Đà Nẵng cuối tuần
Đường chuyền làm khản giọng
Đừng bảo đó là bóng đá mà phải gọi đó là nghệ thuật! Một khán giả theo dõi trận lượt về vòng tứ kết Champions League giữa Real Madrid và Chelsea rạng sáng 13-4 (giờ Việt Nam) đã thốt lên như thế sau lúc chứng kiến đường chuyền của Luka Modric đưa bóng đến chân Rodrygo để chân sút này ghi bàn thu ngắn cách biệt 1-3 cho đội chủ nhà. Cú vẩy đầy ngẫu hứng bằng má ngoài chân phải từ ngoài khu vực 16,50 mét của chàng tiền vệ 36 tuổi giữa vòng vây phòng thủ trùng trùng các chiếc áo vàng Chelsea đã đặt bóng gọn ghẽ vào đà lao xuống của đồng đội.
Pha sút nối quyết đoán của Rodrygo khiến thủ thành đội khách bó tay. Bàn thắng quý giá ở phút thứ 80 đưa trận đấu vào hai hiệp phụ (tổng tỷ số hai lượt bấy giờ là 4-4) và mở ra bước ngoặt dẫn đến chiến thắng chung cuộc của đội chủ nhà. Karim Bezema - bằng pha đánh đầu sắc gọn ở phút 96 từ đường tạt bóng của đồng đội - đã nâng tổng tỷ số hai lượt đấu lên 5-4 đồng thời mang chiếc vé bán kết về tay Real Madrid.
Luka Modric với cú vẩy má ngoài đẳng cấp để Rodrygo ghi bàn ở phút 80 trong trận tứ kết lượt về với Chelsea. Ảnh: Getty Images |
Người Madrid gọi đó là đêm diệu kỳ với chiến thắng cuối cùng giàu kịch tính sau gần hai giờ thót tim chứng kiến đội nhà vượt qua nghịch cảnh. Khác với cảnh vật vờ ở lượt đi trên sân nhà Stamford Bridge khi dễ dàng thất bại với tỷ số 1-3, Chelsea chơi thanh thoát, hiệu quả trên sân khách ngay từ đầu và dẫn trước một mạch 3-0 với các pha ghi bàn lần lượt của Mason Mount, Antonio Rudiger, Timo Werner. Nếu giữ nguyên tỷ số này, đại biểu của thành phố London sẽ tạo cơn địa chấn lớn ngay tại Bernabeu huyền thoại: đánh bật người khổng lồ Real Madrid sau khi bị dẫn đến hai bàn cách biệt ở lượt đi. Họ có lúc tiến gần đến bàn thắng thứ tư nếu các chân sút biết nắn nót. Nhưng rồi xuất hiện cú vẩy má kỳ ảo kia của chàng tiền vệ chủ nhà. Đường bóng uốn lượn từ cú vung chân điệu nghệ của chủ nhân Quả bóng vàng 2018 thêm một lần minh chứng phẩm chất diệu kỳ của sân cỏ: Đôi khi kết cuộc một trận đấu, số phận một giải đấu lại lệ thuộc vào một pha bóng đơn lẻ xuất thần, được quyết định bằng một tình huống ngẫu hứng ít người ngờ tới.
Thật thú vị với công chúng khi chứng kiến những khoảnh khắc kỳ ảo ấy. Đừng ngạc nhiên khi có người hò reo bộc phát hết mực, đến nỗi quên rằng mình đang trò chuyện với đám đông vốn đòi hỏi sự kiềm chế, công tâm. Rio Ferdinand - cựu tuyển thủ Anh tham gia bình luận trực tiếp trận đấu - bảo rằng nỗi hưng phấn trước vẻ đẹp của đường chuyền từ chân Modric đã khiến anh khản giọng - thậm chí có lúc mất giọng - vì la hét tán dương: “Hết sức độc đáo và kỳ ảo, tôi gọi tên cậu ấy nhiều lần một cách vô thức”. Đồng cảm với nhận xét của một khán giả rằng đường chuyền giàu mỹ cảm, Rio đề xuất nên đưa khoảnh khắc ấy vào bảo tàng nghệ thuật.
Cả Joe Cole lẫn Steve McManaman-hai đồng đội một thời của Rio Ferdinand ở đội tuyển Anh - cũng xếp đường chuyền ấy vào dạng siêu đẳng, được tạo nên bởi các cầu thủ hàng đầu. Trong mắt họ, dù tuổi tác ngày càng cao song Modric không hề suy suyễn phong độ và đẳng cấp, vẫn đảm đương xuất sắc vai trò đầu tàu và dẫn dắt thế trận của Real Madrid thi đấu hiệu quả trên mọi đấu trường.
Nhẹ nhàng và từ tốn, Modric gọi cuộc vượt thoát ở Bernabeu là một trong những đêm ngọt ngào của sự nghiệp và rằng các đóng góp thăng hoa của mình đều bắt nguồn từ nhiệt tình và sự cổ vũ hết lòng của khán giả: “Họ khiến chúng tôi tự tin dù trong thế bất lợi để chiến đấu ngoan cường đến phút cuối. Không gì vui hơn khi cuối cùng lại nhìn thấy họ cười”.
Và cả khi nhìn họ hò reo hoan hỉ đến khản giọng nữa chứ. Chàng trai Croatia có lẽ chưa hay biết có người đàn anh ngưỡng mộ các đường chuyền của mình đến mức đắm say.
ĐÌNH XÊ