Đà Nẵng cuối tuần
Đồng hành để người lao động vượt khó
Ảnh hưởng Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực phục hồi kinh doanh và ổn định đời sống người lao động. Thời điểm cuối năm, các hợp đồng đơn hàng bị cắt giảm, ngừng trệ khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm dần nhân công, thậm chí giải thể. Quy luật thị trường là điều tất yếu, tuy nhiên, khi Tết Nguyên đán cận kề, chính sách hỗ trợ hàng nghìn lao động bị mất việc là trách nhiệm của nhiều đơn vị chức năng.
Các cơ quan chức năng cần có kế hoạch dài hơi để bảo đảm duy trì thị trường lao động, kể cả khi hoạt động sản xuất, kinh doanh biến động nhiều như hiện nay. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (quận Sơn Trà). Ảnh: MAI QUẾ |
Doanh nghiệp và người lao động cùng cầm cự
Theo thống kê mới nhất, Đà Nẵng hiện có hơn 27.000 lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp trên toàn thành phố. Trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế, tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp bắt đầu thực hiện giảm giờ làm từ tháng 11-2022 với 7 giờ/tuần so với 6 tháng đầu năm và từ tháng 12-2022 thực hiện giảm nhiều giờ làm, đồng thời cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy. Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó nhưng khi doanh nghiệp giải thể, mất việc, ai sẽ là người đồng hành cùng người lao động? Đây cũng là trách nhiệm của nhiều đơn vị chức năng hiện nay.
Hiện nay, nhiều lao động tiếp tục gặp khó khăn, bấp bênh để duy trì được một mức sống tạm ổn khi năm hết, Tết cận kề. Thông tin mới nhất từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đến đầu tháng 12-2022, Đà Nẵng có ít nhất 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, túi xách, chế biến thủy sản gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên liệu đầu vào nên ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không tổ chức tăng ca, hoặc giảm lao động, hoặc cho người lao động nghỉ phép năm… Theo thống kê sơ bộ của Công đoàn Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, có hơn 4.000 lao động bị cắt giảm giờ làm, trong đó có hơn 1.064 lao động bị ảnh hưởng, thuyên giảm, mất việc làm.
Mới đây, Công ty TNHH S.S.L.V Đà Nẵng (trụ sở tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tuyên bố giải thể và ngừng việc với hơn 500 lao động là những người đang có hợp đồng lao động 3 năm. Việc doanh nghiệp khó khăn, phải đi đến tuyên bố phá sản, dừng hoạt động khiến hàng trăm công nhân bị mất việc cũng là sự việc đáng tiếc, bất khả kháng với công ty. Để giải quyết thấu đáo và không tạo nên “điểm nóng” về an ninh trật tự tại địa phương, các đơn vị chức năng đã cùng vào cuộc và yêu cầu chủ doanh nghiệp có mặt để đối chất và đưa ra phương án đền bù phù hợp với người lao động. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, Công ty TNHH S.S.L.V Đà Nẵng sẽ chi trả tiền lương và nâng thêm mức hỗ trợ lao động sau khi chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cùng ngồi lại làm việc cụ thể.
Để bảo đảm việc doanh nghiệp thực thi nghĩa vụ hỗ trợ người lao động, theo ông Nguyễn Thành Nam, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi việc chi trả tiền lương cho người lao động. Đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố, Bảo hiểm xã hội quận Liên Chiểu xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện và thực hiện kết nối thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.
Tạo điều kiện chăm lo cho người lao động
Doanh nghiệp phát triển và phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng rất cần đến nguồn lao động có tay nghề và thạo việc, gắn bó lâu dài. Riêng đối với các doanh nghiệp thời vụ, vấn đề tuyển dụng/sa thải hay di biến động nguồn lao động không chỉ dẫn đến việc kinh doanh bị gián đoạn mà về lâu dài, nếu không có tính toán phù hợp sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Bài toán đặt ra không chỉ là trách nhiệm phía doanh nghiệp, chính quyền địa phương và bản thân người lao động buộc phải tự cân đong đo đếm trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho hay, hiện doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự và nỗ lực hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đề nghị ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp và người lao động, Trung ương cần có các chính sách điều chỉnh linh hoạt thị trường tiền tệ ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thực tế hiện nay giá cả hàng nguyên liệu đầu vào trong nước vẫn ở mức cao, dẫn đến giá hàng xuất khẩu cao, khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Theo ông Trần Văn Tỵ, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý nhanh các thủ tục hành chính; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp kịp thời, ban quản lý sẽ làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, để người lao động bị mất việc tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ban quản lý sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho người lao động, tổ chức phiên chợ công nhân, trao phiếu mua hàng, tổ chức các chuyến xe đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết…
Hơn lúc nào hết, việc đồng hành và hỗ trợ người lao động mất việc tại thời điểm hiện nay rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch dài hơi để bảo đảm duy trì thị trường lao động ngay khi hoạt động sản xuất, kinh doanh biến động nhiều như hiện nay. Bởi, sự ổn định đời sống của người lao động quyết định nhiều vấn đề sống còn của doanh nghiệp và ngược lại.
CHÍ THÀNH