Không chỉ sai về chữ viết, kích cỡ, loại hình quảng cáo tự phát hiện tiếp tục tồn tại với những hình thức như: phát tờ rơi, dán thông tin trên cột điện, trạm biến áp, thậm chí dán trên tường nhà dân, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.
Những trụ điện, tủ điện chi chít rao vặt trên địa bàn phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Ảnh: TIỂU YẾN |
Trên địa bàn Đà Nẵng, không khó bắt gặp hình ảnh biển hiệu quảng cáo sai về chữ viết, kích cỡ. Chẳng hạn, tuyến đường Võ Nguyên Giáp tập trung nhiều nhà hàng, văn phòng dịch vụ phục vụ khách du lịch nhưng mỗi nơi đặt biển hiệu mỗi kiểu, cái to, cái nhỏ, cái trồi, cái sụt rất mất mỹ quan.
Tại địa chỉ 466 Võ Nguyên Giáp, cơ sở massage Trầm vừa đặt biển hiệu quảng cáo có kích thước to trước mặt tiền, vừa trưng bảng nhỏ trên khu vực vỉa hè. Chỉ trên một bảng hiệu, nhưng cơ sở này sử dụng 3 ngôn ngữ Việt - Hàn - Anh, kích cỡ chữ không đúng quy định. Nằm bên Trầm là cơ sở massage Kim cũng vừa trưng bảng hiệu trước mặt tiền, vừa đặt hai bảng hiệu nhỏ trên vỉa hè.
Ngay cả tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn khi mới xây dựng vào năm 2014 hứa hẹn sẽ tạo ra sự đồng bộ về kích thước, hình thức quảng cáo kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian, không ít cửa hàng thời trang ra đời sau đó trưng những biển quảng cáo to, nhỏ khác nhau, khiến “bức tranh” trên tuyến phố không đẹp như kỳ vọng ban đầu.
Trong khi đó, những trụ điện, thân cây, cột đèn tín hiệu giao thông, trụ biến áp bị dán chi chít mẩu quảng cáo, rao vặt trái phép như thông tin “Hút hầm cầu giá rẻ”, “Trung tâm gia sư”, “Hỗ trợ tài chính”, “Cho vay”, “Việc tìm người”, kèm theo đó là số điện thoại liên lạc. Để đối phó với cơ quan chức năng, người rao vặt chỉ cung cấp số điện thoại, không ghi địa chỉ giao dịch rõ ràng.
Chẳng hạn, trên đường trung tâm thành phố như Nguyễn Chí Thanh, đoạn gần giao với đường Lý Tự Trọng (quận Hải Châu), một số trụ điện bị các đối tượng dán chi chít tờ rơi, quảng cáo mua bán nhà đất, hút hầm cầu. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các tuyến đường Đống Đa, Trần Cao Vân, Hải Phòng, Quang Trung, Ông Ích Khiêm…
Trên địa bàn phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), các tuyến đường nhỏ nằm sâu trong khu dân cư cũng bị “phủ sóng” bởi những mẩu quảng cáo, rao vặt trái phép dù địa phương này thường xuyên tổ chức ra quân gỡ, xóa. Đại diện lãnh đạo phường An Hải Bắc cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương đã triển khai 3 đợt ra quân xóa quảng cáo, rao vặt trái phép. Song song đó, địa phương yêu cầu người dân tự xóa những mẩu quảng cáo, rao vặt đối tượng dán trước nhà, đồng thời ghi lại số điện thoại để địa phương có cơ sở đề nghị Sở Thông tin- Truyền thông cắt thuê bao.
Anh Lê Văn Trí, sống trên đường Nguyễn Trung Trực (phường An Hải Bắc) phàn nàn: “Người cung cấp dịch vụ toàn thuê thanh niên, sinh viên đi dán quảng cáo, rao vặt, mà họ chỉ dán vào ban đêm, nên hôm nay gỡ, xóa thì ngày mai xuất hiện trở lại. Nếu chính quyền không làm mạnh tay, truy tới cùng địa chỉ (theo số điện thoại) để xử lý thì khó giải quyết dứt điểm tình trạng này”.
