Đà Nẵng cuối tuần

Kiến trúc sư 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

16:00, 20/08/2022 (GMT+7)

Trương Thế Cường (25 tuổi), cựu sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, đã vẽ hàng ngàn bức chân dung truyền thần sống động, được nhiều người yêu thích. Sau 8 năm theo đuổi thể loại tranh truyền thần, Cường hiện có khoảng 1.000 bức.

Họa sĩ trẻ Trương Thế Cường đang say mê vẽ tranh.
Họa sĩ trẻ Trương Thế Cường đang say mê vẽ tranh.

Khi còn nhỏ, Cường thích vẽ và vẽ rất đẹp, thường tham gia các cuộc thi mỹ thuật ở trường. Những trang vở trắng luôn chứa đầy hình ảnh anime (nhân vật hoạt hình). Nhận ra mình có năng khiếu hội họa, học hết cấp 3, Cường quyết tâm thi đỗ ngành kiến trúc. Thời gian theo học ngành này, anh có điều kiện gặp gỡ bạn bè cùng sở thích, nhiều hôm ngồi vẽ từ sáng đến tối không biết mệt.

Tuy nhiên, sau khi ra trường, Cường không chọn nghề kiến trúc sư mà đi theo nghiệp vẽ tranh truyền thần với giấy trắng, bút chì, bột than. Công việc đòi hỏi anh phải cảm nhận tốt hình mẫu, nhân vật. Cường chia sẻ, những khó khăn ban đầu là không tránh khỏi, những bức tranh đầu tiên anh vẽ chưa có cảm xúc, dẫn đến nản và có ý từ bỏ công việc này. Để vẽ được bức tranh đẹp và có hồn, Cường đã trải qua quá trình luyện tập lâu dài để cảm nhận tốt hình mẫu.

Cường cho biết, để vẽ đôi mắt có hồn không đơn giản, ngoài yếu tố kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm, còn đòi hỏi người vẽ cảm nhận bằng trái tim. Cái thần trong tranh truyền thần thể hiện qua nụ cười, nếp nhăn hay vài sợi tóc, chiếc mũi cao, bờ môi cong… Điều này buộc họa sĩ quan sát và nhìn ra chứ không có công thức nào cả. Trải qua 8 năm vẽ tranh, Cường có khả năng nhìn thấu được cảm xúc và tính cách của nhân vật thông qua đôi mắt. Đây là nét độc đáo, riêng biệt của thể loại tranh truyền thần so với các dòng tranh khác.

Vẽ một bức tranh không bao giờ có khái niệm thời gian khi nào kết thúc. Thời gian càng lâu, người vẽ càng chăm chút và cho ra đời những tác phẩm thật như ảnh chụp. Đặc biệt, để có một tác phẩm thể hiện trọn vẹn thần thái của nhân vật, người họa sĩ phải tập trung cao độ, tỉ mỉ và có chiều sâu tưởng tượng để tái hiện sao cho chân thật nhất.

Hiện nay, mạng xã hội Zalo, Facebook chính là nơi để Cường chia sẻ niềm đam mê hội họa. Anh cho hay, vẽ tranh truyền thần giúp thỏa mãn đam mê, có thêm thu nhập và lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt đẹp cho chính mình cũng như nhân vật. Tranh được vẽ trên giấy roki (giấy ảnh) dày nên có thể giữ được lâu, xịt chất bảo quản để chống phai chì. Mỗi tranh truyền thần của Cường hiện nay có giá trung bình từ 500.000 - 5 triệu đồng, tùy kích thước và số lượng nhân vật.

Nói đến cơ duyên với tranh truyền thần, Cường cho biết, năm học lớp 12, anh tình cờ tham gia một số hội, nhóm nghệ thuật và nhận thấy nhiều người theo đuổi dòng tranh này. Những bức tranh ấy để lại cho Cường nhiều ấn tượng, từ đường nét khuôn mặt, từ trẻ em cho đến cụ già được phác họa một cách chân thực nên anh quyết tâm theo đuổi thể loại này.

Tuy nhiên, mạng xã hội lúc ấy chưa phát triển, các kênh dạy vẽ hay thông tin về dòng tranh truyền thần rất hiếm nên anh phải tự mày mò vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Cường nhìn nhận, muốn thành công với nghề này phải kiên trì và chăm chỉ. Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh cho biết sẽ hoàn thành cửa hàng riêng và sẵn sàng hướng dẫn, truyền cảm hứng cho những bạn trẻ muốn theo đuổi dòng tranh truyền thần.

HUỲNH TƯỜNG VY

.