Đà Nẵng cuối tuần
Nhớ một mùa chuôm
Mùa đặt chuôm không chỉ đến vào những tháng cuối năm, khi những con nước tràn đồng mang theo về nhiều tôm cá. Mùa đặt chuôm của tụi con nít quê vui như trẩy hội vào những tuần chớm hạ nắng trải mật vàng…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Làng tôi ở vùng trung du, núi sông xen kẽ, biền bãi trập trùng. Cũng như bao lũ trẻ quê khác, bọn con nít xóm tôi sau mỗi giờ học thường bày đủ trò, kẹp nách nhau tỏa đi muôn hướng. Con gái ra đồng cắt cỏ hái hoa; con trai ra bụi bờ, đầm ao rúc rích, khám phá.
Nhớ có đợt tôi theo chân mấy đứa con bà Tám đi chặt củi, gom nè để đặt chuôm cho tôm cá. Nè là những nhánh cây, ngọn cây um tùm, nhiều cành lá. Vì rậm rạp, ken dày những gai nhánh nên là nơi trú ẩn, ngôi nhà an toàn cho các loài thủy sinh. Còn củi, đó chỉ là những bó củi tạp được gom lại từ vài loài cây bụi trong khu vườn hoang gần nhà.
Chớm hạ, một vài giống tôm càng vào mùa đẻ trứng, cá bống thệ, bống cát, bống đá, cá mại, cá cấn, cá sơn từ thượng nguồn cũng bắt đầu tìm nơi nước mát hơn mà dạt về…
Để đánh bắt được nhiều tôm, cá tươi ngon, hẳn bọn con trai phải cẩn thận thám thính “địa hình địa vật” vài lần. Đó phải là nơi có dòng chảy êm đềm, đáy lưng chừng sâu, nước trong, là nơi tụ hợp của những ổ rong đuôi chồn, rong đuôi chó mềm mại, đung đưa như nhịp mái chèo.
Sau khi chọn địa điểm, những bó củi, nhánh nè lần lượt được thả xuống. Bầy tôm cá vì tò mò nên cùng nhau trốn tìm, lấp ló chuyển dần sang nơi ở mới. Khoảng một tuần đến mười ngày sau, chuôm được kéo lên bờ, chỉ cần rủ nhẹ, chuôm sẽ thả xuống thau chậu tanh tách những cá, tôm…
Bến sông quê vào mùa hạ luôn đông vui như hội, chủ yếu là nơi tụ tập của những tụm nhóm trẻ con. Bọn con gái nghịch cát, xây nhà, bắt ốc, mò hến ở chỗ nước cạn. Bọn con trai không ngừng bơi lội, lặn ngụp như những chú rái cá tinh nghịch ở vùng nước sâu hơn.
Mùa này, mấy đứa con trai thường một công đôi ba việc. Chúng vừa đi tắm, vừa đơm cá, mấy đứa lớn còn tranh thủ bơi qua bờ đối diện hái thêm từng bao lớn rong mái chèo đem về làm thức ăn cho lợn.
Rong mái chèo thường mọc thành cụm ở những vùng nước trong, có độ sâu vài mét. Từ đáy, những lá rong thuôn dài luôn chĩa ngọn lên mặt nước để hứng được thật nhiều ánh sáng. Mỗi khi vớt lên, từng khóm rong được bọn trẻ thả bừa trên bờ cỏ cho ráo bớt nước. Dưới ánh mặt trời, cụm rong mái chèo ánh lên một màu xanh óng ả. Nếu ai đó vô tình giẫm nhẹ, rong gãy vỡ, phát ra tiếng rào rạo giòn tan…
Ngược với ký ức cách đây mươi năm trước, hồi đó, trẻ con đứa nào cũng đen nhẻm, chân tay loẻo khoẻo, đẹt gầy, được cái luôn vô tư và tràn đầy năng lượng. Hễ ngày nào không được lội đồng, nghịch cát, tắm sông là dễ đổ đau như chơi.
Những ngày trong năm học, các cuộc chơi còn được hạn chế để dành thời gian cho việc đến trường; còn khi ve kêu, phượng rụng, trường lớp nghỉ hè thì hầu như chẳng còn đứa nào thèm đoái hoài gì đến sách vở, chuyện học hành. Từ sáng đến trưa, trưa đến tối, bọn nhỏ luôn tụm năm tụm ba ở ngoài vườn, ngoài bến, ngoài đồng.
Tôi nhớ như in, vào một trưa hè trốn ngủ, tụi nhóc trong xóm hò nhau chặt cây chuối để kết thành một chiếc bè siêu to. Đứa này dồn sức cắt đôi, cắt ba mấy thân cây chuối dài 4-5m; đứa khác chặt tre, đẽo gọt làm cọc nêm; đứa khác nữa lui cui đi tìm dây leo, loại cây mọc đầy chốn bờ rào rồi vặt trụi lá, chẻ ra làm dây chằng buộc bè. Giữa trưa nắng, mặc kệ tiếng mẹ la mắng, mặc kệ tiếng gà óc eo từ xa vọng lại báo đã trễ thời gian, chúng tôi đứa nào đứa nấy mướt mồ hôi nhưng vẫn chăm chú những mong hoàn thiện “đại công trình”. Sau khi làm xong, hì hục, lê lết một lúc rất lâu, cả bọn mới kéo được chiếc bè xuống tận bến sông, nhưng hỡi ôi, cái Tũn hét lên: “Sông hôm nay chịu rồi, không tắm được”. Ai đó từ làng bên lùa sang một đàn vịt hàng ngàn con, chúng không thôi cạc cạc, bơi trắng cả bến sông…
Bây giờ, mỗi lần trở lại thăm quê, tôi thích nhất là được ngắm ráng chiều rớt xuống trên bờ sông vắng… Trời như được nối vào đất, mây soi bóng xuống mặt sông, không gian khắp nơi thênh thang. Những niềm vui, nỗi buồn về thời thơ bé như cuốn phim quay chậm ngược thời gian tìm về. Đâu đó vọng lại một mùa chuôm.
ĐAN HẢI