Văn hóa - Giải trí
Quảng bá du lịch qua điện ảnh
Những ngày gần đây, người ta liên tục nhắc về bộ phim Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts với những thước phim tuyệt đẹp về phong cảnh Quảng Bình, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long...
Những địa điểm, danh lam thắng cảnh của Ninh Bình và Quảng Bình như: đầm Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Hang Chuột, hệ thống hang Tú Làn, đèo Đá Đẽo, hồ Yên Phú, Phong Nha - Kẻ Bàng... lần lượt được đưa lên màn ảnh lớn. Người xem trầm trồ, mãn nhãn trước những cánh đồng bát ngát, yên bình, xanh mướt; hay những cánh cò bay ở Ninh Bình, Quảng Bình. Với khán giả Việt Nam, đó còn là cảm giác tự hào khi hình ảnh đất nước mình xuất hiện trong một bộ phim bom tấn Hollywood được đầu tư đến 185 triệu USD.
Sau khi những thước phim nói trên ra mắt, khán giả thế giới đang “sốt” về những điểm đến mới lạ này. Một số công ty lữ hành quốc tế nhanh chóng hình thành các tour “ăn theo” phim Kong: Skull Island dành cho du khách muốn đến thăm các địa danh Việt Nam xuất hiện trong phim với hành trình từ 6-10 ngày. Điển hình là Exotic Voyages chỉ một ngày sau khi phim khởi chiếu đã chào tour. Có thể nói, Kong: Skull Island như cầu nối giới thiệu danh lam thắng cảnh của Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế. Không thể phủ nhận sức mạnh lan tỏa của màn ảnh rộng tới khán giả bởi từ nhìn, từ nghe kể về nó, người ta sẽ muốn đến để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Có nhiều cách quảng bá để làm du lịch và điện ảnh là một trong những cách làm hiệu quả bởi sức lan tỏa của nó. Trong khu vực châu Á, minh chứng rõ nhất là ngành du lịch Hàn Quốc thành công một phần không nhỏ nhờ công nghiệp giải trí, trong đó có điện ảnh. Rất nhiều du khách đến Hàn Quốc bởi những cảnh đẹp xuất hiện trên các phim truyền hình, phim quảng cáo. Chẳng hạn, sau khi phim Bản tình ca mùa đông quay tại đảo Nami lên sóng, đảo này lập tức trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ hay đôi lứa đang yêu nhau.
Ở Việt Nam, trước phim Kong: Skull Island, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ cũng là một minh chứng thành công về việc quảng bá du lịch qua điện ảnh. Khi phim ra rạp, vùng đất hoa vàng cỏ xanh nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng, mang lại nguồn khách đáng kể cho ngành du lịch tỉnh Phú Yên. Vài năm gần đây, phong cảnh Đà Nẵng cũng đã xuất hiện trên các phim truyền hình, phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (phim Tuổi thanh xuân); hay hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được thế giới biết đến cũng một phần nhờ điện ảnh, trong đó có những thước phim tài liệu của đài ABC (Mỹ)...
Nhiều người cũng kỳ vọng sau những tác phẩm điện ảnh như Kong: Skull Island sẽ có thêm nhiều đoàn làm phim đến Việt Nam ghi hình, khán giả quốc tế sẽ biết đến mảnh đất hình chữ S hơn nữa. Tuy nhiên, không phải nhờ Kong: Skull Island người ta mới biết đến vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên Việt Nam; trước đó, du lịch Việt Nam đã có sức hút đặc biệt với khách nước ngoài bởi vẻ đẹp bình dị cả về con người lẫn thiên nhiên.
Từ thành công của phim Kong: Skull Island, những người làm du lịch chắc hẳn thấy được sức mạnh lan tỏa rộng lớn của điện ảnh. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, để nền “công nghiệp không khói” phát triển, không chỉ có mỗi việc quảng bá mà cần phải có chiến lược phát triển phù hợp; cần học cách làm du lịch, cách làm dịch vụ. Khi đó, cùng với những tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho nước Việt xinh đẹp, chắn chắn Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách.
THU HÀ