Đà Nẵng cuối tuần

"tick… tick… BOOM!" - Quả bom hẹn giờ với "khủng hoảng" tuổi 30

15:22, 21/05/2022 (GMT+7)

tick… tick… BOOM! (tựa tiếng Việt là Giai điệu cuộc sống) là lời tri ân gửi đến nhà viết kịch tài năng quá cố Jonathan Larson - người đã thay đổi nền nhạc kịch mãi mãi cùng với các tác phẩm như Rent và tick, tick… Boom! Tác phẩm của anh khám phá về các khía cạnh xã hội như nền văn hóa đa chủng tộc, lạm dụng chất kích thích và nạn kỳ thị người đồng tính…

Jonathan Larson (do Andrew Garfield thủ vai) vẫn làm bồi bàn ở tuổi 30 để theo đuổi đam mê viết kịch.
Jonathan Larson (do Andrew Garfield thủ vai) vẫn làm bồi bàn ở tuổi 30 để theo đuổi đam mê viết kịch.

Bộ phim thể loại nhạc kịch tick… tick… BOOM! (được Viện phim Mỹ vinh danh là một trong những phim điện ảnh hay nhất năm 2021) kể về những khó khăn mà Jonathan Larson phải đối mặt trong giai đoạn hoàn thành vở nhạc kịch lớn đầu tay đã được anh viết xuyên suốt 8 năm là Superbia. Phim khắc họa hình ảnh người nghệ sĩ nghèo khó ấy đã gần 30 tuổi nhưng vẫn làm bồi bàn để có thể chi trả cho cuộc sống của bản thân và đam mê nghệ thuật của mình.

Sự xung đột xảy ra xuyên suốt thời lượng bộ phim là sự giằng xé nội tâm của Jonathan Larson về việc liệu anh có nên từ bỏ ước mơ viết nhạc kịch để tìm một công việc làm công ăn lương ổn định, mua nhà, mua xe và rồi cưới vợ, sinh con như bao người; hay tiếp tục giấc mơ làm nghệ thuật bấp bênh và vô định như hiện tại. Nhờ việc lột tả những khó khăn và áp lực của Jonathan Larson trên con đường làm nghệ thuật, bộ phim đã đánh vào đề tài khủng hoảng tuổi 30 mà hầu như ai cũng đã, đang, và sẽ trải qua, nhất là đối với những người có ước mơ làm nghệ thuật như Jonathan.

Có một xu hướng dễ nhận thấy trong xã hội ngày nay đó là dường như độ tuổi của những người thành công/thành đạt đang dần trẻ hóa. Không khó bắt gặp các thông tin và bài báo viết về những người trẻ sở hữu cuộc đời và thành tựu đáng mơ ước trên các kênh thông tin truyền thông và mạng xã hội.

Việc khoe khoang cuộc sống màu hồng trên mạng xã hội và che giấu những khó khăn họ gặp phải là điều vô cùng bình thường, nhưng ta không thể phủ nhận việc ngày càng nhiều người trẻ nổi tiếng với nhiều danh xưng mới như KOL, KOC hay TikToker với hàng triệu người theo dõi trên mạng. Điều này vô hình trung tạo ra áp lực tâm lý lớn đè nặng lên giới trẻ, khiến họ luôn so sánh cuộc đời mình với những con người thành công ở độ tuổi đầu 20 trên mạng. Vì vậy, con số 30 tuổi mang lại cảm giác “già cỗi” hơn bình thường.

Nhiều người sợ hãi cột mốc 30 tuổi này như thể tuổi thọ trung bình của con người chỉ là 40 và mong đợi những người ở độ tuổi này phải “trưởng thành” hơn (theo tiêu chuẩn của xã hội) và yên bề gia thất, và đặc biệt hơn cả là phải chấp nhận rằng mình đã “già”. Thế nhưng, độ tuổi trung bình cả thế giới là 73,2 tuổi, còn ở Việt Nam là 75,77; điều này nghĩa là khi đạt độ tuổi 30, ta chỉ mới sống chưa tới một nửa số năm mà ta có thể sống trên lý thuyết.

Ở độ tuổi 30, con người vẫn có thể trải nghiệm hàng ngàn điều mới và mở ra vô số cơ hội đổi đời. Tuy có thể trễ hơn những người khác, nhưng ta được sinh ra không phải để chạy đua với kỳ vọng của xã hội, mà là để tận hưởng cuộc sống này theo cách của riêng mình. Mỗi người đều có một chiếc đồng hồ và các cột mốc trưởng thành riêng của bản thân, không ai giống ai. Cố diễn viên tài năng Heath Ledger bắt đầu công việc diễn xuất của mình với bộ phim Black Rock (Hòn đảo chết) vào năm anh 18 tuổi, từ đó tên tuổi của anh dần được biết đến rộng rãi hơn, nhưng đáng tiếc anh mất khi anh mới 28 tuổi, kết thúc sự nghiệp mới chớm nở đã tàn lụi.

