UBND thành phố đã triển khai nhiều dự án để giải quyết tình trạng ngập cục bộ vào mùa mưa ở các khu dân cư (KDC) trên địa bàn. Song, trong quá trình triển khai thi công, nhiều dự án chậm trễ, phần lớn do vướng giải tỏa.
Việc thoát nước tạm thời cho khu vực dân cư số 13 và 14 phường Hòa Phát được đưa ra hệ thống mương hở hiện trạng để không gây ngập cục bộ trong mùa mưa tới. |
Cống hộp đã đúc nhưng chưa lắp đặt
Gia đình ông Trần Quy (trú tổ 14 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) hơn 20 năm sống tại một kiệt nhỏ trên đường Lâm Hoành. Mùa mưa, nước chảy qua con mương hở trước nhà thoát không kịp nên luôn tràn vào nhà ông, có khi lên tới 0,5m.
“Từ khi có dự án hạ tầng kỹ thuật làm mương và làm đường qua khu vực này, người dân mừng lắm. Thế nhưng, mùa mưa tới rồi mà tiến độ thi công khu vực này quá chậm nên nếu mưa lớn sẽ gây ngập; chưa kể nước ứ đọng khiến ruồi, muỗi sinh sôi”, ông Quy phản ánh.
KDC 14 - nơi ông Quy sinh sống - nằm trong dự án Phát triển bền vững thuộc gói thầu “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật KDC tổ 13, 14 phường Phước Mỹ” nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu vực này, Ban quản lý (BQL) các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố là đơn vị điều hành.
Song, việc thi công quá chậm do vướng giải tỏa, không thể hoàn thành trong năm 2018 theo dự kiến ban đầu nên UBND thành phố cho phép gia hạn và phải hoàn thành trước ngày 30-6-2019.
Ghi nhận thực tế cho thấy, đơn vị thi công đã đúc cống hộp và san lấp mặt bằng nhưng còn vướng đoạn giáp với đường Võ Văn Kiệt và đầu cuối của đường Lâm Hoành nên chưa được san lấp. Nước thải sinh hoạt chảy ra đọng lại có màu đen, gây mùi hôi và phát sinh nhiều muỗi. Nhiều đoạn cống hộp đã lắp đặt nhưng chưa được che đậy kỹ mà chỉ cắm biển cảnh báo sơ sài.
Theo báo cáo của BQL dự án, đơn vị thi công đã đúc 309/309 mét cống hộp khẩu độ (120x120)cm và thi công lắp đặt hoàn thành 140/309 mét cống hộp bê-tông cốt thép bố trí dưới đường. Khối lượng cống còn lại đã đúc sẵn nhưng chưa lắp đặt vì vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề chống ngập cục bộ, ông Lê Văn Bằng, chỉ huy công trình cho biết, đơn vị đã tiến hành đấu nối tạm để thoát nước ra hệ thống thoát nước của đường Lâm Hoành nhằm tránh ngập vào mùa mưa. “Về cơ bản, với phương án tạm này, mùa mưa tới bảo đảm không ngập. Khi nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo đúng yêu cầu”, ông Bằng nói.
Hễ mưa là ngập
Tương tự, KDC số 13 và 14 phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cũng nằm trong danh sách “vùng trũng” với tình trạng hễ mưa là ngập. Khu vực ngập nặng nhất là các tổ 47, 48 và 49 với tổng số hơn 150 hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Phan Ngọc Anh, Tổ trưởng tổ 48 cho hay, nếu mưa lớn, 2/3 trong tổng số hơn 70 hộ của tổ sẽ bị nước tràn vào nhà. Trong khi đó, số hộ bị ảnh hưởng ở tổ 49 cũng tương tự con số này.
“Khi có dự án mương thoát nước Khe Cạn, người dân mong mỏi đơn vị thi công hoàn thành sớm để mùa mưa này không còn lo tình trạng ngập cục bộ. Tuy nhiên, dự án thi công rất chậm, chưa kể cống Khe Cạn dường như có cao trình cao hơn mương trong kiệt, hẻm”, bà Trần Thị Phước, Tổ trưởng tổ 49 bày tỏ.
