Giáo dục

KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Nỗ lực trên hành trình gieo chữ

07:54, 20/11/2023 (GMT+7)

Trên hành trình “gieo chữ”, có những thầy, cô giáo đã lặng lẽ cống hiến sức mình ở những điểm trường xa, dành trọn tình yêu thương của mình cho các em học sinh khuyết tật, hay miệt mài truyền thụ kiến thức mới để nâng cao chất lượng dạy học… Mỗi thầy, cô giáo xứng đáng là một tấm gương sáng về năng lực và nhân cách để học sinh noi theo, hướng các em đến với chân trời tri thức, trở thành những công dân sống có ích cho gia đình và xã hội.

Nhiều thầy giáo, cô giáo đã lặng lẽ cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn học sinh đánh vần trong giờ học tại Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu). Ảnh: THU HÀ
Nhiều thầy giáo, cô giáo đã lặng lẽ cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người. TRONG ẢNH: Giáo viên hướng dẫn học sinh đánh vần trong giờ học tại Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu). Ảnh: THU HÀ

* Cô Phạm Thị Hà, Trường Chuyên biệt Tương Lai:
Thấu hiểu từng học sinh kém may mắn

Khi đang là sinh viên ngành Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế), cô Hà có dịp đến thăm Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Tại đây, cô nhận thấy dù gặp khó khăn trong cuộc sống và năng lực hạn chế nhưng các em vẫn nỗ lực, vươn lên học tập và mong muốn cống hiến cho xã hội. Điều đó đã thôi thúc cô gắn bó với trẻ khuyết tật. Cô quyết định đăng ký học thêm chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Năm 2013, tốt nghiệp ra trường, cô xin về Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) công tác.

Học sinh ở đây đa phần bị khuyết tật trí tuệ, thính giác; tự kỷ, tăng động giảm chú ý, down, đa tật… nên đòi hỏi cô Hà phải thấu hiểu và đặt ra những phương thức giảng dạy phù hợp nhằm đem đến những điều tốt đẹp nhất cho các em. Không những đứng ở vị trí là một nhà giáo, cô còn vào vai người cha, người mę để chia sẻ, thương yêu, hỗ trợ, chăm sóc, dạy dỗ các em một cách tận tình. Ngày ngày, cô dành tình yêu thương của mình cho những học sinh khuyết tật, giúp các em tập nói, tập đi, tập viết… và tiếp thu kiến thức để hòa nhập cộng đồng.

Hiện cô dạy lớp học gồm 12 em (tuổi từ 8-17) có những dạng tật khác nhau và trình độ riêng. Mỗi dạng tật lại có hành vi khác nhau. Một số em sợ tiếng ồn nhưng lại có những em lại cảm thấy hưng phấn và thích được nghe tiếng ồn. Vì vậy, để đưa ra những kế hoạch, kỹ năng dạy học phù hợp và hiệu quả, cô phải đi sâu tìm hiểu hành vi, sở thích, đặc điểm tâm sinh lý của từng em...

Không chỉ đi đầu trong việc đổi mới, tìm tòi phương pháp dạy học, sáng tạo các đồ dùng dạy học tự làm nhằm giúp học sinh hiểu và nắm chắc được kiến thức, cô Hà còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn… Sự tâm huyết, tận tụy với nghề của cô Hà trở thành tấm gương sáng, mẫu mực trong tập thể sư phạm nhà trường; đồng thời luôn được phụ huynh, học sinh tin yêu, quý mến.

10 năm công tác tại Trường Chuyên biệt Tương Lai, cô Phạm Thị Hà có 5 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi, 1 lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và 1 lần đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi. Năm học 2022-2023, cô đạt loại C sáng kiến “Biện pháp giúp nâng cao hứng thú học Toán cho học sinh lớp C3 Trường Chuyên biệt Tương Lai thông qua trò chơi học tập”... Đặc biệt, năm nay cô vinh dự nhận giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu”.

* Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy:
Cố gắng để hiểu trò nhiều hơn

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), cô giáo Trần Thị Thanh Thủy (SN 1980) về công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Hơn 20 năm gắn bó với học sinh khuyết tật, hơn ai hết, cô Thủy hiểu được rằng, để nuôi dưỡng những mầm non này thì quan trọng nhất là tình thương. Cô Thủy hiện dạy lớp 2 với 13 học sinh, trong đó 2 em khiếm thị, 6 em khiếm thính, 2 em khuyết tật trí tuệ và 3 em tự kỷ. Với một lớp đa tật, mỗi giờ lên lớp của cô và trò như một buổi hòa nhạc và cô Thủy đóng vai trò nhạc trưởng.

Trong lúc các em khiếm thị làm bài tập, cô Thủy giảng lại kiến thức cho các bạn chậm hơn, vừa kết hợp ngôn ngữ ký hiệu cho các em khiếm thính. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, những mầm xanh dần lớn lên trong tình yêu thương vô vàn của cô. Nhớ lại những ngày đầu lên lớp, như nhiều giáo viên khác, cô gặp muôn vàn khó khăn khi chuyển từ dạy học sinh khiếm thị sang đa tật, nhưng bằng trách nhiệm và tình thương, cô Thủy nỗ lực vừa học từ trò, vừa tự học thêm ngôn ngữ ký hiệu để nâng cao kỹ năng giao tiếp với học sinh đa tật.

Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ, cô Thủy kể, trong buổi học cuối cùng của năm học 2022-2023, khi học sinh lần lượt rời lớp, một học sinh tự kỷ bỗng nhiên chạy lên ôm chầm lấy cô và hôn vào má. Trong giây phút ấy, niềm xúc động dâng trào khiến trái tim cô Thủy như lặng đi. Cô nhận ra rằng, các em tự kỷ tuy ít bộc lộ cảm xúc nhưng không phải vì thế mà các em không có tình cảm.

Và cũng từ đó cô nguyện với chính mình rằng, học trò, đặc biệt là trẻ khiếm khuyết cần rất nhiều tình cảm nơi cô và cô cũng cố gắng để hiểu trò nhiều hơn. “Bên cạnh thấu hiểu học trò, tôi cũng luôn dặn mình cố gắng sẻ chia với gia đình các em khuyết tật. Bởi lẽ không ai khác, chính bố mẹ các em là những người nặng lòng nhất khi con mình kém may mắn. Đây chính là quan điểm xuyên suốt trong hơn 20 năm gắn bó với trẻ khuyết tật của tôi”, cô Thủy trải lòng.

Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy (giữa) luôn dành tình yêu thương và sự thấu hiểu cho học sinh khuyết tật. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy (giữa) luôn dành tình yêu thương và sự thấu hiểu cho học sinh khuyết tật. Ảnh: LAM PHƯƠNG

* Thầy giáo Nguyễn Hữu Siêu, giáo viên Tin học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:
Người thầy truyền cảm hứng

Trong 25 tấm gương Nhà giáo tiêu biểu Đà Nẵng năm học 2022-2023 được thành phố tuyên dương nhân 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) có thầy giáo Nguyễn Hữu Siêu, giáo viên Tin học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Suốt 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Siêu đã thể hiện trách nhiệm của một nhà giáo tâm huyết, luôn đổi mới sáng tạo, có những sáng kiến trong công tác dạy và học. Trong năm học 2021-2022 và 2022-2023, thầy Siêu có 8 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học mang lại ảnh hưởng lớn đối với công tác giáo dục. Trong đó, có một sáng kiến ảnh hưởng được Chủ tịch UBND thành phố ký quyết định công nhận.

Năm học 2022-2023, thầy được phân công làm Chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi quốc gia Tin học của thành phố, trực tiếp dạy và hướng dẫn học sinh tham dự các cuộc thi từ cấp thành phố trở lên. Thầy Siêu bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi Tin học cấp quốc gia đoạt 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích và đặc biệt có 1 học sinh đoạt giải quốc tế.

Với thầy Siêu, tất cả thành tích mà bản thân có được là nhờ sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên trong tổ Tin học, sự nỗ lực của các em học sinh và tín nhiệm của phụ huynh. Thầy cũng luôn tự nhắc nhở mình rằng, phải luôn thể hiện sự tôn trọng học trò, nhiệt tình hướng dẫn bất kể thời gian, làm sao để mỗi em đều cảm nhận mình là một phần quan trọng trong tập thể.

