Đà Nẵng cuối tuần
"Nơi dựa" - Thông điệp nhân văn của Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Đình Thi, một gương mặt tài hoa của văn chương Việt. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Chân dung Nguyễn Đình Thi. Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trong tập Tia nắng (NXB Văn học, Hà Nội, 1983), Nguyễn Đình Thi có bài thơ Nơi dựa, đậm tính nhân bản. Toàn văn như sau:
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?/ Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…/ Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ/ Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có./ Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống/ Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?/ Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết/ Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy/ Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời/ Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ
kia đi qua những thử thách.
Bài thơ có bố cục rõ ràng, chia thành hai phần. Mỗi phần là một mạch đời lấp lánh niềm tin yêu và hy vọng. Chú ý sẽ thấy, nhà thơ tinh tế trong sử dụng ngôn ngữ. Tác giả dùng từ nơi dựa, không nói nơi tựa. Dựa có tính bền vững, lâu dài. Tựa, chỉ thời gian ngắn, thoáng chốc. Hiểu vậy để thấy ý tứ bài thơ và sự gửi gắm của tác giả.
Phần một, đoạn thơ (82 từ) có hai nhân vật: người đàn bà và đứa nhỏ. Người phụ nữ có khuôn mặt trẻ trung, xinh đẹp, tuy nhiên, vẫn không dấu được nỗi buồn xa xăm vương trên ánh mắt. Khuất sau khuôn mặt trẻ đẹp là những đoạn đời buồn. Chắc là, trong đời, người phụ nữ đó không được hạnh phúc mỉm cười, không được một mái ấm gia đình. Chìm vào những miền xa gợi cho người đọc cảm xúc buồn, lặng lẽ.
Nhà thơ mô tả đứa bé còn rất nhỏ, đang lẫm chẫm chạy, hai bàn chân cứ như ném về phía trước, phía của tương lại, phía của ánh sáng với hai bàn tay hoa hoa một điệu múa lạ kỳ, với cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Có thể nói, những gì xinh tươi, thánh thiện, tác giả dành cho đứa trẻ. Đứa bé, bước còn chưa vững trong cái nhìn của nhà thơ, như một thiên thần, chính là nơi dựa tinh thần cho người đàn bà kia, vươn lên nghịch cảnh, đủ nghị lực di tiếp trong cuộc đời. Hình ảnh đứa bé, đại diện cho ngày mai. “Ai biết đâu”, tưởng mơ hồ song lại vững chãi, tin cậy.
Đoạn thứ hai (92 từ), so với đoạn đầu, số chữ nhiều hơn, cũng có hai nhân vật: người chiến sĩ và bà cụ. Trong một dòng thơ, hai lần, Nguyễn Đình Thi nói về “đôi mắt” của người chiến sĩ. Đây không phải ngẫu nhiên. Chi tiết nghệ thuật này làm sáng rõ phẩm chất và trái tim yêu thương của người chiến sĩ. Người chiến sĩ, đôi mắt anh có cái ánh riêng, đôi mắt đã nhiều lần đi qua trận mạc, đã từng nhìn vào cái chết, giáp mặt với kẻ thù, lúc này đây, trên cánh tay anh, đưa bà cụ lưng còng, bước từng bước run rẩy, dắt nhau qua đường.
Có thể, với người chiến sĩ, qua khuôn mặt già nua của bà cụ, anh bắt gặp hình ảnh mẹ mình, bà mình nơi quê nhà, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc, gắng gỏi một đời. Nếp nhăn đan vào nhau, nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc của một đời người gắng gỏi chịu đựng. Hình ảnh “nếp nhăn” hai lần lặp lại, nhấn mạnh một cuộc đời với bao vất vả, lo toan, lưng đã còng, chân bước không vững, tựa vào cánh tay người chiến sĩ, qua đường. Vẫn câu hỏi “Ai biết đâu”, một nghĩa tình sâu lắng. Anh nhận ra, đây là chỗ dựa của mình, chỗ dựa để đi qua những thử thách, khó khăn, gian khổ của cuộc đời, của chiến tranh, giúp anh dũng cảm hơn trong cuộc sống.
Hóa ra, để có thể đi tiếp trên con đường dài đằng đẵng của cuộc đời lại nhờ vào những con người bình thường, thậm chí nhỏ nhoi, yếu đuối, làm chỗ dựa cho nhau. Nơi dựa trong bài thơ được nói đến là nơi dựa về tinh thần. Ở đó, con người tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống. Trong mỗi đời người, cái cần có, đó là tình yêu, tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu cuộc sống. Rằng là, không có những chỗ dựa đó, con người sẽ mất niềm tin, mất nghị lực, rơi vào bi quan và tuyệt vọng.
Thẳm sâu hơn, nhà thơ muốn gửi gắm một thông điệp, không phải chỉ A cần B mà B cũng cần A. Mối tương tác này làm nên vẻ đẹp nhân ái của con người và văn hóa Việt Nam.
Trong bài thơ, Nguyễn Đình Thi không đặt vấn đề thế hệ. Nơi dựa đưa lại một triết luận về nhân sinh, con người phải và nên dựa vào nhau, dắt nhau qua cuộc đời lắm gập ghềnh và gian khổ này. Chính từ đó, những đốm lửa ân tình sẽ sưởi ấm trần thế khổ ải này. Hình tượng “đứa bé” là nguồn sáng, hướng về tương lai, về phía trước. Hình ảnh “bà cụ” là biểu hiện của quá khứ, bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước.
Vào những năm cuối đời, khi đã đi qua những bão táp, những thăng trầm, chứng kiến bao buồn vui, cả được và mất, cả vinh quang và cay đắng, với cái nhìn nhân hậu, Nguyễn Đình Thi trở về với những giá trị thường hằng của cuộc đời, đó là lòng yêu thương, sự trân quý chân-thiện-mỹ, những giá trị vĩnh viễn của con người và đất nước Việt Nam. Ông viết những bài thơ đậm phong vị triết luận: Có lẽ, Niềm nhỏ, Một niềm vui, một nỗi buồn, Hoa vàng, Với Lý Bạch đêm nay, Trên con đường nhỏ…
Nơi dựa - bài thơ không lý luận cao siêu, rất giản dị, chân thật, nhẹ nhàng mà sâu lắng, cảm động. Bài thơ từng đưa vào giảng dạy trong chương trình Tiếng Việt bậc tiểu học.
Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20-12-1924 ở Luang Pra Bang (Lào). Nguyên quán làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông mất ngày 18-4-2003 tại Hà Nội. |
HUỲNH VĂN HOA