Đà Nẵng cuối tuần
Tháng 7 nhắc nhớ về thời hoa lửa
Một bạn đọc vừa gửi thư đến Báo Đà Nẵng, chia sẻ rằng ông có 2 người anh ruột là liệt sĩ, hy sinh khi tham gia quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia. Các anh chưa lập gia đình riêng, lúc đó mặc dù trúng tuyển Đại học Y khoa Huế nhưng vẫn gác lại ước mơ đèn sách để lên đường hỗ trợ nước bạn.
Bạn đọc gửi kèm bài thơ vừa viết bằng tất cả sự thương nhớ người thân: “Đất nước vừa yên bình/ Nhà chưa kịp hồi sinh/ Gia đình đã chia ly/ Anh đi không trở lại/ Người thân trông ngóng mãi/ Ngày dài hằn mắt sâu…”.
Hàng triệu gia đình liệt sĩ trên đất nước Việt Nam cũng mang tâm trạng bồi hồi như thế trong những ngày tháng 7, thời điểm mà hàng vạn ngọn nến tri ân được thắp lên hòa cùng khói hương ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Ngày 27-7 trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên và không thể quên những người đã ngã xuống, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương, bệnh binh và lực lượng thanh niên xung phong đã làm nên dáng hình cho đất nước.
Chẳng nơi đâu như dải đất hình chữ S này lại có những người mẹ bao lần tiễn con đi và bao lần khóc thầm lặng lẽ đến thế. Những người con đã ra đi mà không trở về. Có những người mãi mãi nằm lại ở chiến trường khi tuổi đời mới đôi mươi, để lại những dòng nhật ký viết vội trong những lúc hành quân cùng lời hứa dở dang “hết chiến tranh con về với mẹ”… Mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương của lớp lớp người đã ngã xuống, để lá cờ đỏ sao vàng càng thêm đỏ thắm, để “Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Ở Đà Nẵng có con đường mang tên Trần Duy Chiến (quận Sơn Trà), tên của một người con của thành phố đã cống hiến xương máu làm nên cuộc hồi sinh cho đất nước Campuchia. Nhiều năm liền những người đồng đội đã lặn lội đi tìm hài cốt của anh Chiến, với những day dứt trong tâm can “bạn ở đâu dưới lòng sâu sỏi đá”, để rồi đến năm 2007 mới tìm thấy và đưa anh từ tỉnh Bình Dương về với đất mẹ - Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng - trong niềm xúc động của gia đình cùng bạn bè.
Theo thống kê, cả nước hiện nay có gần 1,2 triệu liệt sĩ và hàng triệu thương, bệnh binh. Tri ân sự cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ, các thương, bệnh binh và chia sẻ sự mất mát của các gia đình, công tác đền ơn áp nghĩa luôn là một trong những chính sách trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Hiện hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Khoảng 5.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Hằng năm, gần 106.000 lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387.000 lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định việc chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khi thấy chính sách nào cần làm mà làm được thì đề nghị các bộ, cơ quan làm nhanh. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”…, qua đó huy động nguồn lực xã hội để chung tay cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
Tháng 7 này, đến Thành cổ Quảng Trị và tham dự đêm hoa đăng tri ân liệt sĩ trên sông Thạch Hãn; hay về Quảng Nam thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, viếng các nghĩa trang liệt sĩ sẽ càng hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc và cả những mất mát, hy sinh mà không bút mực nào kể hết được. “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý của dân tộc ta, cũng là cách mà những người đang sống ứng xử trân trọng với quá khứ và nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về một thời hoa lửa đầy bi tráng - một thời “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.
TÚ PHƯƠNG