Vẻ đẹp Sơn Trà

Giữ màu xanh cho cánh rừng già

.

Bán đảo Sơn Trà như báu vật thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Bởi thế, không chỉ người dân thành phố yêu bán đảo Sơn Trà mà cả những người từ phương xa đến đều yêu quý, chung tay gìn giữ, bảo vệ hòn ngọc xanh này. Họ âm thầm, lặng lẽ làm sạch Sơn Trà, giữ màu xanh rừng Sơn Trà để góp phần làm đẹp bán đảo này.

Phút nghỉ chân của lực lượng Kiểm lâm khi đi tuần tra rừng Sơn Trà.Ảnh: TRỌNG HUY
Phút nghỉ chân của lực lượng Kiểm lâm khi đi tuần tra rừng Sơn Trà.Ảnh: TRỌNG HUY

Anh Đào Đặng Công Trung (sinh năm 1978, quê ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) hiện là giám đốc một doanh nghiệp trong ngành du lịch. Anh Trung đến làm việc tại Đà Nẵng gần 20 năm qua và định cư hẳn ở quận Sơn Trà gần chục năm trở lại đây. Anh kể, lần đầu đến với bán đảo Sơn Trà là khoảng năm 2003, 2004 và anh bị thiên nhiên, núi rừng nơi đây “hớp hồn” bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng rất thú vị. Hồi đấy còn hoang vu lắm, ít người lên rừng nên… ít rác thải.

Rồi từ năm 2010, lượng khách du lịch đông nên rác thải cũng nhiều hơn. Vì vậy, anh Trung mỗi lần lên núi Sơn Trà đều mang theo bao để nhặt rác thải mang xuống nơi tập kết theo quy định. Khi du lịch của quận Sơn Trà phát triển mạnh hơn 5 năm gần đây, lượng người lên Sơn Trà tăng nhiều lần, rác thải cũng theo đó tăng lên. Mỗi tuần đều đặn 5 lần vào buổi sáng và buổi chiều, anh Trung đều nhặt rác; có khi túi rác nặng đến 30-40kg trong một lần thu gom.

Ngoài những con người đơn lẻ, thầm lặng như anh Trung, ở bán đảo Sơn Trà còn có rất nhiều nhóm bạn trẻ tự nguyện “khoanh vùng” khu vực để nhặt rác làm sạch Sơn Trà. Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đến nay có gần chục nhóm, như Mạng lưới xanh Sơn Trà, nhóm bãi Đá Đen, nhóm Sinh viên Trường Đại học Duy Tân, nhóm dọn rác Sơn Trà, nhóm Let’s Do it Đà Nẵng, nhóm Sasa Team…

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết rất vui vì sự chung tay thầm lặng, tình nguyện của người dân, nhất là người trẻ để bảo vệ môi trường Sơn Trà. “Ý thức về bảo vệ môi trường của người trẻ bây giờ rất cao, là điều đáng mừng. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nên sau những lần kêu gọi, sự hưởng ứng đông đảo và nhanh chóng hơn.
Qua đó, hiệu ứng của phong trào được lan tỏa, từng chút một gìn giữ cho Sơn Trà ngày càng xanh, sạch”, ông Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, còn có những người thầm lặng giữ rừng. Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, nhận thức tầm quan trọng của rừng Sơn Trà, nên dù khó khăn, cán bộ, nhân viên của hạt luôn đề cao trách nhiệm, làm việc tận tâm, tận lực. Theo ông Thắng, nếu không tâm huyết, không có tình yêu, gắn bó với rừng Sơn Trà, nhiều nhân viên kiểm lâm xin nghỉ vì mức thu nhập hạn chế. Với khoảng 4.000ha rừng, việc tuần tra, kiểm tra thường xuyên, hằng ngày rất vất vả nhưng cả đơn vị chỉ có 9 người gồm lãnh đạo, 2 nữ và một số cán bộ, nhân viên lớn tuổi nên hạn chế đi rừng. Ngoài tuần tra ban ngày, lực lượng kiểm lâm còn tăng cường tuần tra đêm.

