Đà Nẵng cuối tuần

Khánh thành tượng nhà viết kịch da đen ở New York

14:52, 30/07/2022 (GMT+7)

Bức tượng Lorraine Hansberry do nhà điêu khắc Alison Saar chế tác đã được khánh thành tại Quảng trường Duffy, New York (Mỹ) vào đầu tháng 7 này. Nhà viết kịch, nhà văn Lorraine Hansberry là người Mỹ gốc Phi đầu tiên có vở kịch được trình diễn trên sân khấu Broadway.

Nhà điêu khắc Alison Saar trong buổi khánh thành tượng Lorraine Hansberry ở Quảng trường Duffy, New York. Ảnh: Amserdam News
Nhà điêu khắc Alison Saar trong buổi khánh thành tượng Lorraine Hansberry ở Quảng trường Duffy, New York. Ảnh: Amserdam News

Lorraine Hansberry (1930-1965) được biết đến nhiều nhất với vở kịch kinh điển A Raisin in the Sun nói về một gia đình người da đen gặp khó khăn trong khu tập thể nhỏ ở Chicago. A Raisin in the Sun được trình diễn trên sân khấu Broadway năm 1959. Theo đó, Hansberry trở thành nhà viết kịch da đen đầu tiên và người Mỹ trẻ nhất đoạt giải New York Critics’ Circle (giải thưởng của Hội phê bình kịch New York). Bà qua đời ở tuổi 34 vì bệnh ung thư tuyến tụy.

Hansberry theo học Đại học Wisconsin ở Madison chuyên ngành viết lách, nhưng sau 2 năm thì bỏ học và chuyển đến thành phố New York. Tại New York, bà viết cho tờ báo Black từ năm 1950-1953. Năm 1957, bà tham gia tổ chức dân quyền cho người đồng tính.

Hansberry đã viết The Crystal Stair, sau đó  đổi tên thành  A Raisin in the Sun. Tựa đề bài thơ được mượn một dòng trong bài thơ Harlem của Langston Hughes: “Điều gì xảy ra với một giấc mơ bị trì hoãn? Nó có khô héo như một hạt nho khô dưới ánh nắng mặt trời không?”...

Vở kịch nói trên được diễn tại Nhà hát Ethel Barrymore từ ngày 11-3-1959 và thành công rực rỡ với tổng cộng 530 suất diễn. Phiên bản điện ảnh của A Raisin in the Sun được hoàn thành vào năm 1961, với sự tham gia của Sidney Poitier - diễn viên người Mỹ gốc Bahamas - và nhận được giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes.

Ở San Francisco, một nhà hát lớn đã được đặt theo tên Lorraine Hansberry để vinh danh bà: Nhà hát Lorraine Hansberry.

Khi Hansberry qua đời vào tháng 1-1965, hơn 600 người đã đến dự tang lễ của bà. Martin Luther King trong lá thư chia buồn của mình đã nói: “Khả năng sáng tạo và sự hiểu biết sâu sắc của cô ấy về các vấn đề xã hội mà thế giới đang đối mặt ngày nay sẽ vẫn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo Amserdam News)

.