Chuyện cọp ở Mỹ Sơn

.

Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999, là một điểm du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước khi đến với quê lụa Duy Xuyên. Địa danh Mỹ Sơn còn gắn với những giai thoại và câu chuyện lý thú về cọp.

Gốc đa thờ cúng Bạch Hổ Sơn quân (ảnh trái) và nhà khảo cổ H. Parmentier làm việc quên cả cọp dữ.(Ảnh tư liệu)
Gốc đa thờ cúng Bạch Hổ Sơn quân (ảnh trái) và nhà khảo cổ H. Parmentier làm việc quên cả cọp dữ.(Ảnh tư liệu)

Tương truyền, làng Mỹ Sơn ban đầu có tên gọi Bửu Sơn. Địa danh Mỹ Sơn chỉ xuất hiện từ năm 1803, thời vua Gia Long.

Bạch Hổ Sơn quân

Theo bài viết Kỳ bí dải lụa trắng và ông Bạch Hổ Sơn quân ở làng Mỹ Sơn xưa đăng trên Báo An ninh Thủ đô ngày 12-7-2015, ngày xưa vùng Mỹ Sơn còn hoang vu, rất nhiều cây cối cổ thụ. Một năm nọ, cả làng xôn xao vì chuyện có một con cọp rất lớn, toàn thân trắng toát về làng quấy phá. Đầu tiên, nó bắt và cắn chết vợ một người đàn ông trong làng, sau đó bắt rất nhiều trâu, bò, lợn, gà... Nơi cọp trắng hay lui tới nhất là miếu Thổ, bên cạnh có một cây đa rất lớn.

Vì sợ cọp trắng làm hại nên mọi người mời một ông thầy về cúng ngay chỗ miếu Thổ để trấn yểm. Về sau, cọp trắng được phong danh hiệu “Bạch Hổ Sơn quân” để thể hiện sự kính trọng. Từ đó, mỗi năm làng Mỹ Sơn đều tổ chức cúng ông cọp trắng, đặc biệt trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có một cái đầu heo sống.

Cứ năm nào ông cọp trắng về lấy đi cái đầu heo thì trong cả năm ông không quấy phá, người dân vào rừng vào núi săn bắt được nhiều mà không sợ bị các loài thú dữ làm hại. Ngược lại, năm nào ông không lấy đi cái đầu heo, không lấy chân chấm vào chén mực để lại dấu vết thì năm đó người dân bị các loài thú dữ quấy phá, gặp nhiều chuyện chẳng lành, bệnh tật.

Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, ngôi miếu Thổ giờ không còn nữa nhưng tại đây vẫn còn một cây đa cổ thụ rất lớn, nơi thờ cúng Bạch Hổ Sơn quân oai linh một thời. Dân làng kể, lúc đầu cây đa mọc từ mái miếu, do có một con chim kỳ lạ, khá lớn, bay tới nhả hạt đa lên mái miếu. Miếu Thổ khi ấy tương đối nhỏ, thấp. Dần dà, khi cây đa đã phát triển lớn, rễ cây đâm thủng mái miếu mọc xuống đất.

Gắn với oai danh của Bạch Hổ Sơn quân nên cây đa này rất linh thiêng. Người dân địa phương truyền tụng, do cây đa có nhiều cành đường nét, hình dáng khá đẹp, ấn tượng, vừa vặn nên người trong làng muốn chặt về làm vật dụng gì đó. Nhưng ai muốn chặt cành nào là phải cầu cúng Bạch Hổ Sơn quân cẩn thận, rồi xin phép người giữ miếu, các trưởng họ mới được chặt. Đã có người đàn ông nọ lúc đầu cúng xin chặt 7 cành đa, mà gian lận chặt thêm cành thứ 8, thế là cái rựa của ông ta bị văng tít xuống mương cách đó cả trăm mét, còn người thì ngã dúi dụi xuống đất!?

Nhà khảo cổ miệt mài làm việc quên cả cọp dữ

Đến đầu thế kỷ XX, rừng rậm vẫn còn bao phủ toàn bộ khu đền tháp Mỹ Sơn. Di tích Champa nổi tiếng này đã bị quên lãng sau nhiều thế kỷ và chỉ được khám phá bởi một người Pháp tên là Camille Paris, vào năm 1898.

