Đà Nẵng cuối tuần
Nơi bình yên chim hót
Mi ngồi nơi chiếc ghế màu xanh lục đặt dưới gốc giáng châu trong vườn, thích thú ngắm nhìn những giọt nắng đang len qua tán lá xanh rì rồi chảy tràn trên mặt đất. Cha bảo, cây giáng châu được ông nội trồng từ hồi xưa, đến bây giờ ước chừng phải hơn trăm tuổi. Cái hồi khó khăn, má mấy lần định chặt bỏ nó để trồng thứ cây ăn trái khác. Một vài gốc bưởi, hay đôi ba bụi chuối còn có giá trị kinh tế hơn cái thứ quả chua chua ngọt ngọt chẳng mấy người ưng.
Nhưng cha tiếc cái bóng xanh um mát rượi ấy, nên không nỡ chặt bỏ. “Nhờ vậy mà bây giờ mỗi năm đến mùa quả chín, cha kiếm bộn tiền từ nó nhỉ?”. Mi nói khi thấy cha thủng thẳng nhấp tách trà, rồi thủng thẳng kể lại chuyện cũ. Những câu chuyện mà Mi nghe đi nghe lại đến thuộc lòng, nhưng lần nào cũng ngồi bên cha nghe chăm chú, lâu lâu lại đưa ra vài lời bình luận khiến cha cười vui vẻ. Tiếng cười trầm đục của ông già đã ngoài bảy mươi cứ thế rơi lóc cóc trong khu vườn đầy nắng và rộn rã tiếng chim.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
“Cái bà già này, đã bảo để lát nữa tôi làm cho mà đâu có chịu nghe”. Cha lật đật bỏ xuống tách trà còn đang uống dở rồi đi về phía má đang chặt mấy nhánh củi khô trong vườn. Làn khói xam xám từ tách trà bốc lên, mang theo hương hoa mộc thơm ngát. Vườn nhà được cha trồng rất nhiều hoa. Sớm mai, chỉ cần bước chân ra vườn là nghe hương hoa thoang thoảng ngọt lịm vấn vít trong làn gió sớm. Mi nhắm mắt, hít hà mùi hương luẩn quẩn quanh mình. Hương nguyệt quế dìu dịu đầy quyến rũ, hương hoa lài thanh mát dễ chịu, hương hoa mộc ngọt ngào. Sáng nào má cũng ra vườn hái một nhúm hoa, thả vào bình trà của cha. Cái thói quen ấy ước chừng đã kéo dài mấy chục năm nay không đổi.
Mi thích ngồi nhìn má chậm rãi pha tra, rồi rót cho cha một chén đầu tiên. Cha bưng tách trà đưa lên mũi, cảm nhận mùi hương thơm ngát rồi mới chậm rãi nhấp một ngụm. “Sáng nay bà pha trà hoa mộc”, cha đắc ý nói.
Má nhìn cha cười vui vẻ rồi gật đầu. Sợi tóc bạc trắng theo cái gật đầu của má mà rớt xuống, lòa xòa trước trán. Cha đưa tay qua, giúp má vuốt vuốt sợi tóc mái rồi kéo nó nhét gọn sau vành tai. Cái động tác gọn gàng, thuần thục, tựa như cha đã làm cả ti tỉ lần.
Mi ngồi bên, nhìn hai người trò chuyện rồi cười ngây ngốc. Đôi khi má thấy bực vì nụ cười ngớ ngẩn của con gái. Bà đánh vào đầu Mi rồi gắt gỏng: “Nhanh nhanh kiếm thằng nào đó, rồi dẫn về đây cho má”. Mi nhìn cha đầy vẻ oan uổng. “Người ta chứ có phải bó rau ngoài chợ đâu, mà chỉ cần đưa tiền là có thể xách về bỏ trong bếp cho má?”, Mi rầm rì.
“Bà cứ hối mãi, lỡ nó chọn đại, rồi về sống với nhau không hợp có phải khổ không? Chọn người sống với mình cả đời, nên không phải vội, cứ lắng nghe trái tim mình là được con ạ. Nhưng mà lỡ chọn sai cũng không sao. Mình cứ túc tắc mà chọn lại thôi. Đừng nghe má tụi bây xúi bậy”. Cha nhìn Mi nháy mắt. Đôi mắt nhăn nheo của tuổi già cứ lấp la lấp lánh.
“Sao mỗi lần tui dạy con, ông cứ nhảy vào, rồi bắc thang cho nó leo thế hả? Ông coi chừng phải nuôi con gái cả đời đấy”. Má gắt lên rồi bực bội bỏ vào bếp. Bữa sáng còn chưa nấu xong đâu. “Con đi làm có tiền chứ bộ. Nhiều tiền nữa là đằng khác”. Mi nhìn cha đắc ý. “Má mà cứ giục con lấy chồng miết, cuối tuần con ở luôn dưới phố để hẹn hò. Xem vắng con, má có buồn không cho biết”. Mi nói vọng vào với cái lưng của má trong bếp.
