Đà Nẵng cuối tuần

Về các địa danh Thuận Quảng, Ngũ Quảng

05:56, 25/09/2022 (GMT+7)

* Sách Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: Năm Nhâm dần (1602), mùa thu tháng 7, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi chơi ở núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Danh xưng Thuận Quảng xuất hiện từ bao giờ? Quảng (trong Thuận Quảng) gồm những vùng đất nào? (Trương Văn Nam, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Quảng Bình Quan, biểu tượng lịch sử - văn hóa của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: V.T.L
Quảng Bình Quan, biểu tượng lịch sử - văn hóa của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: V.T.L

- Thuận Quảng là cách nói vắn tắt từ hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của Việt Nam. Theo tác giả Trần Viết Điền trong bài “Danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ” đăng trên Tạp chí Sông Hương, danh xưng Thuận Hóa có từ năm 1307 khi vua Trần Anh Tông đổi hai châu Ô, châu Rí thành châu Thuận, châu Hóa. Còn danh xưng Quảng Nam có từ năm 1471 sau đại thắng của Đại Việt, do vua Lê Thánh Tông thân chính đánh Trà Toàn. Hai đơn vị hành chính Thuận Hóa, Quảng Nam có khi gọi là châu, thừa tuyên, trấn, xứ, đạo. Từ đó trở đi, các nhà chép sử gọi “các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam” hoặc “hai xứ Thuận Quảng” khi nói về hai miền đất này.

Ngũ Quảng gồm 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chữ “Quảng” trong các địa danh này đều viết chữ Hán Nôm là 廣 có nghĩa là rộng, mở rộng. Những vùng đất này phần lớn đều là đất mới khai phá, nhập vào Đại Việt mấy trăm năm trước. Ví dụ như Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông mở cõi về phương Nam sáp nhập vùng đất mới vào lãnh thổ Đại Việt, đặt tên là Quảng Nam Thừa Tuyên Ðạo, nghĩa là “đất đai mở rộng về phía nam, vâng mệnh (vua) để tuyên dương đức hóa”. Từ Ngũ Quảng, hơn 300 năm trước, một bộ phận dân cư (phần lớn là người nghèo) đã tiến vào khai phá vùng đất hoang hóa mênh mông phương Nam, tức vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ ngày nay.

Ở nước ta cũng có một số tỉnh khác bắt đầu bằng Quảng nhưng không thuộc “Ngũ Quảng”, như Quảng Tín, Quảng Đức, Quảng Yên. Trước năm 1975, tỉnh Quảng Tín được tách ra từ tỉnh Quảng Nam, còn Quảng Đức là một tỉnh thuộc Tây Nguyên.

Theo Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (tinhuy.daknong.gov.vn), tỉnh Quảng Đức được thành lập theo Sắc lệnh số 24-NV ngày 23-1-1959 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trên cơ sở tách gần như toàn bộ quận Đăk Song (trừ tổng Đăk Lao ở phía bắc) và một phần quận Lăk từ tỉnh Darlac (Đắk Lắk), cùng với một phần nhỏ tỉnh Phước Long và tỉnh Lâm Đồng. Năm 1962 lại tách thêm một phần tỉnh Đắk Lắk nhập vào tỉnh Quảng Đức. Tỉnh lỵ là thị xã Gia Nghĩa. Tháng 2-1976, tỉnh Quảng Đức lại nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, địa bàn tỉnh Đắk Nông gần như trùng với địa bàn tỉnh Quảng Đức xưa.

Còn Quảng Yên là một tỉnh cũ ở phía đông Bắc Bộ; tỉnh lỵ là thị xã Quảng Yên bên bờ sông Chanh, nay là thị trấn huyện lỵ huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Theo Cổng thông tin điện tử Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Yên được thành lập năm 1832, thời Minh Mạng. Vùng đất này đã qua quá trình thay đổi địa danh từ An Bang thành An Quảng, rồi Yên Quảng thành Quảng Yên.

Từ đầu những năm 1955, Quảng Yên vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị xã trung tâm của tỉnh Quảng Yên thuộc hệ thống hành chính địa phương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-7-1964, sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, lấy thị xã Hòn Gai làm tỉnh lỵ, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định đổi thị xã Quảng Yên thành thị trấn Quảng Yên và đặt làm huyện lỵ huyện Yên Hưng.

ĐNCT

.