Đà Nẵng cuối tuần
Phi công Đỗ Hữu Vị
* Đầu tháng 7 vừa qua, báo chí đưa tin một phi công người Việt là Đỗ Hữu Vị được đặt tên một quảng trường ở Pháp. Viên phi công này đã lập nên công trạng gì mà được người Pháp vinh danh? Nghe nói trước đây ở Đà Nẵng cũng đã có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị? (Lê Tấn Lai, quận Hải Châu, Đà Nẵng)
Lễ khánh thành Quảng trường Đỗ Hữu Vị ở trung tâm quận 16 thủ đô Paris (Pháp) ngày 29-6-2022. Ảnh: TTXVN |
- Theo bản tin “Pháp: Một quảng trường ở thủ đô Paris mang tên người Việt” đăng trên TTXVN/Vietnam+ ngày 30-6-2022, Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là một trong những phi công đầu tiên của quân đội Pháp. Là người Việt Nam song ông làm nên sự nghiệp trong lực lượng không quân Pháp, tham gia chiến đấu và từ trần ở vịnh Somme trong Thế chiến thứ nhất.
Ông đã được nước Pháp vinh danh là một trong hơn 300 người gốc hải ngoại có công với nước Pháp, và là gương mặt người gốc châu Á duy nhất được đưa vào triển lãm “Chân dung nước Pháp,” tổ chức hồi đầu năm tại Bảo tàng Con người ở thủ đô Paris.
Theo bản tin đã dẫn, lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường nhỏ ở trung tâm quận 16 thủ đô Paris diễn ra vào ngày 29-6-2022, với sự hiện diện của Phó Thị trưởng thành phố Paris Laurence Patrice, Thị trưởng quận 16 Francis Szpiner, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo người thân gia đình ông Đỗ Hữu Vị, quan chức và bà con địa phương. Quảng trường Đỗ Hữu Vị tọa lạc trên nút giao giữa đại lộ Versailles và bến Louis Blériot ở quận 16, nhìn ra trụ sở Đài Phát thanh Pháp và cầu Grenelle.
Đưa tin về sự kiện này, Báo Tuổi Trẻ ngày 3-7-2022 cho biết, trong hồ sơ quân ngũ của người phi công lừng lẫy này có những dòng nhận xét: “Lì lợm, kiên trì, dũng cảm, tinh tế trong chiến thuật, chữ sợ không có trong ngôn ngữ của sĩ quan Vị!”. Đỗ Hữu Vị là phi công gốc Việt đầu tiên và phi công người Việt duy nhất thời đó của quân đội Pháp.
Ở thời khởi đầu của không quân, Đỗ Hữu Vị cũng là sĩ quan dẫn đầu những chuyến bay trinh sát đầu tiên ở Maroc trong hàng ngũ quân đội Pháp. Ông là người thiết lập nền tảng chiến lược của sự “thông tin từ trên không”. Có thể nói đó là “tiền thân” của quan sát vệ tinh và máy bay không người lái ngày hôm nay.
Đại úy Đỗ Hữu Vị từng nói: “Bạn phải dũng cảm gấp đôi bởi vì tôi là người Pháp và cùng là người An Nam”. Trong dữ liệu của Viện bảo tàng Quân đội Pháp có một câu ghi chú có thể nói lên tất cả về con người ông: “Người sĩ quan dũng cảm và tinh thần, đã ngã xuống vẻ vang trong khi chỉ huy đại đội của mình tấn công chiến hào của quân Đức”.
Còn trên mộ ông có văn bia: “Đại-úy phi công Đỗ-Hữu, đã hy sinh trên cánh đồng danh dự, vì đất nước An Nam, vì quê hương của ông, nước Pháp”.
Đỗ Hữu Vị là con thứ năm của Đỗ Hữu Phương (còn gọi là Tổng đốc Phương), một điền chủ giàu có lừng lẫy tiếng tăm ở Nam Kỳ khi người Pháp mới chiếm miền Nam. Ông tốt nghiệp trường Taberd, được cha gửi qua Pháp du học tại Trường Collège St.Barbe ở Paris. Sau 3 năm ra trường, ông xin theo học không quân. Lúc bấy giờ, thế giới mới phát minh máy bay, làm phi công được xem là điều rất phi thường.
Ở Đà Nẵng, trong số tên 45 đường phố thời Pháp thuộc chỉ có 3 nhân vật người Việt, gồm hai vị vua và một viên phi công: Gia Long, Đồng Khánh và Đỗ Hữu Vị. Sau năm 1955, đường Đỗ Hữu Vị được đổi thành đường Hoàng Diệu.
ĐNCT