Thể thao

Nỗ lực chuẩn bị cho mùa giải mới

09:49, 22/07/2024 (GMT+7)

Kết thúc mùa giải 2023-2024, các đội bóng V-League nỗ lực tìm kiếm lực lượng bổ sung, thay thế, chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải mới. Bên cạnh đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có điều chỉnh phù hợp nhằm tăng tính cạnh tranh cho giải.

Nguyễn Hoàng Đức (áo đỏ) không khoác áo Thể Công Viettel ở mùa giải tới. Ảnh: P.N
Nguyễn Hoàng Đức (áo đỏ) không khoác áo Thể Công Viettel ở mùa giải tới. Ảnh: P.N

Thanh lọc lực lượng

VFF chốt, V-League và giải hạng Nhất quốc gia bắt đầu đăng ký và chuyển nhượng cầu thủ từ ngày 15-8 đến 15-10-2024; giai đoạn hai từ ngày 20-1-2025 đến 12-3-2025 cho thủ tục xin giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) trên hệ thống chuyển nhượng quốc tế TMS do FIFA quản lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay sau khi V-League 2023-2024 khép lại, nhiều CLB sớm có động thái thanh lọc lực lượng. Trong khi những CLB “đại gia” thanh lý những cái tên “thừa” thì CLB hạng trung hay “nhà nghèo” cũng chực chờ đón lấy. Cũ người mới ta, điều mà V-League từng chứng kiến qua nhiều mùa giải.

Sau nhiều đồn đoán sang nước ngoài thi đấu, tiền vệ Nguyễn Quang Hải quyết định gắn bó với Công an Hà Nội khi ký hợp đồng có thời hạn 3 năm và nhận tiền lót tay 8-9 tỷ đồng/mùa giải. Số tiền này biến Quang Hải trở thành cầu thủ nhận mức lót tay cao nhất Việt Nam. Việc giữ chân cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam cho thấy tham vọng đua vô địch của đội bóng ngành công an.

Trong khi đó, đội bóng giàu tiềm lực khác là Hà Nội FC cũng có những biến động lớn, khi chia tay HLV Daiki Iwamasa, Ewerton Pereira, Joel Tagueu, Deni Jr, Ryan Ha và mang về Chu Văn Kiên, Hồ Thanh Minh. Từ nay đến ngày mùa giải mới bắt đầu, đội bóng thủ đô sẵn sàng kích hoạt những “bom tấn” khác.

Giành chức vô địch lịch sử, Thép Xanh Nam Định hào hứng chuẩn bị phương án nhân sự cho hành trình bảo vệ ngôi vương và sân chơi châu lục. Sau khi tái ký thành công với Tuấn Anh, đội bóng thành Nam quyết định chia tay Mai Xuân Quyết, Đoàn Thanh Trường, Lê Ngọc Bảo và Đỗ Thanh Thịnh. Người hâm mộ tin rằng, HLV Vũ Hồng Việt sẽ tìm mọi cách để giữ lại vua phá lưới Rafaelson và tiền vệ tài hoa Hendrio, hai cầu thủ rất quan trọng trong đội hình. Á quân Quy Nhơn Bình Định sau khi đổi tên cũng chia tay Xuân Tú, Đức Chinh, Văn Thành, Hồng Quân, Đình Trọng, Thiện Đức, Minh Hoàng, Minh Nghĩa, Mạnh Cường, Schmidt, Marlon, Alan, Văn Đức và mang về Ngọc Bảo, Văn Khoa, Ngọc Toàn, Lê Thanh Phong, Mai Xuân Quyết và Trọng Hiếu.

Một biến động đáng chú ý khác là Thể Công Viettel chính thức rời Hàng Đẫy, không được sử dụng sân đấu này làm sân nhà trong mùa giải tới. Trong các lựa chọn, đội bóng áo lính có thể thuê sân Mỹ Đình, Hà Đông hay Thanh Trì làm sân nhà.

Phương án đầu tiên có vấn đề về chi phí thuê, trong khi hai phương án sau liên quan tới việc nâng cấp, sửa chữa. Chưa kể, biến động nhân sự cũng xảy ra ở đội bóng này khi không giữ được HLV Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hoàng Đức, Trần Ngọc Sơn, Trần Mạnh Cường và Trần Hoàng Sơn. Trước đó, Jaha, Pedro, Valim cũng ra đi tìm bến đỗ khác. Tính đến nay mới chỉ có Hoàng Sơn, Bảo Tuấn, Văn Đức đến đầu quân.

Tăng suất cầu thủ Việt kiều

Trước thềm mùa giải mới, VFF thông qua quy định quan trọng cho mùa giải chuyên nghiệp quốc gia 2024-2025. Theo đó, các CLB V-League được đăng ký và sử dụng tối đa 3 ngoại binh và 2 cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam thay vì 1 suất như mùa giải trước. Đây là thay đổi quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho giải đấu hàng đầu Việt Nam. Việc tăng số lượng cầu thủ Việt kiều mang đến nhiều lợi ích cho các đội bóng, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các cầu thủ gốc Việt đang sinh sống và thi đấu ở nước ngoài trở về quê hương để cống hiến.

Trước đó, những cầu thủ như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip, Patrick Lê Giang… góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho V-League, cũng như nâng chất cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Được đào tạo bài bản ở các nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam, các cầu thủ Việt kiều nhanh chóng khẳng định được giá trị, ghi dấu ấn ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển. Việc thi đấu thường xuyên ở V-League cũng giúp các cầu thủ Việt kiều hòa nhập nhanh hơn với văn hóa Việt Nam và quan trọng là có đủ điều kiện để nhập quốc tịch, từ đó được triệu tập lên đội tuyển quốc gia như trường hợp của Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Filip.

Nhìn chung, tăng suất và định hình sử dụng thêm nhiều cầu thủ Việt kiều trong thời điểm này là hợp lý, đúng thời thế. Tuy nhiên, song song với việc tăng suất, mở rộng cơ hội cho những cầu thủ Việt kiều, bóng đá Việt Nam vẫn phải dồn vào nền móng cho sự phát triển nằm ở khâu đào tạo trẻ. Sự phát triển từ bóng đá trẻ mới là thước đo chuẩn mực nhất của nền bóng đá.

PHI NÔNG

.