Ngược lại, diễn viên gạo cội Samuel L. Jackson phải đến khi 46 tuổi mới có vai diễn đầu tiên của mình trong phim Pulp Fiction (Chuyện tào lao) và ông vẫn đang tiếp tục đóng phim cho tới hiện tại ở độ tuổi 73. Đây chỉ là hai ví dụ nhỏ trong hàng ngàn ví dụ khác minh chứng rằng mỗi người sẽ có một thời điểm “nở rộ” trong sự nghiệp khác nhau và ta không nên lấy thành tựu của người khác làm thước đo cho bản thân mình.

Những người làm nghệ thuật, kể cả các bộ môn nghệ thuật phức tạp và tốn kém cũng như yêu cầu kỹ năng chuyên sâu như phim ảnh hay kịch, cũng không tránh khỏi áp lực của khủng hoảng tuổi 30. Như bao người khác, họ cũng muốn chính tay mình tạo ra các sản phẩm đáng tự hào trước khi đạt cột mốc tuổi này. Tuy nhiên, điều này rất ít khi xảy ra vì để cho ra lò một bộ phim điện ảnh hay kịch cần phải trải qua rất nhiều công đoạn liên quan rất nhiều người cùng một khoản tiền khổng lồ. Vì thế, rất khó để một đạo diễn cho ra đời một tác phẩm điện ảnh đầu tay trước độ tuổi 30.

Thực tế, có nhiều đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh thế giới cho ra mắt bộ phim đầu tay của họ khá muộn: Ridley Scott, người được xem như là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất, đã sản xuất bộ phim điện ảnh đầu tay của mình là The Duelists (Những trận tử chiến) khi ông đã 40; hay trễ hơn chút là bậc thầy điện ảnh Michael Heneke với bộ phim đầu tay The Seventh Continent (Lục địa thứ bảy) ở độ tuổi 47.

Tác giả Malcolm Gladwell trong bài Late Bloomers trên tờ The New Yorker đã viết: “Nhiều người cho rằng khái niệm thiên tài phải luôn gắn liền với việc phát triển ngay từ sớm, họ tin rằng việc làm những thứ cần đến sự sáng tạo và chất xám thì bắt buộc cần đến năng lượng dồi dào và tươi mới của tuổi trẻ… Nhưng rồi ta có Alfred Hitchcock, tác giả của những bộ phim Dial M for Murder, Rear Window, To Catch a Thief, The Trouble with Harry, Vertigo, hay Psycho - hàng loạt những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất được tạo ra bởi một vị đạo diễn ở độ tuổi 54-61. Mark Twain xuất bản cuốn tiểu thuyết Adventures of Huckleberry Finn lúc ông 49 tuổi. Daniel Defoe viết tác phẩm Robinson Crusoe khi ông đã 58”.

Quay lại với tick… tick… BOOM!, sau nhiều năm theo đuổi bộ môn viết nhạc kịch, cuối cùng Jonathan Larson đã tạo nên tên tuổi cùng với vở nhạc kịch Rent và tiếp đó là Tick, Tick… Boom! Đáng tiếc vào trước đêm công chiếu Rent, Jonathan Larson đã đột ngột qua đời khi mới 35 tuổi vì bị phình động mạch chủ được gây ra bởi chứng Marfan hiếm gặp. Mặc dù Jonathan Larson không thể chứng kiến những kỳ tích mà anh tạo ra, nhưng những hy sinh và mất mát mà anh phải chịu đựng để theo đuổi ước mơ nhạc kịch của mình đã được đền đáp vô cùng xứng đáng, đồng thời truyền cảm hứng to lớn đến thế hệ sau này, trong đó có Lin-Manuel Miranda - đạo diễn của chính bộ phim tick… tick… BOOM!.

Cột mốc tuổi 30 không thật sự đáng sợ như chúng ta tưởng, chỉ là xã hội, truyền thông và các nhãn hàng luôn ra sức lãng mạn hóa và tán dương quá mức độ tuổi 20 để bán được nhiều hơn các sản phẩm của họ và khuyến khích người trẻ “cày sức” ra để làm giàu cho các công ty và tập đoàn mà thôi. Thực chất độ tuổi 30 cũng tương tự với độ tuổi 20, nhưng giờ đây ta phải gánh vác thêm trách nhiệm đối với bản thân và những người xung quanh, bù lại ta đã có thêm sự khôn ngoan và tự tin hơn trên đường đời nhờ vào những bài học ta nhận được ở tuổi 20.

KINH QUỐC

.