Theo UBND phường Hòa Phát, hiện nay toàn bộ hệ thống mương thoát nước kiệt, hẻm khu vực số 13 và 14 khi mưa xuống đều bị ngập cục bộ. Nước sinh hoạt từ các tuyến mương trồi ngược lên mặt đường, ứ đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối và phát sinh ruồi, muỗi.
“Vừa qua, UBND phường đã tổ chức nạo vét các mương trong kiệt, hẻm nhưng nếu có mưa lớn thì chưa nói trước được có tình trạng ngập hay không. Chúng tôi đề nghị đơn vị chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến mương”, ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát nói.
Được biết, dự án tuyến mương thoát nước Khe Cạn, thực hiện khớp nối thoát nước các tuyến đường kiệt Tôn Đản và đường gom dân sinh vào mương Khe Cạn do BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố điều hành.
Dự án chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (chiều dài 1.400m) đã cơ bản hoàn thành 98%; giai đoạn 2 có chiều dài 1.320m, điểm đầu từ KDC Hòa Phát tới chợ Chiều (thuộc phường Hòa Phát) với 27 hồ sơ ảnh hưởng. Dự án chậm tiến độ và được UBND thành phố gia hạn đến ngày 30-6-2019.
Theo BQL dự án, đơn vị thi công đã thực hiện 200/1.318,6 mét cống bê-tông cốt thép có khẩu độ từ (1x1)m đến (1,3x1,3)m. Khẩu độ này bảo đảm cống Khe Cạn mới thấp hơn các mương trong các kiệt, hẻm nên không có tình trạng nước tràn ngược lại KDC.
Tuy nhiên, do còn vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu của UBND thành phố nếu được bàn giao mặt bằng trước ngày 28-2-2019.
Ngoài ra, theo BQL dự án, đoạn mương Khe Cạn (giai đoạn 2) có khoảng 500m của vệt giải tỏa mặt cắt ngang 4 - 4,5m là quá hẹp nên khó khăn trong việc đưa phương tiện vào thi công và bảo đảm cho công trình lân cận.
Bên cạnh đó, có tới 28 kiệt, hẻm tại các tuyến đường Tôn Đản và đường gom dân sinh chưa có khớp nối hệ thống thoát nước vào mương Khe Cạn nên gây ngập cục bộ vào mùa mưa.
Vì vậy, BQL dự án đã có Văn bản số 1229/BQL-KTh1 ngày 17-10-2018 đề nghị UBND thành phố đồng ý chủ trương điều chỉnh tuyến cục bộ sang một bên; đồng thời giao Viện Quy hoạch xây dựng lập quy hoạch khớp nối giao thông, thoát nước vào tuyến cống Khe Cạn cho 28 kiệt, hẻm nói trên.
Ngoài ra, do mương Khe Cạn (đang làm mới) song song với mương hở cũ nên việc thoát nước tạm thời cho KDC số 13 và 14 phường Hòa Phát trước mắt vẫn được thoát ra hệ thống mương hở hiện trạng để không gây ngập cục bộ trong mùa mưa tới.
Đối với cả hai dự án nêu trên, trong thời gian thi công, BQL dự án yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu bảo đảm chất lượng, tiến độ theo hồ sơ thiết kế và hợp đồng đã phê duyệt; đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và thoát nước tạm.
Khu vực dân cư tổ 61 (cũ), nay là tổ 81 phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cũng là vùng thấp trũng và thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Theo ông Lê Văn Tổng, Tổ trưởng tổ 81, đây là khu vực nằm trong ranh giới giữa dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu (phường Hòa Khánh Bắc) và dự án Vệt cây xanh cách ly. “Về cơ bản các hộ trong diện giải tỏa của dự án thống nhất di dời, hiện có hơn 20 hộ chuyển đi, còn 60 hộ khác do chưa có đất bố trí tái định cư nên đang chờ”, ông Tổng cho hay. Theo ông Đặng Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, các đơn vị liên quan đã tổ chức nạo vét mương, cống hở và khơi thông dòng chảy tạm để nước từ khu vực chảy theo mương này đổ ra phía kênh Hòa Liên. “Chúng tôi cũng kiến nghị UBND quận để quận đề xuất lên thành phố xem xét và có phương án tháo gỡ nhằm tạo quỹ đất tái định cư bố trí cho nhân dân, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa”, ông Nhật cho hay. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH