Văn hóa - Giải trí
Di tích văn hóa, lịch sử Hòa Vang: Đình Đại La nơi lưu giữ văn hóa cộng đồng dân cư địa phương
Đình Đại La cách trung tâm thành phố 20km về phía tây bắc và cách quốc lộ 1A khoảng 12km. Từ quốc lộ 1A, tới ngã ba Hòa Minh rẽ trái, đi khoảng 12km thì tới đình Đại La ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Đình Đại La được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 151/2007/QĐ-UBND ngày 8-1-2007. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng đặc trưng của cư dân địa phương.
Dù trải qua thời gian thăng trầm, đình Đại La vẫn giữ được nét cổ xưa. Ảnh: Đ.G.H |
Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, làng Đại La lúc đầu chưa có địa danh và chỉ có 17 hộ dân đến đây khai khẩn đất đai để canh tác và an cư. Đến khoảng thế kỷ 18 thì tăng lên 50 hộ. Theo truyền khẩu và các cụ cao tuổi trong làng thì đến khoảng cuối thế kỷ 18 (thuộc triều Tây Sơn), ở làng có các ông Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Phi Dõng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Hay đứng ra lập làng và đặt tên là Đại La (với danh xưng xã Trung, tổng An Châu Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn). Con cháu tiền hiền họ Nguyễn truyền đến nay là đời thứ 18. Còn con cháu hậu hiền họ Trần truyền đến lưu giữ tại đình từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) cho tới năm Khải Định thứ 9 (1924).
Thôn Đại La hiện nay phía đông giáp khối phố Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), phía tây giáp thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn), phía nam giáp núi Đại La, thôn Phước Thuận, Phước Hậu (xã Hòa Nhơn), phía bắc giáp núi Đại La (phường Hòa Khánh Nam). Đây là địa bàn miền núi nên địa phận xã Đại La cũng như thôn Đại La ngày này, chủ yếu là núi đồi. Từ đông bắc sang chính tây là một dải núi chạy dài hơn 2km gọi là gò Nhà Thờ. Ngoài ra còn có 8 gò xuất phát từ rìa chân núi Khê Đá, Dương Tranh: gò Khèng, gò Cửu, gò Bà Son, gò Hương Toán, gò Hóc Phú, gò Mối, gò Sòng, gò Bà Nồi. Người dân sống quanh các chân núi này với nghề chính từ xưa tới nay là làm nông. Hiện nay do sự phát triển của đô thị nên có một số cư dân trở thành công nhân trong các khu công nghiệp.
Theo những người cao tuổi của làng Đại La, ngôi đình được dựng đầu tiên vào đời vua Quang Trung (1788-1792) tại Gò Gia. Đình dựng bằng tranh tre, có 5 gian, gọi là 5 gian tứ vị. Khi ngôi đình này bị hư hỏng thì dân làng đã dời đến Cấm gò Giá dựng lại một ngôi đình khác vào ngày 4-8-1802 (năm Gia Long lên ngôi). Đến đời Tự Đức thứ 18 (1865) thì đình lại bị đốt phá nên dân làng lại dời đình tới vị trí hiện nay. Vào đời vua Hàm Nghi, dân làng có xây dựng một sở Âm Linh (theo cách gọi của người dân địa phương) để tế tâm hồn gồm những tộc tuyệt tự, những nghĩa quân hy sinh vì nước.
Đình Đại La được làm theo kiểu ba gian hai chái, tường xây bằng đá chẻ, dày 0,32m. Có lẽ do đây là vùng núi đá nên loại vật liệu này được dùng rất phổ biến. Đình có chiều rộng 10,1m và chiều dài 6,9m. Đình có 6 hàng chân cột, mỗi hàng có 5 cột. Cột cái cao 3,9m, đường kính 22cm; cột nhì cao 2,88m, đường kính 20cm; cột ba cao 2,33m, đường kính 20cm. Ban thờ chính giữa thờ thần, có đôi câu đối: “Hữu nghiêm chiêm giả khởi kính/ Thường hưởng tại vu khắc thành” (Kẻ chiêm ngưỡng một cách nghiêm trang thì dấy lòng kính trọng/ Thần linh thường hưởng sự phụng tế ở lòng thành). Hai bên tả ban hữu ban thờ tiền hiền và hậu hiền. Trước gian thờ chính giữa có xây một hương án bằng xi-măng. Mái đình lợp ngói âm dương. Trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”. Bốn đầu bờ dải trang trí hình con phụng và con lân. Sân đình có chiều rộng 14,3m và chiều dài 12m. Bao quanh sân đình là bờ tường xây bằng đá chẻ cao khoảng 0,7m. Cổng vào đình xây kiểu mái có hai tầng. Trên mái cũng trang trí hình các con thú. Do nhiều lần di dời và bị đốt phá nên hiện nay đình chỉ còn giữ được 15 sắc phong cùng hộp đựng bằng gỗ và một khám thờ bằng gỗ. Trong các sắc phong còn lưu giữ được thì sắc phong có niên đại sớm nhất là sắc phong năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sắc phong có niên đại muộn nhất có niên đại Khải Định thứ 9 (1924).
Hằng năm, đình có ba lễ giỗ chính vào các ngày 24-1 âm lịch là ngày vía Bà Chúa Ngọc. Ngày 12-3 âm lịch là lễ cầu an. Ngày 12-4 âm lịch là ngày kỵ tiền hiền và giỗ âm linh. Trước kia vào các dịp cúng giỗ này, dân làng Đại La tổ chức đầy đủ các nghi lễ như rước sắc, rước kiệu, đọc văn tế, tổ chức phần hội... Tuy nhiên, vài chục năm gần đây, do điều kiện kinh tế nên các lễ cúng giỗ này không còn được tổ chức linh đình như trước kia. Giống như các đình khác trên địa bàn thành phố, đình Đại La vẫn là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư địa phương. Là nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống nhớ về cha ông, nguồn cội, những người đầu tiên đến đây khai canh, khai cư, lập làng, lập ấp... Đây cũng là một trong những điều cần phát huy hiện nay theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
ĐOÀN GIA HUY