Đà Nẵng cuối tuần
Chống biến đổi khí hậu không còn là chuyện của tương lai
Tất cả các quốc gia, đứng đầu là nhóm các nước đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cần cắt giảm khí thải để sớm đạt mục tiêu mức tăng nhiệt độ toàn cầu được kiểm soát ở mức cao hơn 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở Pakistan đã ảnh hưởng hơn 33 triệu người dân nước này.Ảnh: Reuters |
Giảm khí thải là một trong những vấn đề trọng tâm tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77 đang diễn ra ở trụ sở LHQ (New York, Mỹ). Phát biểu tại kỳ họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã dẫn tình trạng lũ lụt ở Pakistan trong năm nay, các đợt nắng nóng ở châu Âu, hạn hán kỷ lục ở các khu vực của Mỹ và Trung Quốc để minh chứng về những thất bại trong việc chống lại biến đổi khí hậu và hạn chế nhiên liệu hóa thạch.
Các nước nghèo là nạn nhân của biến đổi khí hậu
Tổng Thư ký LHQ Guterres nói rằng, ông vừa trở về từ Pakistan và đã chứng kiến hậu quả thiên tai nặng nề, từ lũ lụt đến cháy rừng. Theo ông, biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu đến từ các nước giàu nhất thế giới, nhưng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự tàn phá do biến đổi khí hậu gây ra đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước nghèo như Pakistan.
“Dù đó là Pakistan, vùng Sừng châu Phi, Sahel, các đảo nhỏ hay các nước kém phát triển nhất, thì những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vốn không làm gì để gây ra cuộc khủng hoảng này đều phải trả cái giá khủng khiếp trong nhiều thập niên…”, ông Guterres nói, đồng thời yêu cầu G20 phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó, tất cả các nước, dẫn đầu là G20, cần cắt giảm khí thải hằng năm, để mức tăng nhiệt độ toàn cầu sớm được kiểm soát ở mức cao hơn 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở Pakistan đã ảnh hưởng hơn 33 triệu người, tương đương hơn 15% trong tổng số 220 triệu dân của quốc gia Nam Á này. Giới chức Pakistan ước tính thiệt hại về vật chất lên đến hơn 10 tỷ USD, cùng với hơn 1.000 người chết và gần 1 triệu ngôi nhà bị hư hỏng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal cho rằng, nước này phát thải gây ô nhiễm thuộc hàng thấp nhất thế giới nhưng lại là nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu do “sự phát triển thiếu trách nhiệm của các nước phát triển”.
Tại châu Âu, người dân chứng kiến cái nóng kỷ lục trong mùa hè và các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại. Các nhà khí tượng học nhận định rằng, hạn hán tại “lục địa già” có thể trở nên khắc nghiệt nhất trong hơn 500 năm và tình trạng này tiếp tục diễn ra trong vài tháng tới. Con sông Loire dài nhất nước Pháp chảy chậm, ở nhiều nơi còn có thể đi bộ băng qua sông. Mực nước sông Rhine - một trong những con sông lớn và quan trọng nhất châu Âu - giảm khiến nhiều hãng tàu không thể cho sà lan hoạt động. Sông Panke ở Đức được mô tả là cạn phơi đáy ở một số khu vực. Tại Tây Ban Nha, các hồ chứa khô nẻ…
Nhân loại đang “đi sai hướng”
Đầu năm nay, LHQ đã công bố báo cáo nêu rõ: Hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số sống trong “vùng nguy hiểm” do biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn có nguy cơ tuyệt chủng rất cao nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2 độ C và 3 độ C. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.
Hơn 100 nước đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan. Tuy nhiên, ông Guterres nhiều lần cho rằng những nỗ lực chống biến đổi khí hậu là chưa đủ, chưa tương xứng và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, chống biến đổi khí hậu không còn là chuyện của tương lai mà các chính phủ phải hành động ngay từ bây giờ, chẳng hạn cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để bù đắp cho sự chậm trễ trong tiến trình phi carbon nền kinh tế, hướng tới một tương lai năng lượng thân thiện với môi trường.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 13-9-2022 cho rằng, nhân loại đang “đi sai hướng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch. WMO dẫn chứng: Sau khi lượng khí thải giảm 5,4% vào năm 2020 do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 5-2022 cho thấy lượng khí CO2 phát thải toàn cầu cao hơn 1,2% so với trước khi Covid-19 bùng phát.
Theo Hiệp định Paris được 195 quốc gia ký kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Pháp năm 2015, lượng phát thải toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050. Song thực tế, hành động vẫn yếu hơn so với cam kết. Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) lo ngại với các chính sách khí hậu như hiện nay, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 2,8 độ C vào năm 2100.
VĨNH AN (theo Reuters, ABC News, The Guardian)