Đà Nẵng cuối tuần

Nhớ giàn sa ngày đông

20:47, 12/11/2022 (GMT+7)

Những ngày mùa đông mưa dầm gió bấc, nhìn nước băng băng tràn đồng, lại nhớ những giàn sa ngày cũ. Nói ngày cũ, bởi bây giờ, cũng trên những cánh đồng ấy, giữa mùa nước mới, lại vắng bóng những giàn sa. Không phải do việc xóa bờ vùng bờ thửa để làm những cánh đồng mẫu lớn, mà cái cách làm nông được xem là hiện đại với bón phân vô cơ, phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… vô tội vạ đã biến những cánh đồng đầy cá tôm tự nhiên mùa nước tràn bờ thành những “cánh đồng chết”; chỉ còn những loài ngoại lai như cá rô phi, ốc bươu vàng… đủ sức tồn tại và sản sinh. Những giống cá tràu, cá trê, cá rô, cá giếc, cá nhét… trên đồng dường như chỉ còn trong hoài niệm. Và những giàn sa đơm cá cũng lùi vào dĩ vàng, ngày một xa dần.

Đêm mùa đông, chỉ còn quẫy cựa trong giấc mơ tôi là những giàn sa với cá tôm đầy ắp một thuở. Đó là những chiếc sa nhỏ nơi ruộng, rộc hay sa giàn gần chục mét nơi vũng bàu, sông suối… Cứ theo độ dốc của những thửa ruộng và hướng đón luồng cá mà mỗi người có cách làm sa khác nhau. Những sa nhỏ thì đơn giản là đóng tầm 4 đến 6 nọc sa bằng những gốc tre già rồi dùng những cây tre buộc dài theo nọc sa thành khung sườn. Trên đó, cột những tấm sịa là những thanh tre vót nhỏ, bện bằng mây hoặc cước. Tấm sịa giống như vạt giường tre, cột chặt vào khung sa để hướng đến chiếc ràng - hay chiếc đó, đặt ở cuối sa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở các vùng đồng sâu liên kết nhiều đám ruộng lớn, hay sông suối, những nhà giàu có thường hay làm sa giàn. Đó là những giàn sa “vĩ đại” trong mắt đám nhỏ chúng tôi. Nọc của sa giàn không phải làm bằng gốc tre, mà phải là từ những loại cây thân mộc cao lớn, săn chắc, dẻo dai… Thường một giàn sa có từ 8 đến 10 nọc, được phân bổ đều từ miệng đến cuối. Mặt sa làm từ những thân cây tre dài, thẳng, được cột sít vào nhau bằng sợi mây dẻo dai…, trên có thể trải những tấm vạt được bện thưa đủ để con nước lớn thoát nhanh, không đổ mạnh xuống cuối sa cuốn trôi những chiếc đó. Bọn nhóc chúng tôi - có lần được ra xem bắt cá ở sa giàn lớn, mắt chữ A mồm chữ O nhìn những con cá tràu, cá gáy (cá chép) to vật vã, lướt nước, vẫy vùng trên mặt sa.

Nhà tôi không có sa giàn, chỉ có một chiếc sa nhỏ. Với nghề đan thuần thục, cha tôi tỉ mỉ từng công đoạn làm sa - từ đốn tre làm nọc đến bện sịa, đan đó và đắp miệng sa. Những tấm sịa thật đẹp, bện chắc chắn bằng những thanh tre cật già và dây cước hoặc dây mây được trau chuốt kỹ càng. Còn những chiếc đó tròn được đan bằng tre, bắt đầu từ dưới đáy nhỏ, lớn dần lên phía bụng, sau thắt lại ở chỗ gài hom rồi loe về phía miệng - nơi đặt vào cuối sa. Phần đáy của đó có thể tiếp thêm cái đụt để chứa cá đối với những sa lớn, hoặc đơn giản là một nắp gài, để khi mở thì đổ cá ra dễ dàng hơn…

Miệng sa thường được trổ ở góc ruộng và làm phẳng, đắp bằng những mảng cỏ có rễ dài, bám sâu vào đất sét thịt để không bị xói lở. Khi lúa ngả bông và chín, vào mùa thu hoạch, cũng là lúc những cơn mưa đầu mùa trút xuống, đám cá tràu, rô, giếc… lâu nay ẩn mình trong ruộng lúa, con mương để ăn hoa lúa, phù du… nên tròn lẳn, bóng mượt, tung tăng ngược xuôi dòng nước. “Ma chạng vạng, cá rạng đông”.

Chúng đi ăn theo dòng nước và rơi vào miệng sa, theo tấm sịa mà dồn về chiếc đó đặt sẵn ở cuối sa. Nhớ những tinh mơ tôi được cha dẫn đi thăm sa, ngồi chồm hổm trên bờ, co ro trong chiếc áo tơi giữa trời đông mưa phùn giá lạnh, háo hức nhìn đôi tay cha dỡ đó, tháo đáy để đổ cá vô giỏ. Cảm giác hồi hộp và sung sướng vỡ òa khi những chú cá giãy đành đạch trong đó rồi đua nhau rơi vào giỏ. Nhấc chiếc giỏ nặng trịch đầy cá trên tay mà nghĩ đến những con cá rô nướng lửa than dầm mắm ớt tỏi, cá tràu nấu canh chua, cá giếc nấu rau răm thơm lừng, ấm cả ngày đông…

Bây giờ, nhìn nước cũng băng trắng đồng, mà những hình ảnh về giàn sa dần mờ xa trong ký ức, bỗng trào lên trong lòng một nỗi tiếc nhớ chênh chao…

ANH QUÂN

.