Đà Nẵng cuối tuần

Phân biệt màu da

14:54, 02/12/2018 (GMT+7)

Một bộ phim tài liệu mới mang tiêu đề “Out of Your Skin” chiếu trên mạng truyền hình ITV hôm thứ ba vừa qua ở Anh thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Đó là bộ phim về quãng thời gian dài 40 năm của những cầu thủ bóng đá da màu trên đất Anh đã nêu bật được những vấn đề mà các cầu thủ và HLV da màu phải đối mặt. Đó là sự thách thức. Đó là cú sốc tâm lý. Đó là sự đau khổ….

Cầu thủ Raheem Sterling.
Cầu thủ Raheem Sterling.

Khi còn thi đấu, những cầu thủ da màu thường trở thành tâm điểm đả kích của người hâm mộ, ngay cả cầu thủ đội nhà. Những ngôi sao của nước Anh như Andy Cole, Paul Ince… trước đây hay Raheem Sterling vẫn không thoát khỏi những lời lẽ bất nhã không chỉ trên sân đấu mà cả bên ngoài đời sống thường nhật.

Thi đấu đã khó khăn, những cầu thủ da màu ít có cơ hội trở thành HLV. Paul Ince và John Barnes cũng đã có trải nghiệm trên băng ghế huấn luyện nhưng Andy Cole, Jason Euell, Jason Roberts… không có được may mắn như thế. Một câu kết thật buồn cho bộ phim ấy: Bóng đá là môn thể thao đã thay đổi liên tục về chiến thuật, nhân sự, là một trong những môn thể thao được ưa chuộng nhất thế giới nhưng đó cũng là môn thể thao không thể thay đổi một thứ là phân biệt chủng tộc trong thế giới luôn luôn đón nhận sự thay đổi.

FIFA, UEFA… đều đã rất nỗ lực trong suốt mấy chục năm qua nhưng phân biệt màu da vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết được cho tới tận bây giờ. Tổ chức chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá Kick It Out và một ứng dụng bóng đá trực tuyến Forza Football vừa công bố kết quả thăm dò ý kiến 27.000 người hâm mộ ở 38 quốc gia về phân biệt chủng tộc trong bóng đá và biện pháp xử lý. 54% số người được hỏi cho biết đã trực tiếp chứng kiến tình trạng này trong trận đấu. 60% ủng hộ phương án trừ điểm với đội tuyển quốc gia hay CLB mà có người hâm mộ phân biệt chủng tộc. Điển hình như câu chuyện một người hâm mộ da màu Chelsea đã bị cấm lên tàu điện ngầm ở Paris khi Chelsea làm khách PSG ở Champions League năm 2015 thì lúc đó PSG sẽ bị trừ điểm. Trong quá khứ, các đội bóng đã từng bị trừ điểm vì vấn đề tài chính, dàn xếp tỷ số… nhưng tuyệt đối chưa có vì phân biệt chủng tộc.

Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 28% người hâm mộ biết cách báo cáo sự cố phân biệt chủng tộc một cách thích hợp. Một phát ngôn của LĐBĐ Anh cho biết đã khuyến khích tất cả mọi người báo cáo về tình trạng này khi trực tiếp chứng kiến hay là nạn nhân. Trước World Cup 2018, FIFA đã công bố quy định cho phép trọng tài tạm dừng trận đấu hoặc hủy bỏ cả trận đấu nếu xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc vì ở giải đấu Confederations Cup 2017 diễn ra trên đất Nga đã có những hành vi phân biệt màu da.

Trong vài tháng qua, LĐBĐ Đức cũng giám sát chặt hơn tình trạng này sau khi tuyển thủ Mesut Ozil quyết định giã từ sự nghiệp quốc tế vì cảm giác bị phân biệt đối xử và thiếu tôn trọng. Có tới 77% người Đức cho rằng họ cảm thấy thoải mái với bất cứ cầu thủ nào (màu da, chủng tộc) đại diện cho quốc gia hay CLB mà họ yêu thích. Còn nhớ cầu thủ Ghana là Sulley Muntari cho biết anh bị phân biệt màu da gần như trong tất cả các trận đấu tới mức anh đã phải rời sân giữa trận khi còn chơi cho Pescara.

TỊNH BẢO

.