Cuối năm 1902, Tổng Thư ký trong Phủ Toàn quyền Đông Dương ban hành một sắc lệnh với điều khoản ghi “với một số tiền 1.500 đồng, giao cho ông Henri Parmentier, người có trách nhiệm dùng số tiền trên đúng vào mục đích khai quật khảo cổ di tích Mỹ Sơn ở Trung Việt Nam”.

Ngày 11-3-1903, hai nhà khảo cổ Henri Parmentier và Charles Carpeaux đến Mỹ Sơn trong điều kiện vô cùng gian khó: không đường sá, phương tiện là dùng ngựa và phải đi bộ nhiều đoạn. Đi cùng các ông là công nhân và dân địa phương trong vùng được Parmentier mướn để phá rừng, khuân vác, khiêng các đống gạch đổ nát...

Một nhà tạm bằng gỗ được dựng lên để Parmentier và Carpeaux cư ngụ trong thời gian nghiên cứu, khai quật và thống kê các di tích. Nhà được bao bọc chung quanh bởi một hàng rào 4 mét cao bảo vệ họ khỏi bị “On Cop” (Ông Cọp) tấn công. Với căn nhà gỗ này, cả hai không bị buộc quay về thung lũng trước giờ chạng vạng - giờ mà cọp đặc biệt ưa thích săn mồi.

Thế nhưng, họ luôn nơm nớp lo sợ chúa sơn lâm xuất hiện bất cứ lúc nào. Nhật ký của Carpeaux ngày 18-6-1903 ghi lại: “Người trông coi đất của chúng tôi bị con cọp ăn mất tối hôm qua, vào lúc 7 giờ rưỡi, trong một rừng cau nhỏ mà chúng tôi dùng để làm khu chuồng ngựa. Nghe tiếng động ở trong rừng, ông ta tưởng là do một con trâu đi lạc, nhưng gặp phải một con cọp nhảy tới vồ ông ở cổ họng và lôi ông ấy đi”.

Những đền tháp ở Mỹ Sơn nằm rải rác trong một chu vi khá lớn, thuộc một thung lũng được bao quanh bởi núi và cách xa nơi có dân sinh sống. Cái nóng ngột ngạt, khí hậu độc hại, nhất là cọp dữ đe dọa, đã làm nhiều công nhân mệt mỏi, một số người bỏ đi. Ngay cả nhà khảo cổ Charles Carpeaux, hễ có dịp là ông đi về Đà Nẵng nghỉ dưỡng, hoặc lấy cớ về lấy tiền thêm để trả lương công nhân.

Chỉ có Henri Parmentier thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn, cô độc và bám trụ ở Mỹ Sơn đến cùng. Quên cả cọp dữ chung quanh, vào những ngày Giáng sinh, Tết, khi mọi cộng sự đi hết, ông vẫn miệt mài cắm cúi viết và vẽ chi tiết từng tháp, bia ký..., ký hiệu bằng mẫu tự Latinh.

Công việc của nhà khảo cổ Parmentier tại Mỹ Sơn rất vất vả, kéo dài đến ngày 3-2-1904, khi ông cơ bản hoàn tất công tác khảo cổ, thống kê, vẽ họa đồ các tháp, phù điêu, ghi chú các bia ký… Công trình này được xuất bản năm 1909 với tựa đề “Inventaire des monuments Cam de l’Annam”, đến ngày nay vẫn là sách tham khảo quan trọng và chuẩn hàng đầu của các nhà nghiên cứu về văn minh Champa.

Bảo tàng Guimet (Pháp) hiện lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng của hai nhà khảo cổ Henri Parmentier và Charles Carpeaux. Năm 2005, Bảo tàng này ra mắt ấn bản “Missions archéologiques francaise au Vietnam - Les monuments du Champa: Photographies et intinéraires 1902-1904”, trong đó cho biết nhiều chi tiết khá lý thú về cuộc khai quật ở Mỹ Sơn (1903-1904). Đây là thành tựu của hai nhà khảo cổ đã miệt mài làm việc quên cả cọp dữ.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích