Đà Nẵng cuối tuần
Giật mình đếm tuổi mẹ cha
Tôi bận bịu với con cái, cửa nhà, đứa này lớn thì đứa kia chập chững, nên gần chục năm nay chẳng lúc nào được thảnh thơi. Một hôm qua mảnh gương treo tường tôi nhìn thấy vài sợi tóc trên đầu đã bạc. Tôi không còn trẻ nữa, nét thanh xuân đã phai dấu qua những nhọc nhằn. Cây ngoài vườn đã lớn, căn nhà mới năm nào cũng đã bạc màu sơn. Rồi giật mình nhớ ra bố mẹ cũng đã qua cái tuổi sáu mươi, chẳng mấy chốc mà bảy mươi ập đến. Ý nghĩ ấy khiến tôi thấy bất an khi quỹ thời gian của bố mẹ ở bên cạnh con cháu ngày một ít đi. Tôi lấy chồng cũng không xa nhà bố mẹ là bao. Những lúc có công việc chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đi xe máy là về đến nhà mẹ. Nhưng có về cũng túi bụi con cái, nấu nướng, dọn dẹp, chẳng có thời gian để chuyện trò. Lâu lắm rồi tôi không nhổ tóc sâu cho mẹ, không hỏi thăm bố về những người bạn cũ. Cũng đã lâu rồi tôi không rõ bố mẹ buồn vui thường nhật thế nào? Thỉnh thoảng, giữa chừng cuộc điện thoại thấy mẹ than dạo này hay đau vai gáy, bệnh dạ dày tái phát, lưng ngày càng nhức mỏi. Thật ra mẹ biết con cái bận rộn nên chẳng nhờ các con phải thuốc thang gì. Chỉ đơn giản là mẹ cần ai đó lắng nghe, thấu hiểu. Có hôm mắt rơm rớm, mẹ bảo: “Ngày xưa gánh gồng ngược xuôi đi bộ cả chục cây số chẳng thấy gì. Giờ bế cháu một tí đã nhức mỏi hết cả tay. Đúng là thấy tuổi già rõ qua từng ngày một”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi thường chạnh lòng khi bắt gặp một người già nào đó đau ốm, cô đơn. Bởi tôi thấy bóng dáng bố mẹ mình trong đó vào một ngày không xa. Sinh, lão, bệnh, tử dù muốn hay không thì quy luật vẫn sẽ diễn ra. Một ngày nào đó bố mẹ già nua, dẫu có mua những món ngon đến đâu cũng không ăn được nữa. Một ngày nào đó bông hoa cài trên ngực mình trong mùa lễ vu lan sẽ không còn là bông hồng đỏ. Về thăm nhà mẹ sẽ chỉ thấy lá rụng sân rêu. Chắc sẽ khóc nếu hồi tưởng lại một buổi tối nào đó cả nhà ngồi ngoài cổng hóng gió. Cái cổng dốc sau cánh cửa sắt màu xanh. Bố bế cháu hát ru, mẹ ngồi cạnh chú chó già đang vểnh tai nghe gió. Sẽ nhớ rằng hôm đó mình nấn ná ở lại lâu hơn không muốn về nhà. Bố mẹ đã bao ngày ra cánh cổng ấy tiễn tôi đi học xa nhà. Sau này cũng đứng ở đó bố thường chỉnh lại dáng ngồi cho đứa cháu nhỏ phía sau xe, mẹ dúi cho con gà, chục trứng, mấy cây măng tươi và dặn dò “đi chậm thôi con nhé”. Tôi đi một đoạn xa, nhìn qua gương chiếu hậu vẫn thấy bóng dáng bố mẹ mình còn đứng ngóng theo. Đường làng như một dải lụa dài với hoa thơm lúa trĩu lần nào về hay đi cũng khiến tôi bủi ngủi bùi ngùi như thế. Tôi nhớ mình từng đọc đâu đó mấy câu thơ: “Còn mẹ còn lối đi về/ Mất mẹ cả lối về quê cũng mờ/ Còn mẹ ngày đợi đêm chờ/ Mất mẹ ngay cả giấc mơ cũng buồn”. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sợ đến một ngày đường về quê mẹ gần đấy mà cũng xa xăm lắm.
Bạn à, bố mẹ bạn giờ bao nhiêu tuổi?
VŨ THỊ HUYỀN TRANG