Ôn bài trực tuyến (online) được Trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) triển khai trong thời gian ngành GD-ĐT cho học sinh nghỉ học để phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Đây được xem là cách ứng phó phù hợp trong tình hình hiện tại.
Các giáo viên khối lớp 1 Trường tiểu học Võ Thị Sáu phối hợp soạn bài giảng. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Sáng thứ hai đầu tuần, sau khi ngành GD-ĐT có công văn khẩn cho học sinh nghỉ học vì nCoV, các giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu vẫn có mặt đông đủ tại trường để tìm cách giúp học sinh có được kiến thức trong những ngày nghỉ.
Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã nghĩ hai cách: một là chuyển tải nội dung cho học sinh học qua email (thư điện tử) của phụ huynh; hai là giáo viên ghi lại bài giảng để đưa lên trang web nhà trường và trong nhóm Zalo từng lớp để học sinh ôn tập cùng bố mẹ. Đây là chương trình “Cha mẹ học cùng con”.
Theo thầy Nguyễn Thái Phong, sáng thứ hai vừa qua, các cô giáo tập trung viết kịch bản, chiều thứ hai soạn giáo án và sáng thứ ba ghi hình, ghi âm, xử lý kỹ thuật, đến chiều cùng ngày tiến hành đưa bài đầu tiên lên trang web của trường, cũng như chuyển tải vào các nhóm Zalo lớp. Ngày đầu mới đưa bài lên trang web đã có gần 100 lượt chia sẻ, 3.000 lượt truy cập.
“Thời gian này nhà trường chủ yếu ôn tập cho các em. Tuy nhiên, khi học sinh nghỉ thêm thì nhà trường nghĩ đến việc học và dạy theo chương trình E-learning, bởi có thể vừa học vừa ứng dụng”, thầy Phong dự kiến.
Sáng thứ tư (ngày 5-2), chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, chứng kiến buổi ghi hình của cô Nguyễn Thị Thân, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/4 để đưa bài giảng ôn tập của mình đến với học sinh. Cô Thân chia sẻ, ban đầu còn lúng túng, song khi được sự động viên, quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường các giáo viên tự phân chia, phối hợp từng công đoạn ghi hình, ghi âm, tạo powerpoint. “Khi đưa lên trang web và Zalo, phụ huynh cảm thấy phấn khởi bởi đây là cách tạo cơ hội cho các em ôn tập bài vở, có kiến thức chuẩn bị thi giữa học kỳ 2”, cô Thân nói.
Cùng thời điểm trên, cô Đỗ Thị Linh Trang đang cùng các giáo viên khối 1 tập trung soạn bài để đưa các bài giảng ôn tập đến với học sinh. Cô Trang cho biết, giáo viên bám sát chuẩn kỹ năng của Bộ GD-ĐT cũng như các chương trình học sinh đã học. “Phản hồi của phụ huynh rất tích cực. Phụ huynh có quay lại video buổi tối học sinh ngồi học rồi gửi cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc”, cô Trang chia sẻ.
Bà Trần Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, trên tinh thần kỳ nghỉ, Trường tiểu học Võ Thị Sáu đã chủ động thực hiện “Bài học online”, nhằm bổ trợ kiến thức học sinh trong thời gian ở nhà; đồng thời giúp các em giảm việc chơi điện tử, xem ti-vi. “Ngành GD-ĐT quận đánh giá cao cách làm của trường và vai trò chỉ đạo của nhà trường. Phòng GD-ĐT cũng khuyến khích các trường trong thời gian này cần có nhiều hơn những bài giảng trực tuyến để giúp học sinh ôn tập kiến thức”, bà Hà nói.
Khi ngành giáo dục chưa cho học sinh nghỉ, nhiều phụ huynh phàn nàn. Khi ngành giáo dục cho học sinh nghỉ, phụ huynh và học sinh lại tiếp tục phàn nàn. Phụ huynh phải thu xếp giữa công việc và chăm sóc, quản lý con. Học sinh ở nhà buồn chán, tụ tập đi chơi thì ba mẹ không đồng ý. Bản thân giáo viên cũng có nhiều lo ngại khi thời gian nghỉ kéo dài khiến các em quên kiến thức và rơi vào trạng thái lười học. Một số giáo viên dạy thêm đã nhanh nhạy dạy học online. Bài giảng được quay video kèm bài tập. Một số giáo viên, tổ chuyên môn một số trường đã tổ chức ôn tập kiến thức online. Tại sao chúng ta lại không tổ chức dạy và học online chính thức? Bộ Giáo dục-Đào tạo khuyến khích mọi phương pháp, phương tiện dạy học, đổi mới đánh giá. Như thế, dạy học online cũng là một phương pháp dạy học. Kiểm tra, đánh giá online cũng có giá trị như kiểm tra, đánh giá trên lớp. Trong tình thế hiện nay, nên chăng các trường làm lại một phần phân phối chương trình, tổ chuyên môn cử giáo viên soạn bài giảng, bài kiểm tra đưa lên internet, học sinh tự học ở nhà, nộp bài online, giáo viên chấm bài cho điểm chính thức. Làm như thế, việc học không bị gián đoạn, học sinh không buồn chán vì ngồi không ở nhà, phụ huynh đỡ một phần trong việc quản lý con và giáo viên cũng không sợ học sinh mất bài, lười học. Triều Nguyên |
Giới thiệu phần mềm học trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ vì dịch nCoV Sáng 7-2, Sở GD-ĐT thành phố cho biết vừa có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện; thủ trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc sở về việc giới thiệu các hệ thống học tập trực tuyến hỗ trợ học sinh trong thời gian nghỉ học để phòng, chống nCoV. Theo Sở GD-ĐT, nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch nCoV, Sở GD-ĐT đã làm việc với VNPT, Viettel, FPT về việc cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ học tập tại nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ học. Theo đó, ngày 3-2, VNPT đã có công văn về việc cung cấp miễn phí ứng dụng vnEdu Teacher và vnEdu Connect (ứng dụng cho điện thoại), hỗ trợ giáo viên giao bài tập cho học sinh từ file ảnh hoặc bài tập file word, nhận bài và chấm điểm bài tập cho học sinh qua mạng internet. Ứng dụng thích hợp cho các đơn vị, trường học đang sử dụng phần mềm quản lý trường học vnEdu của VNPT. Ngày 6-2, Viettel cũng có thông báo về việc cung cấp miễn phí hệ thống mạng xã hội học tập ViettelStudy. Thông qua hệ thống, giáo viên có thể tổ chức lớp học trực tuyến theo hình thức livestream bài giảng, đưa các nội dung bài học, bài kiểm tra (dưới dạng video, tài liệu, câu hỏi ôn tập) lên hệ thống, xem kết quả bài kiểm tra, xem phần kiến thức còn hổng và trao đổi ngay sau khi làm bài. Hệ thống này có thể sử dụng cho các đơn vị, trường học không sử dụng phần mềm quản lý trường học SMAS của Viettel. Trong khi đó, FPT hỗ trợ hình thức học online miễn phí trên hệ thống vioEdu trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống nCoV. Hệ thống giáo dục trực tuyến vioEdu (vio.edu.vn), cung cấp kho video bài giảng hoạt hình sinh động, thú vị với nhiều tình huống thực tế; hệ thống bài luyện tập phong phú, bám sát nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT… Theo Sở GD-ĐT, hiện nay, hệ thống đang mở miễn phí, phụ huynh và học sinh có thể đăng ký tài khoản để học sinh học tập và làm bài tập củng cố. (NGỌC PHÚ) |
NGỌC PHÚ