"Ba sinh"

.

* Về từ “tam sinh”, chữ Hán nghĩa là “ba sinh”, có người giải thích là ba kiếp sống, nhưng cũng có người nói là ba con vật đem giết để tế thần. Xin cho biết quan điểm của quý báo về điều này? (Trần Thị An, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Vở “Trương Chi, Mỵ Nương” của Nhà hát kịch Hà Nội tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 4 năm 2020. Ảnh: kichhanoi.vn
Vở “Trương Chi, Mỵ Nương” của Nhà hát kịch Hà Nội tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 4 năm 2020. Ảnh: kichhanoi.vn

- Thực ra, đây là hai chữ Hán đồng âm nhưng khác tự dạng (ở chữ “sinh”) nên có nghĩa khác nhau.

Tam sinh (三牲), Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng: “Ba con vật giết đi để tế thần, gồm trâu, dê và lợn”.

Tam sinh (三生), cũng từ điển này giảng: “Tiếng nhà Phật, chỉ ba kiếp sống để trả cho hết duyên nợ”. Tam sinh (ba sinh) chỉ ba kiếp luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác của con người là: Quá khứ, Hiện thực và Vị lai.

Về kiếp luân hồi, tích xưa chép vào đời Đường bên Trung Hoa, có nhà sư Viên Trạch một hôm rủ bạn là Lý Nguyên Thiện cùng đi chơi, gặp một người đàn bà gánh nước, Viên Trạch nói: “Người đàn bàn này đã có mang ba năm đợi tôi vào làm con. Nay đã gặp đây, không thể nào trốn được. Hẹn mười ba năm sau, ta lại sẽ gặp nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu”.

Đêm hôm đó, Viên Trạch mất. Người đàn bà nọ sinh con trai. 13 năm sau, Lý tìm đến nơi đã hẹn, gặp một đứa trẻ chăn trâu hát rằng: “Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn... Thử thân tuy dị, tính thường đồng” (Tinh hồn cũ gửi lại đá ba sinh... Thân này tuy khác nhưng tính vẫn nguyên lành). Lý biết đứa trẻ chăn trâu đó chính là Viên Trạch.

Ở nước ta có thành ngữ “duyên nợ ba sinh”, nghĩa là duyên nợ với nhau trong cả 3 kiếp. Truyện Kiều có câu: Vì chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi. Người vùng Kinh Bắc có câu: Đôi ta duyên bén nghĩa tình/ Kiếp này không phải ba sinh xin đền.

Một trong những chuyện “duyên nợ ba sinh” là mối tình nàng Mỵ Nương và chàng Trương Chi.
Mỵ Nương là cô gái sắc nước hương trời, con quan Thừa tướng. Trương Chi ngày ngày vừa chèo đò, vừa hát trên sông Tiêu Tương, tiếng hát rất hay, khiến Mỵ Nương xao xuyến say mê. Nàng cho gọi anh lái đò lên để xem mặt thì vỡ mộng vì chàng quá xấu xí quê mùa nên không còn tơ tưởng hình bóng chàng nữa.

Trương Chi tủi phận nghèo hèn, buồn chán và đau khổ, không hát nữa. Vắng tiếng hát của chàng, nàng sinh ra sầu não, trông đợi và đổ bệnh. Thừa tướng cho mời các lương y. Một ông thầy khuyên Thừa tướng cho gọi anh lái đò đến, cho rằng Mỵ Nương muốn khỏi được bệnh thì phải uống thuốc do chính tay chàng sắc.

Nghe tin, chàng vui vẻ nhận lời sắc thuốc cứu người nhưng luôn đội nón che mặt. Thừa tướng cũng không cho con gái biết ai là người sắc thuốc. Nàng uống bao nhiêu thang cũng không khỏi, chàng muốn buông bỏ. Một hôm, chàng buồn quá đành hát một câu, nghe câu hát, nàng đột nhiên khỏi bệnh.

Thừa tướng lấy ba lạng vàng trả công cho thầy thuốc và đuổi chàng Trương Chi đi. Chàng buồn rầu quay về bến đò xưa, nghĩ đến thân phận nghèo hèn của mình bèn nhảy xuống sông tự vẫn. Hồn chàng nhập vào một cây bạch đàn. Thừa tướng mua cây quý này, cho tiện gỗ làm một bộ ấm chén. Mỵ Nương mỗi khi cầm đến chén lại thấy bóng hình chàng Trương hiện lên, chèo thuyền và hát.

Đến lúc đó, Mỵ Nương mới nhận ra rằng Trương Chi chính là người tình của mình kiếp trước, kiếp này đến để trả nợ, song nàng bị cuộc sống lầu son gác tía mê hoặc khiến chàng phải đau khổ mà đi tìm cái chết. Nàng khóc, nước mắt rơi vào chén, lập tức hình bóng chàng biến mất. Có lẽ nước mắt của nàng đã an ủi chàng. Chàng Trương ra đi nhưng duyên nợ giữa hai người hẳn phải chờ đến kiếp sau mới trả được...

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.