Trước tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép thường xuyên tái diễn, ngày 5-11-2018, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND nhằm chấn chỉnh và tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt. Theo chỉ thị này, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) đã phối hợp với UBND các quận, huyện đồng loạt tháo gỡ, tẩy xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định.
Ở cấp độ địa phương, các quận, huyện phân công cán bộ theo dõi, xử lý những hành vi liên quan đến quảng cáo, rao vặt sai phạm; khuyến khích tổ dân phố đăng ký mô hình “Tổ dân phố không có quảng cáo, rao vặt”, “Trụ điện xanh”, “Khu dân cư 3 sạch: sạch nhà, sạch đường phố, sạch trụ điện”. Ngoài ra, địa phương bàn giao từng tuyến đường, từng khu phố cho khu dân cư, tổ dân phố quản lý; Sở Thông tin-Truyền thông yêu cầu nhà mạng cắt hàng trăm số điện thoại trong các tờ rao vặt…
Thực hiện Công văn số 5844/UBND-VHXH ngày 27-8-2019 của UBND thành phố về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, đến cuối năm 2019, các quận, huyện đã kiểm tra, xử lý 99 cơ sở kinh doanh viết, đặt biển hiệu quảng cáo không đúng quy định. Cụ thể, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã kiểm tra và xử lý 46/70 trường hợp vi phạm; cảnh cáo, yêu cầu khắc phục đối với 24 cơ sở kinh doanh vi phạm. Quận Sơn Trà xử lý 43 trường hợp.
Quận Hải Châu kiểm tra, xử lý 10 trường hợp; đồng thời hướng dẫn, nhắc nhở 4 cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định về viết, đặt biển hiệu quảng cáo.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh Thanh tra Sở VH-TT cho biết, phần lớn hành vi vi phạm quy định về viết, đặt biển hiệu quảng cáo chủ yếu do kích thước không đúng quy định, chữ tiếng nước ngoài vượt quá 3/4 chữ tiếng Việt, tiếng nước ngoài nằm trên chữ tiếng Việt…
Cũng theo ông Tịnh, trong năm 2019, Sở VH-TT đã kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh viết, đặt biển hiệu tiếng nước ngoài theo ý kiến phản ánh của cử tri quận Hải Châu. Qua kiểm tra, biển hiệu kinh doanh của các cơ sở trên đều đúng với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; sai phạm chủ yếu do kích thước không đúng quy định, không thể hiện địa chỉ, số điện thoại trên biển hiệu. Sở VH-TT đã hướng dẫn và yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp.
“Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo và quy định về viết, đặt biển hiệu, yêu cầu chủ kinh doanh tháo dỡ, điều chỉnh ngay các biển hiệu vi phạm. Đến nay, các cơ sở kinh doanh đều có ý thức chấp hành tốt, tự nguyện tháo dỡ, khắc phục các biển hiệu không đúng quy định, cam kết sẽ thực hiện nghiêm quy định pháp luật”, ông Tịnh nói.
Theo ông Tịnh, trong thời gian tới, Sở VH-TT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, thông qua việc cấp hoặc cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện cần đính kèm các tập gấp tuyên truyền, hướng dẫn quy định viết, đặt biển hiệu kinh doanh theo quy định Luật Quảng cáo nhằm tránh trường hợp vì thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm.
Quy định về biển hiệu quảng cáo Điều 38, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tên doanh nghiệp: “Tên riêng được viết bằng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu”. Điều 34, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu: “Tên biển hiệu phải có nội dung sau: tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Trong trường hợp sử dụng tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một biển hiệu thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt”. Cũng theo Điều 34 này, kích thước bảng hiệu được quy định: “Đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc, chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”. Nguồn: Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng |
TIỂU YẾN