Cùng với đó, giữ thái độ thân thiện, gần gũi, vui vẻ để lan tỏa tinh thần tích cực, nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho các em học sinh. “Học sinh ngày nay rất giỏi và sáng tạo. Vì vậy, người giáo viên cũng phải linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương pháp dạy và học để trở thành tấm gương cho các em noi theo”, thầy Siêu bày tỏ.

* Cô Dương Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường THCS Phạm Văn Đồng, huyện Hòa Vang:
Người đưa đò tận tụy

15 năm đứng trên bục giảng, cô Dương Thị Thanh Thủy (SN 1985, giáo viên Trường THCS Phạm Văn Đồng, huyện Hòa Vang) đã tận tụy dạy dỗ học sinh. Những năm qua, cô Thủy có 7 sáng kiến áp dụng hiệu quả trong giảng dạy được UBND huyện Hòa Vang công nhận, trong đó phải kể đến các sáng kiến: “Nâng cao hứng thú học tập môn Toán 8 cho học sinh thông qua sáng kiến khi dạy chuyên đề giải bài toán bằng cách lập phương trình”; “Nâng cao hứng thú học tập môn Toán 9 cho học sinh thông qua các thiết kế trò chơi bằng ứng dụng Microsoft Powerpoint”.

Ngoài ra, cô Thủy tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, nhiều học sinh do cô hướng dẫn đạt giải cấp huyện, thành phố. Với những đóng góp, sự tận tụy cho ngành giáo dục, cô Thủy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen năm 2021; đoạt giải thưởng “Viên phấn trắng” của huyện Hòa Vang năm học 2021-2022; UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngày 17-11 vừa qua, cô Thủy được UBND thành phố trao giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu” năm 2023.

Cô Thanh Thủy chia sẻ: “Trong 15 năm đứng trên bục giảng, tôi cố gắng hoàn thành vai trò của người giáo viên đó là tận tụy, trách nhiệm trong từng bài giảng, với mong muốn trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng sống, giúp các em học tốt, hiểu biết và chăm ngoan. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy học trò của mình cố gắng học tập, đạt thành tích tốt”.

* Cô Nguyễn Thị Duy Hòa (giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bắc):
Hết lòng với học sinh đồng bào Cơ tu

Năm 2008, cô giáo trẻ Duy Hòa về dạy tại điểm trường thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Thời đó, đường sá đi lại không thuận tiện, nhưng vì học sinh cô đã không quản ngại và gắn bó cho đến tận hôm nay. Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy nhiều học sinh đồng bào Cơ tu còn khó khăn, cô phát động phong trào nuôi heo đất trong tất cả học sinh của lớp và thăm hỏi, động viên học sinh khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn. Năm học 2022-2023, cô giúp đỡ, kèm cặp một học sinh khuyết tật vươn lên trong học tập và em đã nhận khen thưởng cuối năm nhờ hoàn thành tốt môn Tiếng Việt.

Nhiều năm liền, cô Hòa có sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao như: “Một số giải pháp rèn kỹ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Hòa Bắc”, “Một số giải pháp giúp học sinh dân tộc Cơtu lớp 5/3 Trường Tiểu học Hòa Bắc học tốt văn miêu tả”, “Một số giải pháp làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 5/1 Trường Tiểu học Hòa Bắc thông qua mô hình lớp học hạnh phúc”…

Với những nỗ lực và cống hiến, cô Hòa nhiều lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố, cấp huyện... Theo cô Hòa, vùng đất Hòa Bắc còn nhiều khó khăn, chính tình yêu nghề của các thầy cô ngày xưa đã ươm mầm cho ước mơ trở thành cô giáo của cô. “Sau gần 16 năm đứng trên bục giảng, có biết bao thế hệ học trò của tôi đã thành đạt, trở thành tiếp viên hàng không, bác sĩ, y tá, kỹ sư... Đó chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, cô Hòa chia sẻ.

NHÓM PV PHÒNG VH-XH

.