Đà Nẵng cuối tuần

Tìm hướng phát triển văn học thiếu nhi ở Việt Nam

06:00, 25/09/2022 (GMT+7)

Câu chuyện tìm hướng phát triển văn học thiếu nhi một lần nữa được đặt ra, khi hội thảo “Châu Âu - Việt Nam về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên” diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội hôm 16-9 nêu vấn đề cần xây dựng một hệ sinh thái tác giả viết cho thiếu nhi và xây dựng một cộng đồng bạn đọc thiếu nhi ở Việt Nam.

Theo một khảo sát do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện, trẻ em ngày nay thích đọc văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Theo một khảo sát do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện, trẻ em ngày nay thích đọc văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Ở Việt Nam, văn học cho thiếu nhi từ lâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ người cầm bút, từ đó dần hình thành những nhà văn chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi, hoặc đã có những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi; trong đó có thể kể những tác giả như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu… Nối tiếp họ, những thế hệ sau cũng góp công sức không nhỏ cho khu vườn văn chương cho thiếu nhi thêm sinh động, khởi sắc… Song song với điều này, từ rất sớm, những đơn vị xuất bản, các tờ báo chuyên cho thiếu nhi được hình thành.

Hàng loạt cây bút mới xuất hiện

Đặc biệt, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, hàng loạt cây bút mới xuất hiện với những sáng tác tâm huyết dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn tên tuổi của các thế thệ đi trước tiếp tục có những sáng tác mới dành cho, hoặc hướng về lứa tuổi thiếu nhi và thanh-thiếu niên. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên. Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cho rằng, đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi có phổ tuổi tương đối rộng, từ những tác giả thế hệ 5X, 6X, đến các tác giả thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2012). Sung sức nhất vẫn là các tác giả thế hệ từ 7X đến 9X.

Bên cạnh trông cậy vào những cây bút tên tuổi, ăn khách, các đơn vị xuất bản cũng dành sự quan tâm và đầu tư cho các cây bút mới. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ cho biết: “Chúng tôi vẫn đầu tư cho đội ngũ mới để có tác phẩm mới phục vụ bạn đọc. NXB Trẻ đồng hành để khơi gợi đề tài cho tác giả, làm nhiều cách khác nhau để sách đến tay bạn đọc. Để hỗ trợ hoặc phát hiện các cây bút mới, các đơn vị xuất bản có thể thực hiện thông qua các cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi”. Theo đó, từ những năm 1990, NXB Trẻ đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước nhằm tạo ra được đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi và lực lượng này vẫn tiếp tục sáng tác đến nay.

Bên cạnh các đơn vị xuất bản, một số cơ quan, tổ chức cũng có những hình thức để tìm kiếm, tôn vinh những tác giả viết cho thanh thiếu nhi. Đơn cử, Báo Thể thao và Văn hóa 3 năm nay đã tổ chức giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, qua đó tìm kiếm, phát hiện thêm những tác giả - tác phẩm viết cho thiếu nhi, đồng thời tôn vinh những nhà văn dành cả sự nghiệp viết cho thiếu nhi. Hay Hội Nhà văn Việt Nam hồi tháng 1 năm nay đã phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi với mong muốn tìm kiếm những tác giả - tác phẩm mới.

Tìm cách gỡ “điểm nghẽn”

Văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang đối mặt những vấn đề như: sách dịch lấn át, giới trẻ ít mặn mà với văn hóa đọc… Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho rằng, văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang khó khăn về đội ngũ sáng tác; đa số tác giả viết cho thiếu nhi thường hoạt động bằng nghề tay trái nên các sáng tác thường mang tính chất manh mún và chưa có tác giả hoạch định chiến lược dài hơi viết cho thiếu nhi. Bà Phượng đề xuất gây dựng một hệ sinh thái tác giả viết cho thiếu nhi và xây dựng một cộng đồng bạn đọc thiếu nhi ở Việt Nam. Điều này cần sự tập hợp, bắt tay hợp tác giữa các NXB, các công ty sách tư nhân, cũng như một số cơ quan, tổ chức khác.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, đại diện NXB Kim Đồng cho rằng, sách văn học thiếu nhi trong nước hiện nay gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dù đã có những giải thưởng chuyên môn động viên tác giả và NXB nhưng sách thiếu nhi Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh cao từ sách dịch nước ngoài và các loại hình giải trí khác nên doanh thu chưa cao. Vị đại diện NXB Kim Đồng nhận xét, văn học thiếu nhi Việt Nam thời gian gần đây có phần thưa thớt hơn so với giai đoạn trước. Các chủ đề thời sự như LGBT, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường cũng dần xuất hiện, nhưng chỉ ở dạng sách tranh, sách kiến thức, chứ chưa xuất hiện trong văn học. Ngoài ra, xu thế đọc sách của thiếu nhi ngày nay cũng thay đổi khá mạnh. Theo một khảo sát do NXB Kim Đồng thực hiện trong hội sách thiếu nhi, trẻ em ngày nay không thích những tác phẩm mang tính giáo điều, mà muốn đọc văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng, nhưng các tác giả Việt Nam (cả người trẻ lẫn không còn trẻ) vẫn chưa mạnh dạn dấn thân vào những đề tài này.

THƯ HOÀNG

.