Nhà Mi đông anh em, nhưng anh chị Mi đều lập nghiệp xa quê. Khoảng cách cả ngàn cây số khiến gia đình các anh chị chỉ sắp xếp về thăm nhà mỗi khi Tết đến. Mi đi làm dưới thành phố, nên cũng chỉ cuối tuần mới tranh thủ chạy về nhà. Căn nhà ba gian ở quê rộng rãi với khu vườn xanh mướt bao giờ cũng khiến lòng Mi bình an, nhẹ nhõm. Mỗi lần Mi thấy căng thẳng, áp lực vì công việc, hay đôi khi vì chuyện tình cảm không như ý, Mi chỉ cần chạy về đây, không phải để vùi vào lòng má than thở, hay để cha an ủi đôi câu, Mi chỉ cần ngồi tĩnh lặng ngoài vườn, ngắm bóng nắng tràn trên tán cây, nghe lũ chim trong vườn hót líu ríu và để gió mơn man thổi bay mọi ưu phiền. Vào buổi sáng, lũ chim thường kéo về trên cây rất đông, chúng ồn ào không thể tả. Có lần Mi phàn nàn với cha về lũ chim, chúng quá ồn ào. Nhưng cha bảo, nhờ vậy khu vườn mới có sức sống hẳn.
Mi nằm dài trên ghế, úp cuốn sách đọc dở lên mặt, để tai thảnh thơi nghe tiếng chim đang líu ríu trong vườn. Tiếng ông bà già đang ngồi dưới gốc nhãn lồng chặt mấy nhánh củi khô, vừa rủ rỉ. “Nè bà, cái áo rách một đường sau lưng rồi nè, bộ bà không thấy sao mà còn mặc vậy. Chút thay ra tui khâu lại cho”. “Thôi đi ông. Bữa ông khâu kiểu gì mà tui mặc ra chợ, người ta cười quá chừng. Họ bảo thời bây giờ mà còn mặc áo vá”. “Tại người ta không có mắt nhìn đó bà ơi. Rõ ràng tôi đắp lên áo bà cái hình hoa mai chứ vá hồi nào. Hôm đó, tui tìm không ra cái mắt kiếng, nên chắc đường may không có đẹp. Chứ mấy chục năm nay, ai vá áo cho bà mặc, để giờ bà chê”. “Tui chê hồi nào. Mà tụi nhỏ sắm quá trời đồ mới trong nhà. Áo rách thì bỏ đi, còn mặc áo mới. Chứ mai mốt chết, tụi nó “hóa vàng” hết thì uổng. Ông không tiếc nhưng tui tiếc lắm à nghe”. “Phui phủi cái miệng bà. Chết chóc gì ở đây. Con Mi còn chưa có lấy chồng đâu”.
Mi tủm tỉm nằm nghe ông bà già rì rầm nói chuyện. Quẹo một hồi sao lại đến chuyện chồng con của Mi rồi. Mi đưa bàn tay ngược phía ánh mặt trời, hạt đá nhỏ xíu khảm trên chiếc nhẫn phát ra ánh sáng lấp lánh. Hôm trước Phương đi công tác về, ghé chung cư đưa cho Mi bọc chocolate, toàn những vị mà Mi thích. Lúc mở ra, Mi mới biết trong đó còn có hộp nhẫn này. “Thấy đẹp nên mua, cứ đeo đi, không phải ngại”. Phương giành nói trước khi Mi gọi điện thoại định hỏi về chiếc nhẫn. Mi cười tủm tỉm. Còn chưa xác định mối quan hệ đâu. Tặng nhẫn làm gì vậy trời.
Nhớ đợt trước, Mi nhiễm Covid-19, phải tự cách ly ở nhà. Lúc ốm đau mới biết được lòng người. Đó là cha hay nói thế. Mấy đứa bạn cứ trêu, bảo cửa nhà Mi sao cứ mọc ra nhiều thứ thế, từ trái cây, thức ăn, thuốc men, khẩu trang, kit test, không thiếu thứ nào. Mỗi ngày ba bữa, cứ đến giờ uống thuốc là Phương gọi video, chỉ sợ Mi uống nhầm thuốc. Trời đất, Mi có phải con nít đâu, với lại đã được tiêm hai mũi vắc-xin, nên Mi chỉ cảm thấy như cảm cúm bình thường. Nếu hôm đó đi họp, không bị bắt buộc phải test trước khi vào phòng, chắc Mi còn không biết mình đã lên hai vạch. Nhưng vụ hay uống thừa hoặc thiếu thuốc thi thoảng vẫn xảy ra. Cái này chắc Mi giống má. Mỗi bận má bệnh, cha lúc nào cũng chầu chực bên giường. Tới bữa uống thuốc, cha tự động lấy thuốc, cẩn thận rót cho má ly nước ấm. “Để má mày tự uống, thế nào uống hết đơn thuốc cũng dư vài viên”, lần nào cha cũng càm ràm, mà Mi chẳng hề thấy chút bực bội nào trên mặt cha.
