Vụ cưỡng chế nhà ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú

Có thể đề nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm

.

Báo Đà Nẵng nhận được đơn kêu cứu của hộ ông Phan Thanh Đức (57 tuổi, trú thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) về việc gia đình ông bị cơ quan chức năng xét xử và ban hành bản án buộc phải trả lại khuôn viên nhà, đất diện tích 52,3m2 là chưa khách quan.

Theo đơn trình bày của ông Đức, năm 1990, bà Võ Thị Thận trúng đấu giá ngôi nhà 3 gian tại xã Hòa Phú. Bà Thận chuyển nhượng 1 gian cho ông Huỳnh Mẫn, 2 gian còn lại chuyển nhượng cho ông Phan Chuyện (cha ông Đức). Sau đó, ông Chuyện nhượng lại cho ông Đức, có giấy xác nhận của UBND xã Hòa Phú. Ông Đức và ông Mẫn tranh chấp 12m2 nhà ở nên ông Đức kiện và TAND huyện Hòa Vang xét xử, buộc ông Mẫn trả lại phần diện tích này cho ông Đức.

Năm 2010, sau khi ông Chuyện qua đời, bà Thận kiện đòi ông Đức trả lại (phần đất bao gồm 24,6m2 nhà ở trên diện tích đất 52,3m2. TAND huyện Hòa Vang bác đơn của bà Thận. Bà Thận kháng án. Kết quả giám định về giấy mua bán nhà giữa bà Thận với ông Chuyện cho thấy “chữ ký giữa người bán và người mua do cùng một người ký” nên TAND thành phố xử phúc thẩm buộc ông Đức phải trả đất cho bà Thận. Gia đình ông Đức kêu cứu và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố vào cuộc.

Năm 2012, nhận được kết quả giám sát, xác minh của Đoàn ĐBQH kiến nghị gửi Chánh án TAND tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND thành phố nêu trên, gia đình ông Đức làm đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Năm 2014, TAND tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND thành phố, giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố xét xử phúc thẩm. Năm 2015, TAND thành phố giao lại hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hòa Vang giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tháng 2-2017, TAND huyện Hòa Vang mở phiên tòa sơ thẩm, buộc ông Đức trả cho bà Thận phần nhà 24,6m2 trên diện tích đất 52,3m2. Ông Đức kháng án lên TAND thành phố. Ngày 30-5-2017, TAND thành phố mở phiên tòa phúc thẩm vụ án, không chấp nhận đơn kháng án của ông Đức, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Gia đình ông Đức không đồng ý nên làm đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm với bản án dân sự phúc thẩm ngày 30-5-2017 của TAND thành phố.

Ngày 17-1-2018, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng ra Quyết định kháng nghị số 18/2018/KN-VKS-DS bản án dân sự phúc thẩm của TAND thành phố; đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hòa Vang giải quyết lại theo quy định.

Ngày 3-12-2018, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm và ra quyết định giám đốc thẩm với nội dung không chấp nhận Quyết định kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng; giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm ngày 30-5-2017 của TAND thành phố.

Ngày 10-4-2019, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa Vang tiến hành cưỡng chế, buộc gia đình ông Đức phải trả lại ngôi nhà 24,6m2 tọa lạc trên diện tích đất 52,3m2 cho bà Thận. Gia đình ông Đức cho rằng, việc cưỡng chế là thiếu khách quan nên kiên quyết không chấp nhận, việc cưỡng chế tạm hoãn.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê) cho biết, vụ việc đã được TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ở cấp giám đốc thẩm và đã có quyết định giám đốc thẩm. Do đó, nếu gia đình ông Đức cho rằng bản giám đốc thẩm này vẫn chưa chính xác, chưa khách quan thì có thể gửi đơn đề nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm đến Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao, kèm theo các tài liệu liên quan để được xem xét, giải quyết.

Trong hồ sơ vụ việc, kết quả xác minh từ Đoàn ĐBQH thành phố chỉ rõ một số vấn đề về chữ ký trong giấy mua bán nhà giữa bà Thận và ông Chuyện; diện tích đất mà ông Đức (con ông Chuyện) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực tế... còn nhiều tranh luận nhưng chưa được TAND thành phố Đà Nẵng làm rõ, khiến vụ khiếu nại kéo dài gần 10 năm qua.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét lại toàn bộ vụ án và sớm giải quyết một cách thấu đáo, đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, tránh để việc khiếu nại kéo dài.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.