Đà Nẵng cuối tuần

BẢO TỒN VĂN HÓA CHĂM

Gìn giữ và phát huy múa cung đình Chăm

13:04, 16/10/2022 (GMT+7)

Giữ vị trí quan trọng trong nền văn hóa Chăm ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, thời gian qua, thể loại múa cung đình Chăm luôn được ngành văn hóa quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Mới đây nhất, từ tháng 7 đến tháng 8 - 2022, Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng thực hiện 5 sáng tác mới nhằm đưa hơi thở đương đại vào từng tác phẩm nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc...

Diễn viên biểu diễn tác phẩm “Về nơi đền tháp”, một trong 5 tác phẩm mới về múa cung đình Chăm được dàn dựng đợt này, do nghệ sĩ, biên đạo múa Hoàng Châu thể hiện. Ảnh: K.H
Diễn viên biểu diễn tác phẩm “Về nơi đền tháp”, một trong 5 tác phẩm mới về múa cung đình Chăm được dàn dựng đợt này, do nghệ sĩ, biên đạo múa Hoàng Châu thể hiện. Ảnh: K.H

Đem hơi thở cuộc sống vào múa

Là tác giả dàn dựng tác phẩm múa “Âm vang tháp cổ” trong đợt sáng tác lần này, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phan Hoàng Hà, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng cho biết, tác phẩm được dàn dựng trong một tuần với 7 diễn viên tham gia biểu diễn. “Âm vang tháp cổ” mô phỏng lại điệu múa trống trong các lễ hội Blamon của người Chăm.

NSƯT Phan Hoàng Hà cho biết, để dàn dựng một tác phẩm múa cung đình Chăm, yêu cầu quan trọng là phải làm nổi bật nét văn hóa đặc sắc của người Chăm, đây là điều không dễ vì văn hóa Chăm chủ yếu phát triển ở Ninh Thuận - Bình Thuận, các nghệ sĩ múa không có nhiều cơ hội để tiếp cận cũng như trải nghiệm thực tế đời sống của người Chăm; vì vậy, rất khó để làm toát lên hết tinh thần của văn hóa Chăm trong bài múa.

“Dù bất lợi như vậy nhưng anh em diễn viên rất nỗ lực trong việc tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và tư duy để hoàn thiện tác phẩm chất lượng nhất. Chúng tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện từ Hội Nghệ sĩ Múa thành phố trong quá trình dàn dựng tác phẩm”, NSƯT Phan Hoàng Hà trao đổi.

Được dàn dựng bởi nghệ sĩ hiphop, biên đạo múa Lê Hoàng Châu (SN 1990), tác phẩm “Về nơi đền tháp” lấy cảm hứng từ những động tác tạo hình của các vũ nữ Trà Kiệu trong văn hóa Chăm làm vũ điệu trên nền nhạc hiphop hiện đại. Thông qua tác phẩm này, nghệ sĩ Hoàng Châu muốn đưa văn hóa, nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số Việt Nam, cụ thể là múa cung đình Chăm đến gần hơn với khán giả trẻ. Bên cạnh đó, theo nghệ sĩ, biên đạo múa Lê Hoàng Châu, chính những giá trị và bản sắc độc đáo, lâu đời của văn hóa Chăm, trong đó có múa cung đình Chăm là nguồn cội, cảm hứng để anh thể hiện khả năng sáng tạo. Đây là điều đáng mừng khi loại hình múa dân tộc truyền thống vẫn luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với các nghệ sĩ, biên đạo múa trẻ.

Đó là 2 trong số 5 tác phẩm múa cung đình Chăm được Hội nghệ sĩ Múa thành phố triển khai thực hiện từ tháng 7 đến 8-2022, nằm trong kế hoạch khôi phục và gìn giữ văn hóa Chăm, trong đó có các điệu múa cung đình Chăm, do Hội Nghệ sĩ Múa thành phố thực hiện. 5 tác phẩm bao gồm: “Về nơi đền tháp” (nghệ sĩ hiphop, biên đạo múa Hoàng Châu), “Thức giấc ngàn năm” (biên đạo múa Nguyễn Cường), Vũ điệu Durga (biên đạo múa Thục Linh), Niềm vui của thần hộ pháp Davarapala (biên đạo múa Hạ Long), “Âm vang tháp cổ” (NSUT Hoàng Hà).

Đánh giá về chất lượng và giá trị nghệ thuật của 5 tác phẩm múa cung đình Chăm vừa được dàn dựng, nghệ sĩ Huỳnh Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố cho biết, các tác phẩm cơ bản đáp ứng được định hướng và kỳ vọng mà Hội đặt ra ngay từ đầu, đó là kết hợp giữa bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm trong múa cung đình Chăm pha trộn với múa hiện đại; hay nói cách khác, đó là đưa hơi thở cuộc sống vào trong từng điệu múa, nhằm đem tác phẩm đến gần mọi đối tượng khán giả.

“Với đợt sáng tác lần này, Hội Nghệ sĩ Múa thành phố đã có bước đi trước trong bảo tồn văn hóa Chăm khi thử nghiệm kết hợp giữa múa cung đình Chăm với múa hiện đại, vốn chưa từng được khai thác. Các bài múa được dàn dựng công phu, thông qua ngôn ngữ hình thể cũng như âm nhạc và màu sắc, họa tiết của trang phục cho thấy các nghệ sĩ, biên đạo múa đã có những nghiên cứu kỹ về văn hóa, múa cung đình Chăm”, nghệ sĩ Huỳnh Kim Ngọc chia sẻ.

Nỗ lực chinh phục khán giả

NSND Lê Huân, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố cho biết, múa cung đình Chăm là vốn quý của văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng cho các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Sau năm 1975, từ những cảm xúc khi chiêm ngưỡng các bức tượng ở thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) và Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, các biên đạo múa Việt Nam đã dàn dựng nhiều tác phẩm múa Chăm, trong đó có múa cung đình Chăm.

Bản thân NSND Lê Huân là một trong những người khai thác sâu đề tài này thông qua việc dàn dựng nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ. Theo đánh giá của NSND Lê Huân, các biên đạo múa nhiều thế hệ đã thấu hiểu những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị cấu trúc nghệ thuật và những đặc trưng, bản sắc văn hóa, bản sắc nghệ thuật múa dân gian, trong đó có múa cung đình Chăm. Riêng 5 tác phẩm mới được dàn dựng nói trên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, các nghệ sĩ, biên đạo múa cần nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu rõ về văn hóa, múa cung đình Chăm nhằm cho ra đời những tác phẩm thật sự có giá trị cao.

Hiện nay, công tác bảo tồn múa Chăm, trong đó có múa cung đình Chăm luôn được Hội Nghệ sĩ Múa thành phố quan tâm, đầu tư thực hiện thông qua hai hình thức: tìm tòi, nghiên cứu để khôi phục lại các điệu múa cung đình Chăm và đưa hơi thở cuộc sống hiện nay vào các tác phẩm mới được dàn dựng.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa nghệ thuật Chăm, cần đến sự tham gia nhiệt tình của các biên đạo múa, nhất là biên đạo trẻ trong nỗ lực trau dồi kiến thức để hiểu sâu về văn hóa dân tộc nói chung, múa cung đình Chăm nói riêng. Có như vậy, khi sáng tạo tác phẩm mới không mắc những sai lầm đáng tiếc. Ngoài các hoạt động khôi phục, bảo tồn do ngành văn hóa triển khai, trong đó có các kế hoạch được Hội Nghệ sĩ Múa thành phố thực hiện, lâu nay, múa Chăm, trong đó có múa cung đình Chăm vẫn được Đoàn Văn công Quân khu 5 dàn dựng thông qua một số chương trình nghệ thuật thường niên. Bên cạnh đó là các tác phẩm riêng lẻ do các nghệ sĩ, biên đạo múa trên địa bàn thành phố biểu diễn ở những show diễn nhỏ, phục vụ khách du lịch, chương trình sự kiện…

Nghệ sĩ Huỳnh Kim Ngọc cho biết, sau khi được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam thẩm định, phê duyệt, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ múa thành phố dự kiến kết hợp Bảo tàng điêu khắc Chăm có kế hoạch tổ chức buổi biểu diễn 1 lần/tuần nhằm đưa 5 tác phẩm mới đến gần với khán giả, góp phần quảng bá rộng rãi loại hình múa cung đình Chăm. 

KHÁNH HÒA

.