Nhớ cái lần má nằm viện, cha nhất quyết vào viện cùng để chăm má. Mi nói thế nào cha cũng không chịu về. “Có cha ở bên cạnh, má tụi bây mới vui. Mà bả vui thì mới mau lành bệnh được. Ở đây cơm canh ngày ba bữa người ta đưa đến tận giường, không phải lo”. Rồi cha nhất định xua Mi về nhà ngủ.
Mi từng kể với Phương, mình hâm mộ cuộc hôn nhân của chính cha mẹ mình. Mi hiếm khi thấy ông bà già to tiếng, hay giận nhau. “Trời đất, thương nhau còn không hết, lấy gì giận nhau. Mà giận dỗi, rồi mất công làm lành, mệt lắm”, cha nói thế. “Ủa, rồi lỡ má làm gì sai, cha cũng không giận luôn hả?”. Má đi ngang qua, nghe Mi nói vậy thì dừng lại nạt: “Bậy nghe, mỗi lần tau làm gì sai là tau biết liền nghe bây. Nên tau xin lỗi ổng rồi, thì ông còn giận ai. Mà mỗi lần ổng nổi nóng, là tau đi lơ. Hay tau mà nổi nóng lên là ổng để tau xả một tràng rồi thôi”. Mi nghe má nói mà thấy có lý quá trời quá đất.
Phương nói, ủa ba mẹ Mi sao giống ba mẹ Phương vậy. Không tin Mi về nhà chơi một bữa là biết liền.
Vậy là Mi đi. Bữa đó, ăn cơm xong, Mi xung phong đi rửa chén. Má Phương chẳng hề khách sáo tẹo nào, gật đầu cái rụp. Lúc loay hoay đứng trong bếp, Mi còn nghe má Phương nói với con trai: “Vào trong phụ bạn rửa chén đi, đừng để bạn làm một mình”. Có nhiêu đó thôi mà Mi thấy má Phương dễ thương quá trời quá đất. Phương nói ở nhà, con trai, con gái gì má cũng bắt làm việc nhà như nhau cả. “Má nói, phải đào tạo con trai cho tốt vậy, mai mốt mới không làm khổ con gái nhà người ta”. Lúc Phương nói câu đó, còn liếc nhìn Mi đầy đắc ý.
“Điện thoại réo quá trời quá đất kìa Mi ơi. Mới sáng mà đã nằm ngủ quên trong vườn là sao?”. Mi nghe tiếng má gọi thì co giò chạy vào nhà. Là cuộc gọi nhỡ của Phương. Chưa kịp gọi lại thì đã nghe tiếng chuông reo lần nữa. “Chiều nay trời trở lạnh đó. Mi về nhà có mang theo áo ấm không? Đừng để bị lạnh”. Mi gật đầu, bảo có. Mà nếu không có thì Mi mặc áo của má. Mi cười vì Phương toàn lo những chuyện không đâu, giống như bao nhiêu lần trước đây, khi biết Mi đi công tác đều gọi điện nhắc chừng Mi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ. Có lần Mi kể với Phương là đang đi cà phê với bạn. Hôm đó, trời đang nắng thì mây kéo về rồi mưa như trút. Phương gọi điện hỏi Mi có mang theo áo mưa không. Mi nói có. Chị bạn Mi đùa, bảo giờ đàn ông biết quan tâm săn sóc người khác vẫn còn sao. Mi thì bảo, chẳng lẽ nếu Mi bảo không mang theo áo mưa thì Phương sẽ mang đến? Gì mà mất công dữ vậy, chỉ cần ghé tiệm tạp hóa bên đường mua cái áo mưa tiện lợi là được mà. Nói thì nói vậy, nhưng trong lòng Mi vẫn thấy vui.
Ngày cuối tuần loáng một cái là hết veo. Mi uể oải dắt xe ra cửa khi nắng chiều đã đổ dài nơi liếp cửa. Má gói đủ thứ rau trái treo đầy trên xe. “Má ơi, con có tiền mà, không cần gói gém đủ thứ vậy đâu, cuối tuần con lại về với má rồi”. “Đây toàn là đồ sạch trong vườn. Mấy thứ bây mua ngoài chợ sao mà bì được”. Má nói xong còn tặc lưỡi: “Biết lúc nào bây mới đi một về hai cho tau mừng”. Mi cười tủm tỉm, nhớ Phương cứ nằng nặc đòi về quê Mi chơi. Mi nghĩ, để đợt nào dẫn Phương về, chắc má hết hồn. Chiều đã muộn, mà lũ chim sâu vẫn còn nhảy nhót sau hè. Mi đưa tay vẫy vẫy lũ chim trên cây rồi nổ máy, mặc kệ con Vàng đang chạy theo phía sau, và cả tiếng má gọi con Vàng quay vào nhà.
LÊ HÀ