Đà Nẵng cuối tuần

Sách mới, Sách hay

16:04, 20/08/2022 (GMT+7)

1. Dày 200 trang, truyện ngắn Cơ Bản là Cơ Bản (NXB Kim Đồng, 2022) của tác giả Huy Thông kể câu chuyện về cậu bé thành phố Trần Cơ Bản (12 tuổi) thông minh, học giỏi nhưng có phần kiêu ngạo khi được thầy cô, bạn bè gọi là “thần đồng”. Dịch bệnh xảy ra, thay vì đến trường, Cơ Bản học online tại nhà và phụ mẹ bán hàng qua mạng. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Cơ Bản được bố đưa về quê nội - một vùng Mường cổ ở Thanh Hóa. Tại đây, người bố phát hiện ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, Cơ Bản thiếu hụt kỹ năng giao tiếp xã hội và khó khăn khi tham gia vào các trò chơi nông thôn.

Thời gian sinh sống ở quê nội, Cơ Bản được học bơi trên sông, tắm suối, thả diều, cưỡi trâu, hái quả dại và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người Mường... Cơ Bản là Cơ Bản được tác giả viết trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 nhằm gửi gắm thông điệp cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ em được là chính mình. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, cần cho trẻ tiếp cận văn hóa và các trò chơi nông thôn giúp nuôi dưỡng tâm hồn, bình yên vượt qua dịch bệnh.

2. Tập thơ, tản văn Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng (NXB Hà Nội, 2021) của tác giả - diễn viên hài Minh Dự như lời tự sự của anh về mối tình đơn phương từng trải qua trong quá khứ: “Đôi khi đằng ấy xã giao/ Đằng này tưởng thật, cồn cào, chờ mong/ Một người hứa để cho xong/ Một người đem để vào lòng, rồi đau”… Trong mối quan hệ ấy, anh chấp nhận làm kẻ thiệt thòi, với niềm tin được bù đắp: “Có những người lòng dạ rất bao dung/ Trích một phần thanh xuân dùng để thương người lạ/ Nhận về số không cũng đâu thèm mặc cả/ Tự mở cửa tim mình rồi thong thả nhớ nhung”... Từng câu chữ giản dị, gần gũi, lấp lửng suy nghĩ có nên tiếp tục hay dừng lại trong Tùy em, Lý do gì ta?, Đợi một người, Gieo rắc nhớ thương, Vị trí này em trả lại cho anh… được người đọc đồng cảm, chia sẻ: “Cái ngày anh nói: Tùy em!/ Chắc lòng anh đã nhá nhem muốn dừng?/ Một là “hãy”, hai là “đừng”/ Ác ôn hai chữ nửa chừng: tùy - em” (Tùy em); Vị trí này em trả lại cho anh/ Cuốn gói những tổn thương, nhận danh người - yêu - cũ/ Như kẻ thất thu vật vờ sau cơn lũ/ Vun nhớ trồng yêu mà gặt đủ đau buồn (Vị trí này em trả lại cho anh).

Ở phần tản văn, Minh Dự mở rộng đề tài về tình yêu con người, ký ức quê nhà, về Sài Gòn giai đoạn bùng phát Covid-19... Tác giả chọn lối viết mộc mạc, đơn giản để bày tỏ tâm tư cũng như chia sẻ cách mình tự chữa lành. Có nội dung thu hút, Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng bán ra hơn 25.000 bản sau 6 tháng phát hành.

THẢO MIÊN

.