Trong quá trình tuần tra, kiểm tra để giữ rừng bình an, cán bộ, nhân viên của Hạt cũng gặp không ít tình huống oái ăm. “Có lần anh em đi tuần tra ban đêm, lên đỉnh Bàn Cờ gặp một nhóm thanh niên cởi trần, xăm trổ đầy mình đang tổ chức ăn nhậu. Vì không có chế tài xử lý gì, anh em trong tổ cũng chỉ nhắc nhở họ sớm xuống núi để tránh xâm hại đến rừng (hiện nay đã có quy định cấm cửa rừng từ tối đến sáng hôm sau). Còn chuyện đi rừng té ngã, sạt núi, cây đổ buộc phải dọn là chuyện thường ngày, nhất là vào mùa mưa. Rồi gặp những đối tượng vào rừng bẫy chim và nhắc nhở còn bị họ chống cự, đe dọa…”, ông Thắng kể.

Chính nhờ sự nhiệt huyết, cống hiến của những người bảo vệ rừng, đến nay rừng Sơn Trà đã và đang xanh lên từng ngày. Nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện trở lại, tiêu biểu như gà rừng. Nhiều loài linh trưởng được cộng đồng bảo vệ và có được môi trường sống bình yên hơn. Theo thống kê, suốt 5-6 năm trở lại đây, không có vụ cháy rừng lớn nào ở bán đảo Sơn Trà, số lượng đối tượng bẫy chim, thú cũng giám đáng kể. “Với sự thành lập tổ liên ngành bảo vệ rừng, sự phối kết hợp với các lực lượng chức năng khác cùng chung tay bảo vệ Sơn Trà, các chính sách quy định của thành phố bảo vệ Sơn Trà đã mang lại sự bình yên cho rừng Sơn Trà”, ông Thắng chia sẻ.

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm cho biết, bán đảo Sơn Trà vừa là khu bảo tồn thiên nhiên, vừa phát triển du lịch theo định hướng của thành phố. Vì vậy, chung tay bảo vệ Sơn Trà với vai trò truyền thông để cộng đồng được biết đến nhiều hơn là rất đáng kể (bảo vệ rừng, các loài động, thực vật sinh sống trên bán đảo và bảo vệ môi trường). Hiện nay, quận Sơn Trà phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh tại các địa điểm du lịch lắp đặt bảng cấm bỏ rác, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường tại các vị trí đi xuống các bãi, điểm du lịch. ​

Theo bà Tâm, UBND quận giao các ngành chức năng, UBND các phường phối hợp cùng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà tạo điều kiện và khuyến khích các câu lạc bộ, đội, nhóm, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, hành động bảo vệ môi trường Sơn Trà xanh, sạch; ra quân dọn vệ sinh tại các tuyến, điểm tham quan tại bán đảo Sơn Trà như: chương trình làm sạch Sơn Trà, phát động phong trào dọn rác và các hoạt động tìm hiểu về môi trường thiên nhiên cũng như sự đa đạng sinh học của bán đảo Sơn Trà…

“Nhằm động viên, khích lệ người dân chung tay bảo vệ Sơn Trà, trong thời gian tới, quận chủ trương có phương án phối hợp hỗ trợ về tài chính, khen thưởng, động viên kịp thời để các cá nhân, câu lạc bộ, đội nhóm, Đoàn trường các trường đại học phát động phong trào chung tay bảo vệ Sơn Trà. Bên cạnh đó, UBND quận kêu gọi các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cùng gây quỹ trong cộng đồng nhằm bảo vệ Sơn Trà trong tương lai”, bà Tâm nói.

Bán đảo Sơn Trà rộng khoảng 4.000ha, với sự đa dạng hệ sinh thái động, thực vật quý, hiếm. Theo các nhà nghiên cứu, rừng Sơn Trà được che phủ bởi thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới. Qua thống kê, có gần 1.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật. Sơn Trà là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ, như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu - “Nữ hoàng của các loài linh trưởng” với 300-400 cá thể, lớn nhất trên thế giới trong tự nhiên, sống theo đàn từ 5 đến 10 cá thể và chủ yếu ở độ cao 100-600m.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng.

TRỌNG HUY
 

 

;
;
.
.
.
.
.