Giáo dục

5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43-NQ/TW

Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

07:14, 27/11/2023 (GMT+7)

Những năm qua, thành phố đã quy hoạch, đầu tư nâng cấp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Từ đó, từng bước thực hiện hiệu quả Chương trình số 45-CTr/TU của Thành ủy về “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”.

Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng chú trọng các giờ học thực hành cho học sinh, sinh viên.  Ảnh: NGỌC HÀ
Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng chú trọng các giờ học thực hành cho học sinh, sinh viên. Ảnh: NGỌC HÀ

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, thành phố thực hiện sáp nhập các ngành, nghề đào tạo trùng nhau ở trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 26 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Tổng quy mô tuyển sinh hàng năm của các đơn vị là 60.546 học sinh, sinh viên với 286 ngành, nghề ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau. Hằng năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đào tạo hơn 45.000 lao động, góp phần cung ứng nguồn lao động cho thị trường Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng đổi mới trong việc đào tạo, cải tạo chương trình để thích ứng với thực tiễn nhu cầu doanh nghiệp. Ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, nhà trường hiện có các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật, kinh tế - du lịch, thời trang, logistics... phù hợp chiến lược phát triển của thành phố và các tỉnh miền Trung.

Tất cả chương trình đào tạo đều chú ý đến việc đưa công nghệ mới vào để học viên có thể tiếp cận, làm quen. Điển hình, phân tích dữ liệu (kinh tế, dịch vụ), điều khiển tự động, vận hành robot, công nghệ lập trình mới (kỹ thuật-công nghệ cao); xử lý, chuyển đổi dữ liệu (công nghệ thông tin).

Đồng thời, nhà trường tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy cho giảng viên, chú trọng ứng dụng công nghệ số, sử dụng phương pháp mô phỏng, giảng dạy từ xa… Đặc biệt, nhà trường kết hợp với doanh nghiệp để giảng dạy.

Giảng viên tại trường có 4 tuần đi thực tế tại doanh nghiệp, gắn với thực tế, giáo viên nâng cao kiến thức, cập nhật chương trình đào tạo, chia sẻ đồng nghiệp, học viên. “Các nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi quan điểm về đào tạo, không phải các trường cứ xây dựng chương trình đào tạo rồi cứ theo đuổi mục tiêu ban đầu mà phải thay đổi thường xuyên theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp”, ông Hà nói.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện Chương trình số 45-CTr/TU của Thành ủy về “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”, thời gian qua, thành phố đã đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, UBND thành phố phê duyệt Đề án đầu tư các nghề trọng điểm giai đoạn 2018 - 2022 tại Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 11-5-2020 với tổng mức đầu tư gần 584 tỷ đồng, nhằm đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trở thành trường chất lượng cao, đào tạo các nghề trọng điểm chuẩn quốc tế, khu vực Asean, quốc gia và các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục triển khai “Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội, thành phố phát triển mới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cung cầu lao động của một số ngành kinh tế mũi nhọn, tránh sự trùng lắp và chồng chéo ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và giải quyết việc sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới ở các quận, huyện như: Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.

UBND thành phố giao Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Kế hoạch tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Kế hoạch số 7048/KH-UBND ngày 17-10-2019 về việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 10-10-2023 triển khai thực hiện Kế hoạch số 159-KH/TU ngày 30-8-2023 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; phấn đấu có 2 trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, một trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; có 10 - 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2-3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN. Đến năm 2045 giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của các nước phát triển, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

NGỌC HÀ

.