Đà Nẵng cuối tuần
Đám cưới quê
Thoáng mát, gần gũi, thâm tình, chơi vô tư mà không sợ “hết giờ”…, đó là nhận xét của nhiều thực khách ở phố về quê ăn cưới.
Nhà bạt thiết kế tân kỳ đã mang lại thành công cho đám cưới ở quê. Trong ảnh: Đám cưới con gái anh Đỗ Hữu Quế, khách chia vui từ 4 giờ chiều đến tận 10 giờ đêm. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Ở quê hay tại một số vùng ven đô Đà Nẵng giờ chỉ cần có mặt bằng rộng rãi là có thể tổ chức đám cưới sôi nổi, đình đám có khi còn hơn ở các nhà hàng giữa phố. Với huyện Hòa Vang, giờ khắp 119 thôn ở 11 xã đều đã có nhà sinh hoạt văn hóa theo chương trình xây dựng nông thôn mới, rất thuận tiện cho các hoạt động này.
Tự nhiên như ở nhà... quê
Anh Hữu Quế nhà ở gần chợ Túy Loan được hầu hết người dân Hòa Vang biết đến với vai trò MC, chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên và là “bầu sô” làm nghề “tổ chức sự kiện”, trong đó nhiều nhất là đám cưới. Gần 20 năm lăn lộn trong nghề, anh rút ra một số kinh nghiệm cho đám cưới ở quê, đặc biệt là cách che rạp (có nơi gọi là che trại, che bạt) sao cho “hoành tráng” không thua gì nhà hàng ở phố.
Che rạp, cứ 1m2 tính cả tiền trang trí hiện có giá 12.000 đồng, nếu thêm bàn ghế nữa thì tăng lên 15.000 đồng (mỗi bàn 10 khách là 6m2). Thường thì các rạp luôn chừa ra ở giữa một khoảng rộng 3m từ ngoài cửa lên tới sân khấu để vừa làm lối đi cho khách, vừa đón cô dâu, chú rể và cha mẹ hai bên lên sân khấu.
Muốn thoáng hơn, sang trọng hơn, theo Hữu Quế, nên chừa rộng ra 5m (tức là thêm 2m nữa). Phần thêm 2m này, với độ dài 20m (từ cửa tới sân khấu) sẽ tăng thêm 40m2 nhưng chỉ tốn thêm gần nửa triệu đồng nữa (40m2 x 12.000 đồng = 480.000 đồng). Đoạn gần sân khấu trải thảm đỏ, thêm mấy trụ hoa nữa, cô dâu chú rể bước lên đó chẳng khác nào đi vào nhà hàng… 5 sao!
Trên địa bàn Hòa Vang hiện có trên 20 cơ sở làm dịch vụ cưới hỏi, lễ tiệc. Cùng nghề với Hữu Quế có Thanh Châu, nhà ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên. Có thể nói tất cả các đám cưới ở những xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Sơn đều được tổ chức tại chỗ. Chủ nhà chỉ lo tìm mặt bằng, còn tất tần tật đều do dịch vụ lo hết.
Mái che, trang trí, bàn ghế, ẩm thực, trọn gói 4 “hạng mục” này có giá từ 90 – 100 nghìn đồng/suất ăn. Thanh Châu cho biết, nếu đám nào cỡ 300 đến dưới 500 suất thì bên dịch vụ sẽ khuyến mãi thêm cây organ, còn trên 500 suất thì khuyến mãi luôn cả giàn nhạc. Trong khi các nhà hàng dưới phố có giá thấp nhất là 160.000 đồng/suất thì giá cả này hoàn toàn vừa với túi tiền người dân nông thôn. Khách mừng tân hôn nếu tặng cái phong bì “nhẹ” một tí thì chủ cũng không sợ “lỗ”.
Nói vậy chứ vẫn có không ít người nhà ở quê nhưng đãi đám cưới nhà hàng dưới phố cho nó “sang”. Khách ở quê phải vượt hàng chục cây số, nhiều người vừa ngại đi xa, vừa cảm thấy không hợp với không khí quá “khách sáo”, nặng phần “trình diễn” ở nhà hàng. Giá cao, chật chội, ăn nhanh, hát vội mấy bài là bị “mời khéo” về, nhiều khách chưa thấy “tới bờ tới bến” nên kéo nhau đi tăng 2, tăng 3 cho “đã”. Ở quê lại khác, thoáng mát, gần gũi, thâm tình, chơi vô tư mà không sợ “hết giờ”.
