào năng khiếu. Học sinh phải đọc đề kỹ, phân tích đề, rồi tìm đúng chỗ “ngứa”, xoáy sâu vào yêu cầu của đề và bảo đảm 3 kỹ năng sau:
1- Nắm được thao tác gì là cần thiết: bình luận, chứng minh, giải thích, bình giảng, phân tích…
2- Nắm được phạm vi tư liệu mà đề bài cho phép. Chẳng hạn như khi phân tích thơ, phải bám sát nội dung, phân tích bài thơ hay ở chỗ nào, các biện pháp tu từ, từ ngữ nói lên điều gì. Đối với truyện, phải nắm vững kết cấu truyện, xây dựng nhân vật, tình huống truyện, những xung đột, mâu thuẫn, kịch tính, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, qua đó tác giả muốn gửi gắm tâm sự gì...
3- Nắm chắc nội dung bài, hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa chính của tác phẩm, tiểu sử tác giả để không bị lẫn lộn về thời kỳ, thể loại…
Học sinh nên làm dàn ý cho bài đã, sẽ đỡ “quên” ý, và tóm lược được tất cả những gì mình cần nói.
Thầy NGUYỄN ĐÌNH BÁCH, Tổ trưởng tổ Vật lý, trường THPT Phan Châu Trinh:
“Cách làm bài an toàn đối với môn thi trắc nghiệm: dễ trước, khó sau”
Trong 40 câu, sẽ có hơn 20 câu gọi là “cho không”, nếu các em nắm được kiến thức cơ bản là đã đạt điểm 5. Các câu hỏi vật lý dành cho Ban xã hội sẽ khá đơn giản, chủ yếu là câu hỏi nhận biết, nếu có tính toán chỉ qua 1 phép tính. Học sinh Ban xã hội nếu chú tâm học sẽ thi tốt. Đề thi môn Hóa liên kết nhiều kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12; riêng môn Lý có tới 90% kiến thức thuộc lớp 12, có nhiều phần không liên quan với nhau, nên học sinh cũng khá thuận lợi khi làm bài. Đọc câu nào dễ, mình chắc chắn rồi thì làm ngay, sau đó mới quay trở lại làm những câu khó, đừng suy nghĩ tập trung vào 1 câu, rất mất thời gian mà không hiệu quả.
Ngay thời điểm bây giờ, học sinh phải có mặt đầy đủ trong giờ ôn tập để thầy cô giúp các em tóm lược kiến thức. Hiện nay, chúng tôi đều cho các em kiểm tra 15 phút, 1 tiết bằng đề trắc nghiệm. Đối với Ban xã hội, phải phân bố các thầy cô nhiều kinh nghiệm, dạy lâu năm để dạy đúng trọng tâm, không lý thuyết dài dòng.
TRẦN DỤNG QUANG, lớp 12/11, Trường THPT Thái Phiên (11 năm liền là học sinh giỏi, “phong độ” này của Quang vẫn duy trì trong học kỳ 1 lớp 12. Mới đây, Quang đoạt giải nhì thuyết trình Anh văn “Tìm hiểu về nước Úc”. Trước đó, Quang cũng có nhiều giải thưởng khác: giải khuyến khích Anh văn thành phố lớp 10, 11, giải nhất Địa lý cấp thành phố lớp 9… - P.V):
“Nắm thật chắc chương trình sách giáo khoa”
Ví dụ môn Văn, không lệ thuộc bài mẫu mà mở rộng tư duy sáng tạo. Với một truyện ngắn, sẽ liệt kê đặc điểm nhân vật, học thuộc vài đoạn dẫn chứng, sau đó sẽ tự diễn giải theo cách của mình mà vẫn không sợ lạc đề, vì đã hiểu những nội dung chính yếu của tác phẩm đó.
T.NHAN - T.VÂN