Thể thao
Thể thao Việt Nam sẵn sàng cho Olympic Paris
Ngày 17-7, đoàn thể thao Việt Nam xuất quân dự Olympic Paris 2024. Đây là kỳ Thế vận hội hứa hẹn mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các vận động viên (VĐV) xuất sắc của thể thao Việt Nam nêu cao tinh thần quyết tâm trong tập luyện và thi đấu, hướng đến kết quả tốt nhất.
Phạm Thị Huệ (bên trái) là vận động viên của thể thao Đà Nẵng tranh tài tại Olympic Paris 2024 ở môn rowing. Ảnh: P.N |
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 39 thành viên. Trong đó, 1 trưởng đoàn, 16 HLV, 16 VĐV, 2 bác sĩ và 4 cán bộ đoàn. Những VĐV mang theo niềm tự hào, sự kỳ vọng của đoàn thể thao Việt Nam tại Thế vận hội sắp tới gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo) và Trần Thị Nhi Yến (điền kinh). Mỗi tuyển thủ đều có HLV sát cánh, bảo đảm tốt nhất công tác chuyên môn. Một số môn có đến 2 HLV kèm 1 VĐV, như môn cử tạ có HLV Nguyễn Mạnh Thắng, Lưu Văn Thắng hỗ trợ cho lực sĩ Trịnh Văn Vinh; môn bắn cung có chuyên gia Park Chae-soon, 2 HLV Đào Trọng Kiên, Ngô Hải Nam hỗ trợ cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong.
Tại Olympic Paris 2024, mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là phấn đấu giành huy chương. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó, bởi xét về trình độ, khoảng cách chênh lệch giữa các VĐV Việt Nam và thế giới còn khá xa. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, số lượng VĐV giành suất tham dự Thế vận hội và cả mục tiêu giành huy chương đoàn thể thao Việt Nam đề ra vẫn còn khiêm tốn hơn so với các nước bạn. Cụ thể, tại Olympic Paris 2024, Thái Lan có 51 VĐV tham dự, mục tiêu của họ là mang về 6 HCV, 3 HCB; Indonesia có 29 VĐV tham dự và theo nhận định của Ủy ban Thể thao quốc gia nước này, họ có thể giành từ 2-3 HCV, lọt vào top 30 tại Olympic Paris; Malaysia có 26 VĐV, Singapore có 23 VĐV, Philippines có 22 VĐV tham dự và đều đặt mục tiêu giành ít nhất 1 HCV.
Để đạt mục tiêu huy chương như đề ra, đoàn thể thao Việt Nam nói chung, VĐV các đội tuyển nói riêng phải nỗ lực rất nhiều, trong đó cũng cần có thêm chút may mắn. 4 năm trước, thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản với mục tiêu giành huy chương, nhưng thất bại. Lúc đó, sau khi trải qua kỳ tích giành 1 HCV, 1 HCB ở Olympic năm 2016, thì nhà quản lý đủ sự tin tưởng để nối tiếp thành công tại kỳ Olympic 2020. Tuy nhiên, thực tế thi đấu khác xa so với dự báo và kỳ vọng của thể thao Việt Nam.
Tại Thế vận hội sắp tới, môn bắn súng với sự góp mặt của VĐV Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền thi đấu ở các nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, 25m súng ngắn thể thao nữ và 10m súng trường hơi nữ, được kỳ vọng lọt vào nhóm cạnh tranh huy chương. Các VĐV này có năng lực tốt nhất ở súng ngắn nữ của thể thao Việt Nam và đang có phong độ cao. Lê Thị Mộng Tuyền từng xếp hạng 16 vòng loại nội dung 10m súng trường hơi nữ. Thu Vinh khá hơn, từng xếp hạng 6 chung cuộc nội dung 10m súng ngắn hơi. Tuy nhiên, vì bắn súng luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ nên hy vọng vẫn được thắp lên. Chuẩn bị cho Olympic sắp tới, đội tuyển bắn súng được tạo điều kiện tập huấn tại Hungary và Pháp.
Trong số 16 VĐV đến Pháp tranh tài mùa hè này, thể thao Đà Nẵng có VĐV Phạm Thị Huệ ở môn rowing. Đến nay, “cô gái vàng” của đua thuyền Đà Nẵng giành 4 HCV SEA Games, 2 HCB và 2 HCĐ Asiad. Dù vậy, chị chưa thi đấu tại Olympic do hai lần lỡ hẹn. Cụ thể, tại vòng loại hai kỳ Olympic Rio 2016 và Tokyo 2020, Phạm Thị Huệ đều đạt thành tích tốt và có suất tham dự. Tuy nhiên, với quy định mỗi quốc gia chỉ có một suất tham dự, nên đội tuyển đua thuyền Việt Nam ưu tiên cho các VĐV nội dung thuyền nữ hạng nhẹ. Vì vậy, với sở trường thuyền hạng nặng, Phạm Thị Huệ ngậm ngùi nhìn các đàn em lên đường. Tháng 4 vừa qua, cô gái 34 tuổi về đích trong top 5 ở đợt bơi chung kết thuyền đơn nữ hạng nặng tại vòng loại rowing châu Á - Thái Bình Dương và giành vé dự Olympic Paris 2024.
Phạm Thị Huệ chia sẻ: “Sau khi giành vé dự Thế vận hội tại Pháp, tôi cùng đồng đội nỗ lực tập luyện hằng ngày ở Hải Phòng theo giáo án của ban huấn luyện. Các VĐV nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất từ các liên đoàn và ngành thể thao để cải thiện thể lực, nâng cao trình độ chuyên môn. Olympic là đấu trường danh giá nhất thế giới và là giấc mơ của nhiều VĐV. Tôi rất vinh dự khi góp mặt tại Olympic Paris sắp tới. Được trải nghiệm, thi đấu với các VĐV đẳng cấp thế giới là cơ hội tốt để tôi giao lưu, cọ xát, trau dồi kinh nghiệm. Tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất”.
PHI NÔNG