Cưới quê hơn phố?
Vùng đất Hòa Quý dù đã trở thành phố thị từ khi thành lập quận Ngũ Hành Sơn nhưng xem ra vẫn còn nếp sống nông thôn xưa cũ. Đó cũng là một trong những nguyên do để các đầu bếp như chị Phan Thị Hoa phát huy năng lực “bàn tay vàng” của mình. Chị từng học nghề nấu ăn ở Nha Trang, ban đầu làm gia công cho các dịch vụ, về sau cùng chồng (tên là Thông) đứng ra mở dịch vụ nấu ăn Hoa Thông chuyên phục vụ cưới hỏi, liên hoan, sinh nhật. Chồng chị thay vì chạy xe cho người ta, giờ quay về làm tài xế cho gia đình, chuyên vận chuyển mọi thứ liên quan đến dịch vụ tiệc tùng đến tận nơi theo hợp đồng.
10 năm làm nghề, Hoa Thông đã tạo được thương hiệu trên đất Ngũ Hành Sơn. Khi người viết đi tìm một nhân vật làm nghề này thì anh Nguyễn Hạnh, một cư dân phường Hòa Hải, liền nhắc ngay đến “tên tuổi” này. Nhiều đám cưới diễn ra trong một ngày (theo quan niệm “ngày tốt”) nên các loại hàng thường lên giá, chị nhờ các mối quanh năm giao hàng cho mình chỉ tăng giá chút đỉnh nên chị vẫn giữ nguyên chất lượng suất ăn để bảo vệ uy tín. Nhân viên phục vụ chủ yếu là con em trong phường, nếu gặp nhiều đám thì thuê thêm sinh viên. Tất cả đều đã “lập chương”, chỉ cần nhắc điện thoại lên là có ngay.
Đám cưới diễn ra quanh năm, nhưng theo chị Hoa, nhiều nhất là tháng Sáu và tháng Mười Một âm lịch, gọi là mùa cưới. Ngũ Hành Sơn hiện chỉ có 2 dịch vụ nấu ăn phục vụ lễ tiệc nên vào mùa cao điểm các đám cưới ở nơi đây phải “cầu cứu” đến các đầu bếp từ xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn.
Một trong những đầu bếp ở nơi cả làng làm nghề nấu ăn này là anh Huỳnh Ngọc Hùng. Anh bảo, mỗi suất ăn có giá từ 80 – 120 nghìn đồng, nhưng cũng có người đặt đến 150 nghìn đồng. Với giá cao này, phải nâng cao chất lượng suất ăn, ví như phải mua tôm 20 con/kg thay vì tôm 50 con/kg. Anh cũng “bật mí” một chuyện tế nhị, đó là bên nhận đám phải trả hoa hồng cho người mai mối, gọi là có tí “màu” cho người ta, chứ thời buổi này ai lại rảnh mà đi làm không công.
Nhìn chung, ở Đà Nẵng tập tục cưới hỏi giữa phố với quê không khác. Khác nhau chăng là cách đãi đằng giữa quê và phố. Mỗi nơi một vẻ, nhưng nhiều người vẫn thích dự đám cưới quê hơn, bởi ở đó người ta có cảm giác như tìm thấy lại mình, nói như Hoài Thanh – Hoài Chân là “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”.
Là “thủ phủ” của huyện Hòa Vang, xã Hòa Phong trước Tết Bính Thân 2016 sẽ xây dựng một số hạng mục tại Trung tâm Văn hóa-thể thao xã (sân vận động Túy Loan cũ). Công trình được giao cho anh Đỗ Hữu Quế theo chủ trương xã hội hóa, xây dựng các hạng mục phục vụ phong trào văn hóa-thể thao tại địa phương. Sau khi bê-tông hóa 1.200m2, nơi đây sẽ có điện chiếu sáng, cây xanh với các sân bóng chuyền, cầu lông, khu tập thể dục dưỡng sinh và các khu nhà vệ sinh, bảo vệ, phục vụ giải khát... với kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Đây cũng là nơi tổ chức đám cưới, lễ tiệc với các nhà bạt, sân khấu lắp ghép. Vậy là nỗi lo không có mặt bằng tổ chức đám cưới của người dân Hòa Phong và các xã lân cận sẽ không còn nữa. |
VĂN THÀNH LÊ