Đà Nẵng cuối tuần

20 năm tình nguyện gác tàu không lương

06:01, 25/09/2022 (GMT+7)

Hơn 20 năm nay, ông Đặng Văn Lợi làm nghề nhặt rác và tình nguyện đứng gác tàu không lương tại tuyến đường sắt chạy ngang khu dân sinh. Nhờ việc làm nghĩa hiệp của ông mà nhiều người thoát được “lưỡi hái tử thần”.

Ông Đặng Văn Lợi tình nguyện đứng gác tàu không lương tại tuyến đường sắt chạy ngang khu dân sinh. Ảnh: KHƯƠNG MỸ
Ông Đặng Văn Lợi tình nguyện đứng gác tàu không lương tại tuyến đường sắt chạy ngang khu dân sinh. Ảnh: KHƯƠNG MỸ

Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi ghé qua xóm trọ sinh viên nằm sâu trong con hẻm đối diện Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Khi chúng tôi đang loay hoay tìm đường thì bất ngờ có một người đàn ông dáng người gầy guộc, khuôn mặt hốc hác, nhăn nheo đứng chặn chúng tôi lại.

Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì tiếng còi vang lên inh ỏi, rồi trong tích tắc, đoàn tàu hỏa chạy vút qua đoạn đường sắt cắt ngang khu dân cư… Người chặn đường chúng tôi là Đặng Văn Lợi (SN 1956), được bà con gọi là ông Lợi “barie”.

Barie “biết nói”

Điểm giáp ranh giữa tổ 18 và 19 Chơn Tâm từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn thương tâm. Con hẻm này rộng hơn 2m, thông giữa quốc lộ 1A, đường Tôn Đức Thắng với đường sắt Bắc - Nam, dẫn sâu vào khu vực đông dân cư sinh sống. Một phần vì sự bất cẩn và đường ray hình vòng cung nên khi có tàu lửa chạy qua, nhiều người bị khuất tầm nhìn.

Theo người dân địa phương, trước đây, tại “ngã tư tử thần” này từng xảy ra hơn 15 vụ tai nạn nghiêm trọng. Năm 2002, thành phố đã xây dựng rào chắn kiên cố không cho phương tiện lưu thông qua điểm đen này, nhưng theo thói quen và tiện đường mua sắm đồ đạc nên nhiều người vẫn mặc kệ. “Vì ngại đường xa nên họ cứ liều mình đi bộ hoặc dắt xe đạp băng qua đoạn đường sắt này. Sợ xảy ra thêm những cái chết thương tâm nên tôi đứng đây gác, ngăn mọi người qua lại khi có tàu đến…”, ông Lợi chia sẻ. Cứ thế, suốt 20 năm nay, nhờ sự “bao đồng” của ông Lợi, nhiều người đã may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Hiệp sĩ giao thông

Ông Đặng Văn Lợi đã được trao danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” vì những nỗ lực đóng góp tích cực trong vấn đề an toàn giao thông trong nước thông qua chương trình Total Hiệp sĩ giao thông phát động từ năm 2011-2012. Ông còn được Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tặng giấy khen về thành tích trong việc tình nguyện gác tàu, nhắc nhở người dân tham gia giao thông tại điểm giao nhau với đường sắt 10 năm không để xảy ra tai nạn.

Anh Nguyễn Văn Sơn (37 tuổi, trú tổ 18 Chơn Tâm) kể: “Có lần tôi chứng kiến nhóm 3 sinh viên trên đường đến trường vừa đi vừa cười nói nên không chú ý tàu đang tới. Ông Lợi vừa hô lớn, vừa từ bên này đường sắt phóng qua đẩy ngược nhóm bạn trẻ lại, nhờ vậy họ thoát nạn trong gang tấc”. Có lần, một phụ nữ mua ve chai đang hì hục dắt xe đạp băng qua đường ray thì tàu lao đến, kéo còi inh ỏi. Bỏ dở tô mì đang ăn, ông Lợi lao ra hỗ trợ. Khi người phụ nữ và xe đạp vừa lùi lại được thì cũng là lúc đoàn tàu xình xịch lăn bánh qua, ai nấy đều hú vía…

Gác tàu bất kể nắng mưa

Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở tỉnh Quảng Nam, năm lên 7, ông Lợi lần lượt mồ côi cha mẹ do bạo bệnh. Năm 1979, như bao thanh niên khác, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Một năm sau, ông trở về từ chiến trường Campuchia, mang theo nhiều di chứng từ hóa chất độc hại của cuộc chiến tranh. Chẳng còn ai thân thích ở quê, ông lặn lội ra Đà Nẵng sống nương tựa chị gái, hằng ngày phụ chị buôn bán quán cóc trước nhà.

Ông Lợi sống độc thân vì “nhà nghèo quá nên không muốn lấy vợ, sợ vợ con sẽ khổ theo mình”. Rồi người chị gái cũng sớm qua đời, từ đó ông sống bằng nhặt ve chai chạy ăn từng bữa và gác tàu…
Một ngày của ông Lợi thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Tranh thủ trời mát, trong bộ áo quần bạc màu rộng thùng thình, ông rong ruổi dọc đường ray nhặt rác. Cứ đến giờ tàu chạy, ông vội quay về để làm “barie biết nói”. Thấy ông tuổi cao, lại lọ mọ sương gió sớm hôm, nhiều người khuyên nghỉ công việc gác tàu nhưng ông lắc đầu.

Hành động nghĩa hiệp của ông Lợi không chỉ làm bà con khu phố mà cả những người qua đường đều cảm kích. Quý mến và hiểu hoàn cảnh khốn khó của ông, thỉnh thoảng nhiều sinh viên mang ve chai đến cho, còn hàng xóm láng giềng thường thăm hỏi sức khỏe, có khi mời ông chai nước, tặng thùng mì, cân gạo, ông lấy đó làm vui.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ tự quản khu dân cư Chơn Tâm 2D (phường Hòa Khánh Nam) cho biết: “Mọi người ở đây nhờ ông Lợi lắm, tuy nghèo nhưng rất tốt bụng. Hằng ngày, ông ấy nhặt ve chai mưu sinh, nhưng cứ đến giờ có tàu qua thì ổng làm barie. Lúc trước, người dân ở đây đi băng đường ray vô tội vạ nên thường xảy ra tai nạn. Từ lúc có ông Lợi đứng gác, số vụ tai nạn giảm hẳn. Khi có tàu đến, ông đứng giơ tay báo hiệu mọi người không đi qua nữa. Bất kể nắng mưa, ngày nào ông ấy cũng đứng gác tàu đến tận khuya, thương lắm!”.

KHƯƠNG MỸ

.