Đà Nẵng cuối tuần
Thương mụt măng vòi
Cơn mưa đêm qua khiến con đường làng sáng nay phủ đầy ngọn tre màu vàng úa. Mặt trời từ bên kia sông đã nhô cao, xuyên qua ngọn tre cong vòng, thả xuống vạt nắng bồng bềnh trên con đường ẩm ướt. Rặng tre xanh ngắt, mang theo giọt mưa trong vắt, vì ngọn gió sông đưa lại mà giật mình rớt lộp độp trên con đường đầy đá cuội. Nắng ban mai thật nhẹ nên chẳng thể xua đi sự ẩm ướt đầu ngày. Mùa này có mưa, đám măng vòi mọc trên mắt tre cũng mập ú, ngọt lịm. Nếu không có người bẻ xuống, chúng sẽ nhanh chóng già đi, thành những cành nhánh lùm xùm như thành lũy, bao quanh thân tre đầy che chở.
Măng vòi là loại măng tre nhỏ, thường có ở hàng rào tre hoặc trong bụi tre. Ảnh: T.Y |
Lũ trẻ con đã đến trường làng, nên rặng tre dọc triền sông quê cũng vắng tiếng nói cười khúc khích. Đám măng vòi vắng bàn tay người hái, thi nhau vươn dài trong nắng sớm. Nhớ những buổi trưa năm cũ, vạt tre cũng xanh um như bây giờ. Những buổi trưa nắng vàng ươm màu mật, cả đám trẻ con thường trốn ngủ, rong chơi dưới rặng tre già. Bọn mình thường luồn lách dưới những khóm tre, hái xuống đám măng vòi rồi bày đủ thứ trò chơi. Có lúc sơ ý, bị gai tre kéo rách lưng vạt áo đã sờn cũ là chuyện thường.
Măng vòi hái xuống, tụi mình chỉ chọn những mụt bé xíu, dài ngoằng rồi lột đi lớp vỏ, sau đó quay vòng vòng trong gió trưa xào xạc. Cả đám túm tụm, thi xem đứa nào quay măng không gãy và nhanh “tóp”. Trò chơi nhà quê đơn giản thế mà vẫn đủ sức níu kéo tụi mình chơi hoài không biết chán. Chiều tàn, trên đất còn sót lại những mụt măng vòi mập ú, cả bọn ôm đám măng vòi chạy vụt về nhà. Sau lưng, mặt trời đỏ rực như lòng đỏ trứng, đang dần khuất sau rặng núi.
Lắm món ngon dân dã được chế biến từ đám măng vòi ấy nhờ bàn tay khéo léo của mẹ. Hồi ấy nghèo, bụi tre nhà ai mọc được mụt măng đều ráng “nuôi” thành tre để làm bao nhiêu việc, từ cột nhà, đòn tay, phên tre, đến mọi vật dụng như rổ, rá, thúng, mủng, đều nhờ vào thân tre chèo chống. Vậy nên, mấy mụt măng vòi đèo trên mắt tre cũng trở nên có giá. Măng vòi lột bỏ vỏ, rồi thái mỏng phần non, ngâm với muối vài hôm là có thể đem ra nấu canh chua với mớ cá đồng.
Nhưng măng vòi ngon nhất là ngâm măng ớt với đủ vị chua cay mặn ngọt. Lúc này, măng vòi phải luộc chín, sau đó vớt ra để ráo. Mẹ ra vườn hái một nắm ớt chín đỏ, bỏ thêm mấy củ tỏi vào cối đá nơi góc nhà, giã thật nhuyễn, thêm chút đường, muối, sau đó cho măng vào trộn thật đều rồi bỏ vào hủ sành, phía trên đặt thêm liếp phên tre rồi nén thật chặt bằng hòn đá cuội. Măng ớt sau vài ngày ủ kín thì lên men, ăn ghém với thịt heo, bún, mì phở hay mang nấu canh, kho cá đều ngon hết sảy.
Mình nhớ những ngày mưa bay bay, buổi chiều đi học về, bụng đói lép xẹp, chạy ù vô bếp, mở nắp chiếc nồi đất đỏ au vùi bên bếp lửa vẫn còn âm ấm. Mùi cá đồng kho măng ớt xộc vào mũi thơm lừng. Chén cơm nóng hổi ăn với cá kho măng cay xé lưỡi, ăn đến đâu mồ hôi rớt xuống đầm đìa, vậy mà ngon không tả hết. Bữa cơm nhà quê, đôi khi chỉ cần một đĩa cá kho măng, nêm thêm vài cọng lá ném trồng trên rẫy thơm lừng, vậy mà dư sức khiến nồi cơm rột rạt cạn đáy.
Mỗi lần đi xa trở về, mình vẫn luôn muốn sà vào góc bếp đượm mùi củi lửa của mẹ. Mở vung nồi cá kho măng ớt cay xè, ăn chén cơm nóng còn thơm mùi lúa mẹ mới xay, lắng nghe vị quê ngọt lành thấm đẫm trên đầu lưỡi. Chợt nhận ra những món ăn dân dã nơi quê nhà vậy mà luôn đủ sức gây thương nhớ, níu kéo bước chân người xa xứ trở về nhà.
TỬ YÊN