Độc đáo kiến trúc nhà trình tường ở Lai Châu

.

Ở vùng cao của tỉnh Lai Châu, người Mông sống trên đỉnh núi, người Dao lưng chừng đồi và người Thái ở chân núi. Có lẽ vậy mà nhà trình tường của đồng bào dân tộc Mông có nhiều nét kiến trúc độc đáo với mục đích sưởi ấm trong mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Những ngôi nhà trình tường ở bản Pa Chi Ô, xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được điểm tô bởi những cây hoa mận nở trắng xóa trước sân nhà. Ảnh: Đ.H.L
Những ngôi nhà trình tường ở bản Pa Chi Ô, xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được điểm tô bởi những cây hoa mận nở trắng xóa trước sân nhà. Ảnh: Đ.H.L

Cuộc sống hiện đại đang dần len lỏi vào các thôn, bản nên nhà trình tường cũng bắt đầu thưa dần, thay vào đó là những ngôi nhà làm bằng gỗ, lợp mái tôn phi-brô xi-măng. Muốn nhìn thấy nhà trình tường, du khách phải vào tận sâu trong bản, đi qua những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, có dốc dựng đứng và hiểm trở. Khi đó, bạn mới có dịp trải nghiệm rõ hơn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Mông dưới ngôi nhà truyền thống.

1. Từ trung tâm thị trấn Sìn Hồ, để  có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ những ngôi nhà trình tường của vài chục hộ đồng bào người Mông ở bản Pa Chi Ô, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ nằm cheo leo trên đỉnh núi, chúng tôi phải đi qua nhiều bản, vượt nhiều đoạn đường đất đá lởm chởm với dốc dựng đứng. Trước đây, bản Pa Chi Ô có rất nhiều người Mông sinh sống nhưng sau đó họ di dời về vùng đất mới để tránh sạt lở nên ở khu vực này hiện chỉ còn khoảng vài chục nóc nhà.

Vẻ đẹp mộc mạc của ngôi nhà trình tường không chỉ làm bằng đất với 3 gian rộng lớn mà còn được điểm tô bởi những cây mận già cỗi, nở hoa trắng muốt trước cổng nhà, hay trước sân, sau vườn. Bên cạnh đó, người dân xếp những viên đá chồng lên nhau làm hàng rào, ngay hàng thẳng lối, tạo nên vẻ đẹp riêng có của vùng Tây Bắc.

Tuy được làm từ vật liệu chính là đất sét nhưng mỗi dân tộc đều có cách làm nhà trình tường khác nhau. Loại đất được người Mông chọn làm nhà là đất sét đỏ, mịn, có độ kết dính cao, không lẫn cát, sỏi.  Đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, sau đó dùng chày gỗ giã cho đến khi nào đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ nẹp mà không rơi ra. Mỗi lần giã là 1 tầng khuôn và cứ thế tiếp tục lên tầng khuôn thứ 2, 3, 4… cho đến khi ngôi nhà hoàn thiện.

Ngôi nhà của người Mông trung bình có chiều cao 4 - 5m, diện tích 60 - 80m2 với lớp tường dày 40 - 60cm. Sau khi đất tường nhà khô sẽ chuyển sang màu vàng tươi rồi sẫm lại dần theo mưa nắng. Do đó, nhìn màu của bức tường, người ta có thể đoán được tuổi thọ của ngôi nhà. Đặc biệt các xã nằm gần biên giới Việt - Trung của huyện Phong Thổ như Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San... còn lưu giữ rất nhiều nhà trình tường rất đẹp của đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì, bởi nơi đây có nhiều loại đất sét đỏ phù hợp cho việc xây nhà.

Mỗi ngôi nhà người Mông đều có bức tường đá bao quanh. Hàng rào đá được dựng lên từ những viên đá do người dân lượm nhặt về xếp chồng lên nhau. Chẳng cần chất kết dính hay gọt dũa, những bức tường vẫn vững chãi, kiên cố. Tường rào đá cao gần 1m, thường để phân tách đất nhà với vùng đất nương đồi bên ngoài. Mỗi viên đá dùng để xây dựng lên bức tường có hình thù khác nhau và được xếp một cách ngẫu nhiên, không theo quy định nào tạo nên khối kiến trúc rất độc đáo và thú vị.

2. Cũng giống như nhà người Mông, nhà trình tường của người Hà Nhì ở xã Dào San, huyện Phong Thổ được xây dựng bằng đất nhưng điểm khác biệt lớn là mỗi ngôi nhà được thiết kế theo hình vuông, bốn mái hình chóp. Người Hà Nhì thường xây cất nhà từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Mỗi ngôi nhà thường rộng 60 - 80m2 vuông vức nhưng tường đã dày đến 40 - 60cm với chiều cao 4 - 5m. Ở chính giữa là cổng “tò vò” vào nhà chính, bên hông có thể mở lối phụ ra chuồng trâu, bò nằm kế bên.

Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, người Hà Nhì bắt đầu đào móng. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng phẳng, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như cách đổ bê-tông. Nền nhà được san phẳng với móng được xếp bằng trên những viên đá to. Công đoạn công phu nhất là trình tường nhà, hầu như người đàn ông Hà Nhì nào cũng biết trình tường. Đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, sau đó cầm chầy gỗ giã cho đến khi nào đất kết dính. Cứ sau một lượt tầng, người thợ lại lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong và phía ngoài cho mặt tường phẳng và mịn.

Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, không hề có xi-măng, cát sỏi. Trải qua ròng rã hằng tháng trời nẹp, giã đất với 5-6 tầng ván khuôn thì ngôi nhà trình tường thành hình. Trình xong tường là lúc cố định ngôi nhà bằng cột nhà, xà ngang. Trước đây, nhà trình tường được lợp mái bằng cỏ tranh, nhưng nay người dân đã sử dụng lợp ngói hoặc phi-brô xi-măng để phù hợp với khí hậu thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Những ngôi nhà trình tường giúp người dân vùng cao ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Bởi vậy, không chỉ đồng bào người Mông mà cả người Dao, người Hà Nhì đều sống trong những ngôi nhà trình tường như vậy.

Dưới cái nắng hè, những ngôi nhà trình tường trở nên vàng rực nhưng khi đông về, lại khoác lên mình vẻ màu u tịch của màn sương bao phủ. Điều ấn tượng là trước mỗi sân nhà hoặc bên trái ngôi nhà luôn luôn có chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà... Các loại vật nuôi thường xuyên đi lại trong sân càng làm cho bức tranh cuộc sống miền sơn cước thêm sinh động.

Đặc biệt, lên đây vào tháng ba, những vạt hoa cải, hoa cỏ hôi cùng hoa đào, hoa mận nở xen kẻ trong vườn, ngoài sân và trên lưng đồi tô điểm thêm vẻ đẹp hoang sơ, giản dị, cổ kính của những ngôi nhà trình tường ẩn chứa bên trong những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa xa xưa..

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.